Tô Đông Pha viết trong bài thơ “Thủy điệu ca đầu”: “Người có lúc buồn vui tan hợp. Trăng có khi sáng tối tròn khuyết”. Hai câu thơ này đã trở thành danh ngôn bởi vì chúng đã bộc lộ một cách sinh động và đầy thi vị một quy luật phổ quát: Sự không trọn vẹn, không viên mãn là một hiện tượng phổ biến trong tự nhiên và trong xã hội loài người.

Thi sĩ Đào Uyên Minh: Người không tu Đạo mà đã ở trong Đạo
(Tranh: Họa sĩ Thạch Đào, thời Minh – Thanh, Wikipedia, Public Domain)

Chúng ta đều biết trăng có lúc tròn lúc khuyết, đây là quy luật vĩnh cửu. Trăng khi tròn khi khuyết, tròn lại khuyết, khuyết lại tròn và trong mắt mọi người thì trăng khuyết dường như tồn tại lâu hơn và phổ biến hơn. Bởi vậy khuyết là trạng thái bình thường của trăng. Còn trăng tròn thì xuất hiện ít hơn, và điều đó cũng là một nguyên nhân tạo nên phong tục ngắm trăng tròn và tổ chức lễ hội vào dịp trăng tròn.

Ngẫm lại nhân sinh, chúng ta đều không ngừng theo đuổi sự hoàn hảo, viên mãn như ý, nhưng lại luôn khó đạt được. Quá trình này cũng giống như quá trình của mặt trăng từ tròn đến khuyết, từ khuyết đến tròn. Không viên mãn, không như ý vĩnh viễn là trạng thái bình thường của nhân sinh, còn thời gian viên mãn như ý thì luôn ngắn ngủi và dễ trôi qua. Một người hiểu được đạo lý này thì khi gặp thuận cảnh trong cuộc sống, họ sẽ không đến nỗi vui mừng quá đỗi mà quên hết. Còn khi gặp phải nghịch cảnh, họ sẽ có thể giữ được tâm thái thản nhiên mà đối mặt.

Vương Duy, thi nhân nổi tiếng thời nhà Đường đã viết trong bài “Thu dạ khúc”:

Quế phách sơ sinh thu lộ vi,
Khinh la dĩ bạc vị canh y.
Ngân tranh dạ cửu ân cần lộng,
Tâm khiếp không phòng bất nhẫn quy.

Tạm dịch nghĩa:

Trăng vừa mọc, sương thu thưa thớt,
Áo mỏng đã bạc màu còn chưa kịp thay.
Đêm khuya mà tiếng đàn tranh đã chơi lâu rồi vẫn còn,
Tâm rụt rè không đành lòng trở về nhà trống.

Bài thơ này được Vương Duy viết vào thời gian ông đang sống ẩn cư. Nó không khỏi khiến cho người ta phải cảm thán rằng sự xuất hiện của những điều không như ý, không trọn vẹn trong cuộc đời là hoàn toàn bình thường.

Khi trăng vừa mới treo trên bầu trời, sương thu đã bắt đầu hình thành, quần áo trên người hơi mỏng, vẫn còn chưa kịp thay. “Sương thu” “quần áo chưa kịp thay” là tương phản, đối lập nhau. “Áo mỏng đã bạc màu chưa kịp thay” còn thể hiện tinh thần sa sút của Vương Duy sau khi mất đi những người thân yêu nhất của mình.

Trong hai câu sau, có thể thấy thi nhân cẩn thận thu dọn lại cây đàn tranh ở bên ngoài phòng, nhưng vẫn lần lữa. Mà lý do của việc làm này là vì sợ sự cô đơn tịch mịch. Trong thơ Vương Duy, ta có thể biết được rằng ông vẫn có thói quen chơi đàn ngoài trời vào ban đêm. Tuy nhiên ở bài “Thu dạ khúc” này thì thi nhân lại không phải ở trong tâm trạng chơi đàn, chỉ là đang chìm đắm trong suy nghĩ mà thôi.

Trong cuộc đời của Vương Duy, có thể nói sự nghiệp của ông tuy rằng có gập ghềnh khúc triết, nhưng cuối cùng ông vẫn thuận lợi vượt qua tất cả mà đạt được công danh. Hội họa của Vương Duy cũng được đánh giá là tuyệt vời trong thiên hạ. Ông cũng có trình độ xuất sắc ở phương diện sáng tác thi từ ca phú. Chính bởi những thành tựu ở nhiều phương diện mà đương thời Vương Duy rất nổi tiếng. Các quan lại ở thành Trường An đều tự hào khi được Vương Duy đến nhà làm khách. Nhưng điều đáng tiếc là về phương diện gia đình, ông lại không được trọn vẹn. Lúc Vương Duy ở tuổi trung niên, ông mất vợ, mất con và sau đó ông đã sống một cuộc sống lẻ loi một mình, không bao giờ kết hôn lại.

Trên thực tế, đời người chính là như thế! Không ai sống cả đời đều thuận lợi, bằng phẳng, không gặp phải lận đận và những điều trớ trêu.

Vương Duy có thể đạt đến đỉnh cao trong công danh sự nghiệp, nhưng cuộc sống gia đình của thi nhân lại gập ghềnh lận đận. Tình cảm vợ chồng của Vương Duy rất hoàn mỹ, hai vợ chồng tương thân tương ái, yêu thương lẫn nhau nhưng lại không được sống bên nhau lâu dài. Khi Vương Duy ở vào tuổi trung niên, vợ ông mất vì khó sinh. Vương Duy trải qua những thăng trầm, những nỗi mất mát và thấu hiểu được sự vô thường của nhân sinh.

Trong cuộc sống, chúng ta thường hâm mộ, thậm chí là ghen tị với những người giàu có và thành công trong sự nghiệp. Chúng ta nhìn vào những thứ mà họ đạt được để so sánh với bản thân và ao ước một cuộc sống như vậy. Nhưng kỳ thực, mỗi cá nhân đều có những khó khăn và những nỗi phiền muộn riêng. Trời đất có lẽ công bằng, lại không phải công bằng mà con người nghĩ tưởng và cho là đúng.

Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Hạ Vũ
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: