Khi nhìn vào những bài thơ hay bức tranh của người thời cổ đại sáng tác ra, chúng ta có thể cảm nhận được sự tĩnh lặng và bình yên trong nội tâm của họ cũng như trong cuộc sống đơn giản của họ. Cho dù là thuận cảnh hay nghịch cảnh, họ đều có thể tìm được phương cách để khiến cho tinh thần của bản thân mình đạt được giải thoát.

Cảm ngộ nhân sinh: Sống đơn giản giúp tâm linh được an tĩnh
(Ảnh minh họa: Aphotostory, Shutterstock)

Vì sao xã hội hiện đại ngày càng phong phú nhưng lại ngày càng nhiều người cảm thấy mê mang, lầm lạc giống như đã bị mất đi chính bản thân mình. Kỳ thực, xung quanh việc đánh mất và tìm kiếm lại tự ngã thì cổ nhân đã thảo luận rất nhiều. Như Mạnh Tử từng giảng: “Gà và chó mà con người nuôi dưỡng nếu bị thất lạc thì có thể tìm và bắt lại, nhưng nếu đã đánh mất cái tâm của mình thì không biết tìm trở về ra sao. Đường lối của nghiên cứu học vấn không có gì khác, chẳng qua là tìm cái tâm thất lạc của mình trở về, khiến cho cái tâm an lại mà thôi”.

Người hiện đại quá dễ dàng bị hấp dẫn, cám dỗ bởi những điều bên ngoài. Ví như điện thoại, máy tính, internet, khắp nơi đều có những thứ dẫn động tâm can khiến con người rất khó tĩnh lặng được. Nếu để ý kỹ, có thể thấy ngày nay những người biết cách tập trung và chuyên chú vào công việc thường thường là những người sống một cuộc sống đơn giản.

Đối mặt với thế giới hiện tại càng ngày càng phong phú thì cũng có càng ngày càng nhiều người lựa chọn sống một cuộc sống tối giản, tức là giảm trừ bớt đi về mặt vật chất và các “mối lo” tinh thần. Ví dụ, trong cuộc sống, họ gắng loại bỏ càng nhiều càng tốt những thứ không cần đến – quần áo trong tủ đã lâu không còn mặc đến, những thứ trong tủ bếp không còn dùng tới, các đồ vật để trong kho hầu như không bao giờ động vào… 

Về mặt xã giao, người ta cũng bắt đầu rút lui khỏi các nhóm xã hội và tương tác nhiều hơn với những người thân trong gia đình và những người bạn tâm giao. Về mặt tinh thần, họ cũng giảm bớt việc hồi tưởng về quá khứ và lo lắng về tương lai.

Từ việc thực hành những điều đơn giản như vậy, chúng ta sẽ có thể dễ dàng sắp xếp cho mình một không gian đơn giản và thuần khiết giữa muôn vàn trật tự phức tạp và hỗn loạn, từ đó cũng sẽ khiến tâm linh được nghỉ ngơi, an tĩnh hơn.

Người xưa đã sớm đưa ra đạo lý: “Dưỡng sinh chẳng qua là dưỡng tâm, dưỡng tâm chẳng qua là tiết dục, giảm bớt dục vọng”. Nếu muốn an dưỡng cho cơ thể của mình thì phương thức tốt nhất là tẩm bổ cái tâm của mình, mà phương thức tẩm bổ tâm tốt nhất chính là giảm bớt kỳ vọng và dục vọng của tâm linh đối với những thứ bên ngoài.

Trong sách “Thái Căn Đàm” viết: “Đời người, nếu có thể giảm bớt giao du chơi bời thì sẽ giảm bớt được phiền nhiễu, nếu có thể giảm bớt được lời nói thì sẽ giảm bớt được những rắc rối không đáng có, nếu giảm bớt được suy nghĩ thì tinh thần sẽ càng thêm sung túc phong phú hơn”. Kỳ thực tinh thần và thân thể là có mối liên hệ tương hỗ với nhau, cảm xúc của một người có thể ảnh hưởng đến thân thể của người đó. Suy nghĩ trong sáng đơn giản có thể khiến thân thể khỏe mạnh hơn còn suy nghĩ xấu ác cũng sẽ khiến thân thể yếu nhược đi. Đông y giảng rằng: “Giận làm tổn thương gan, vui mừng làm tổn thương tim, suy tư làm tổn thương tỳ, đau buồn làm tổn thương phổi, sợ hãi làm tổn thương thận”. Y học hiện đại phương Tây cũng biết rằng trạng thái tinh thần sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất. Chính là cùng một đạo lý.

Cho nên, rất nhiều thời điểm trong cuộc sống chúng ta không chỉ nên giảm bớt về mặt vật chất mà về mặt tinh thần cũng cần giảm bớt. Khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi thì rất có thể là trong tâm chúng ta đang có quá nhiều cảm xúc hỗn loạn như lo lắng, thất vọng, bi quan… Chỉ cần dọn dẹp những tạp vật này trong tâm thì tự nhiên chúng ta sẽ sống đơn giản hơn, vui vẻ và an bình hơn. 

Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Lâm Phương Vũ
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: