Chuyện thần đồng kiêu ngạo trong lịch sử khoa bảng
- Trần Hưng
- •
Trong lịch sử khoa bảng nước ta, có người được xem là thần đồng từ nhỏ mà rồi sinh ra kiêu ngạo, có người vì thế mà mất ngôi Trạng nguyên, cũng có người nhờ thay đổi mà trở thành nhà bác học lớn.
Kiêu ngạo mà mất ngôi Trạng nguyên
Thời nhà Mạc ở vùng Chí Linh có người học trò tên Đồng Hãng nhà nghèo nhưng rất ham học. Bấy giờ trong làng có một phú hộ nuôi thầy đồ để dạy chữ cho con, Đồng Hãng xin làm giúp việc để đồng thời học ké.
Dù chỉ học ké, nhưng nhờ ham học lại thông minh nên Đồng Hãng tiến rất nhanh. Năm 14 tuổi có cuộc khảo hạch văn chương với đề bài là “Trùng tu Quốc Tử Giám”, Đồng Hãng tham gia và làm liền 2 bài. Khi các quan hỏi nguyên do thì Đồng Hãng đáp rằng vì đề bài có chữ “trùng” nên ông làm 2 bài.
Sách “Công dư tiệp ký” có ghi chép rằng vì gia cảnh nghèo khó nên một lần Đồng Hãng vào công đường ở Thừa ty Hải Dương để xin ăn, đánh liền 3 hồi trống. Các quan cho triệu vào và hỏi, Đồng Hãng đáp rằng: “Hàn sĩ muốn đến xin ăn, nhưng sợ khó thấu đến nên phải đánh trống để các quan ở quý nha đến cho dễ xin hơn, thực chẳng có việc gì khác”.
Viên quan Thừa ty nói rằng: “Ngươi đã là học trò, chúng ta ra cho một đề thơ. Nếu làm được sẽ cho tiền gạo”.
Đồng Hãng nói rằng đã ra đề thì ra luôn trăm đề một thể chứ chỉ ra một đề thì không đáng làm. Viên quan Thừa ty cùng 3 viên quan khác thay nhau ra đề liên tục, ra đề nào Đồng Hãng liền làm ngay đề ấy, chẳng mấy chốc đã xong 100 bài thơ, ý tứ đều hay khiến các quan đều phục. Các quan bèn cho Đồng Hãng 5 quan tiền và một thúng gạo. Tiếng tăm của Đồng Hãng cũng bay khắp nơi.
Vùng Chí Linh bấy giờ, hay chữ có tiếng là Đồng Hãng và Phạm Công Trĩ. Có câu: “Chí Linh Trạng, Bảng, phi Hãng tắc Trĩ” nghĩa là Chí Linh Trạng nguyên, Bảng nhãn không phải Hãng thì cũng là Trĩ.
Thấy Đồng Hãng có tài, phú hộ liền gả con gái cho. Từ đó Đồng Hãng càng sinh ra kiêu ngạo tự phụ. Năm 1556, Triều đình mở khoa thi, Đồng Hãng đăng ký, nhưng lại cho rằng tài năng như mình thì kiểu gì cũng đỗ nên bắt nhà vợ phải khao cả làng trước mới chịu đi thi. Nhà vợ phải chiều theo khao trước cả làng.
Đến lúc Đồng Hãng làm bài thì có câu khó quá làm không được, có ông già lều kế bên nói sẽ giúp đọc để Đồng Hãng làm bài cho xong. Thế nhưng Đồng Hãng từ chối mà thu dọn lều chõng rời khỏi trường thi, về nhà chuẩn bị cho khoa thi tới. Đợi khoa thi tới phải thêm 3 năm nữa, Đồng Hãng lại thêm 3 năm đèn sách.
Đến khoa thi năm 1559, Đồng Hãng lại yêu cầu nhà vợ khao cả làng trước mới chịu đi thi. Một lần nữa phú ông phải chiều chàng rể mở tiệc khao cả làng. Đến thi Hội, phải qua tứ trường, nhưng mới hết trường nhất Đồng Hãng đã kiêu căng tự phụ nói: “Quan trường nào mà ra đề khiến Hãng này không làm được, thế mới thật là giỏi”, vì thế mà các quan rất ghét thói kiêu ngạo này.
Vào đến thi Đình, đúng ra Đồng Hãng đã có thể đỗ đầu Trạng nguyên, nhưng các quan chỉ chấm cho ông đỗ Hoàng giáp. Đồng Hãng thi đỗ trở về, gia đình rất mừng, không bẽ mặt với xóm giếng.
Bỏ tính kiêu ngạo mà mà thành nhà bác học lớn
Một trong những người được xem là thiên tài bậc nhất trong lịch sử văn hóa Việt Nam là Lê Qúy Đôn, ông được người đương thời xem là “túi khôn của thời đại”. Lê Quý Đôn có nhiều cống hiến cùng những tác phấm về các lĩnh vực: Triết học, luật học, sử học, nông học, dân tộc học, xã hội học, thiên văn học, từ điển học…
Những tác phẩm của ông có đến 40 bộ bao gồm hàng trăm quyển, một số bị thất lạc. Ông để lại các tác phẩm lớn đồ sộ như: “Vân đài loại ngữ” được xem là bách khoa toàn thư về nhiều lĩnh vực như triết học, khoa học, văn học; “Đại Việt thông sử” hơn 100 năm triều đại nhà Lê, có nhiều chi tiết mà các bộ sử khác không có; “Kiến văn tiểu lục” nói về lịch sử văn hóa từ nhà Trần đến nhà Lê, từ thành quách núi sông, đường xá, thuế má, phong tục tập quán, sản vật, mỏ đồng, mỏ bạc và cách khai thác cho tới các lĩnh vực thơ văn, sách vở…
Lê Quý Đôn thuở nhỏ được xem là thần đồng về trí nhớ. Lên 5 tuổi ông đã bắt đầu học Kinh Thư và thuộc rất nhanh, lện 6 tuổi đã biết làm thơ văn. Năm 12 tuổi ông đã đọc rất nhiều sách trong “Bách gia chư tử”, năm 14 tuổi đã đọc hết các Kinh, Sử của Nho gia mà mình có được.
Tương truyền một hôm Lê Quý Đôn đến nhà Lý trưởng, thấy trên bàn có cuốn sổ, bèn mở xem thì thấy là cuốn sổ ghi lại những người thiếu thuế, người thì thiếu năm bảy đấu thóc, người thì vài quan tiền. Ít lâu sau không may nhà Lý trưởng bị cháy, cuốn sổ thu thuế cũng bị cháy mất, Lý trưởng lo lắng vì không biết làm sao thu thế cho Triều đình. Lê Quý Đôn bèn đọc lại theo trí nhớ của mình, Lý trưởng không tin tưởng lắm nhưng chẳng có cách nào khác nên ghi chép lại. Khi Lý trưởng đi thu thuế thì thấy đúng và không ai thắc mắc hay khiếu nại gì cả, lúc đó Lý trưởng mới tin.
Năm 17 tuổi, ông thi Hương đỗ đầu tức Giải nguyên. Năm 1752 khi 26 tuổi, ông thi Hội và đỗ đầu tức Hội nguyên. Vào đến thi Đình, ông lại đỗ đầu tức Bảng nhãn (do kỳ thi này không lấy Trạng nguyên) và được Triều đình bổ nhiệm làm quan.
Nhưng cũng từ đó Lê Quý Đôn rất kiêu ngạo. Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” thì Lê Quý Đôn tự tin mình đã đọc hết sách cả thiên kinh vạn quyển trong thiên hạ, sai người làm tấm biển treo ngay trước ngõ vào nhà mình với hàng chữ: “Thiên hạ nghi nhất tự lai vấn”, trong thiên hạ, ai không hiểu chữ gì thì hãy đến mà hỏi.
Sau khi cha mất, Lê Quý Đôn thường hay đến chùa cầu siêu. Một ần ông đến, vị sư chùa nói có đứa tiểu đồng nghe đố chữ mà không hiểu, về chùa hỏi mà không ai nghĩ ra là chữ gì. Câu đố là:
Thượng nhi bất thượng,
Hạ nhi bất hạ,
Thả nghi tại hạ,
Bất khả tại thượng.
Nghĩa là:
Trên không thể trên,
Dưới không thể dưới.
Nhưng nên ở dưới,
Không thể ở trên.
Lê Quý Đôn vắt óc suy nghĩ cũng không sao nghĩa ra được. Lúc này tiểu đồng bỗng ở ngoài chạy vào và nói cậu đã giải được rồi. Lê Quý Đôn hỏi thì tiểu đồng nói đó là chữ nhất ( 一 ):
- “Thượng nhi bất thượng” là chữ Thượng 上 mà không có phần trên, nên thành chữ Nhất 一.
- “Hạ nhi bất hạ” là chữ Hạ 下 mà không có phần dưới, nên cũng là chữ Nhất 一.
- “Thả nghi tại hạ” là chữ Thả 且 và chữ Nghi 宜thì có chữ Nhất 一 ở phía dưới.
- “Bất khả tại thượng” là chữ Bất 不 và chữ Khả 可 thì chữ Nhất 一 ở phía trên.
Lê Quý Đôn biết dụng ý người ra câu đố là lấy ngay chữ “nhất” trong tấm biển “Nhất tự lai vấn” để chế nhạo mình. Ông liền hiểu ra thiên hạ còn lắm kẻ giỏi, nên khi về đến nhà việc đầu tiên ông làm là sai người cất tấm bảng đó đi. Từ đó ông bỏ đi tính kiêu ngạo của tuổi trẻ, chăm chú nghiên cứu, học hành nhờ đó mà trở thành thiên tài lớn của Việt Nam.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa thần đồng Trạng nguyên khoa bảng