Thực sự tôi thấy đời sống tinh thần ở ta ít được coi trọng. Không chỉ là sách vở, nghệ thuật, học thuật… bị coi là thứ yếu, để trang trí cuộc sống. Kiểu có sự kiện, hội nghị gì thì xen vài tiết mục múa hát cho vui hay sách vở thì để check-in là chính.

Mà…

Nó nằm ở chỗ trong đời sống thường ngày, năng lượng, tâm sức con người chủ yếu dồn cho ăn, mặc, ở, đi lại. Cả người giàu và người nghèo đều khổ tâm mất sức nhiều về chuyện này. Rất chăm lo cho sức khỏe như ăn gì uống gì nhưng ít khi nghĩ chuyện mình đọc gì, viết gì, nghe gì, suy ngẫm gì để cân bằng cuộc sống và có tâm hồn khỏe mạnh.

Hơn nữa, người Việt nói với nhau khá thô bạo. Ngôn ngữ tục tĩu cực nhiều và dùng không giới hạn cho mọi giới. Ngoài ra, khi giao tiếp mặt đối mặt thì thường thiếu sự cân nhắc và tế nhị khi liên tục công kích, châm biếm, ám chỉ, xỏ xiên nhau, văng tục, chửi thề và hỏi những câu rất hiểm về đời tư như: “Lương tháng bao nhiêu?”, “Đang làm chức gì?”, “Tết thưởng mấy triệu?”, “Mua mấy nhà rồi?”, “Đi xe hiệu gì?”, “Con học giỏi không?”, “Trường tư hay quốc tế hay du học?”

Về quê thì các dòng họ, gia đình lại thích khoe khoang con cái thành đạt hay thường xuyên biết “mang tiền về cho mẹ”.

Đi làm thì ai ai cũng nói “đoàn kết”, xưng với nhau là “anh em chú bác” nhưng bên trong thì kéo bè, kéo cánh nói xấu, công kích, chơi bẩn, hạ thủ nhau bằng đủ chiêu trò, mánh khóe hèn hạ.

Ra đường thì mạnh ai nấy đi. Hơi va chạm một tí thì thay vì xuống xe hỏi thăm nhau xem có bị sao không rồi dàn xếp thì chửi liên hồi và sử dụng nắm đấm để tìm chân lý.

Giải quyết giấy tờ, thủ tục thì cho nhau ăn hành đủ món từ dưa tới hành chấm mắm.

v.v…

Và rồi ở trường thì đuổi nhau chạy như đèn cù bắt thành tích với điểm số. Bộ ép sở, sở ép phòng, phòng ép trường, trường ép giáo viên và rồi cuối cùng giáo viên – người yếu nhất trong tầng tháp quyền lực – sẽ chuyển hóa nó vào học sinh.

Dịch bệnh làm cho học sinh không được đến trường trong khi không phải gia đình nào cũng là mái ấm.

Đến khổ. Nên sống cứ phải nghĩ mưu tính kế hoặc lo lắng bất an. Không thần kinh mới là lạ.

Mà không chỉ Việt Nam, các nước như Nhật cũng ghi nhận bạo hành gia đình tăng lên vì dịch Covid.

Tự do là thứ làm cho người ta sống trở nên phóng khoáng và bao dung. Gà mà nhốt vào lồng chật thì dù thóc nhiều, nước đủ cũng sẽ vẫn mổ nhau suốt ngày và chén thịt lẫn nhau (bác nào nuôi gà sẽ chứng kiến cảnh gà mổ vào lưng, mông nhau đến thủng thịt và chúng rứt thịt đó ăn. Khi ruột lòi ra cả đàn mổ chén ngon lành). Nhưng thả ra ngoài vườn, đồi thì chúng lại chạy nhảy vui chơi thoải mái, gáy cho nhau nghe rất hay.

Chỉ mong Covid chấm dứt sớm để mọi người được giải phóng ra khỏi nhà mình. Còn những việc khác thì mọi người đều phải nghĩ mà từ từ cố gắng cải thiện.

Nguyễn Quốc Vương
Tựa do tòa soạn đặt

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả:

Mời xem video: