Đừng giáo dục và yêu thương sai cách
- Nguyễn Thị Bích Ngà
- •
Thằng Gold về nhà mình khi đã được ba tuổi. Ở nhà, nó chỉ quấn quýt vài người, không phải ai cũng gần nó được. Về với mình, nó buồn rầu, chui vào một góc kho và cố thủ ở đó. Đái ỉa luôn trong bếp, không chịu ra sân, không chịu chơi với bầy, không cho mình đụng vào người.
Nó thích ăn bánh, mình lấy bánh dụ nó, đưa vào gần miệng, nó chảy nước miếng, liếm mép liên tục nhưng nhất định không chịu ăn. Mình để xuống bát, bỏ đi, nó mới rón rén ra ăn. Vài lần, mình định chạm vào nó thì ngay lập tức cu cậu gừ gừ cảnh báo đe nẹt đuổi mình đi chỗ khác. Ừ, đuổi thì đi.
Mình ngồi cách nó một mét, gọi bầy kia vào gần, gãi đầu xoa lưng, cho thằng Gold thấy. Nó nhìn, ánh mắt đầy thèm muốn nhưng vẫn cố lì. Mình kệ.
Sau một tháng nó mới rón rén ra sân một chút rồi chạy vào ngay. Vẫn không cho mình tới gần. Vẫn đái ỉa trong bếp. Mình vẫn dọn mỗi ngày. Cho ăn, quan sát, kiên nhẫn chờ, không đánh đập, không quát nạt đe dọa.
Sau hai tháng, một hôm mình ra ngoài về, tối, mở cổng, như thường lệ, cả bầy mừng. Mình ngồi ở hiên khoảng nửa tiếng để chơi với tụi nhỏ, thì Gold rón rén ra sau lưng cạ vào lưng mình. Mình đưa tay ra, nó bỏ đi. Một lúc sau nó lại quay lại cạ vào lưng. Mình kệ. Sau vài lần cạ nữa thì nó hết chịu nổi, dụi đầu dụi cả người vào lòng mình rên khóc, cuống quýt. Gãi đầu gãi tai, gãi lưng gãi bụng đủ thứ các kiểu nửa tiếng. Mình thì nói những lời yêu thương còn nó thì rên ư ư.
Từ đó, thằng Gold theo sát bên mình khi mình ở nhà, tự ra ngoài đái ỉa, ăn chung sân với bầy, chơi chung, giữ nhà, theo lệnh anh Gấu. Mọi việc đâu vào đấy. Ngoan, lành.
Có đứa khi về với mình thì lập tức thân thiện, nhưng cũng có đứa cần nhiều thời gian để nó tin tưởng và nhận ra mình yêu nó, không làm hại nó thì nó mới tin yêu. Hiểu điều đó, mình chẳng vội vàng gì, để nó được tự do lựa chọn và quyết định, việc của mình chỉ là yêu nó thôi.
Người ta nói, nuôi chó và thuần phục chó, chỉ cần bỏ đói nó hai ngày rồi cho ăn là nó theo ngay. Hoặc trong huấn luyện, người ta cũng sử dụng roi như một phương pháp bắt chúng nghe lệnh, phục tùng tuyệt đối. Mình không làm điều đó. Chúng nghe lệnh mình vì yêu và hiểu, không phải vì sợ hãi. Đứa nào vì sợ hãi bị bầy ăn hiếp mà rúm ró mình đều vực nó lên được để nó đứng thẳng làm một con chó đúng nghĩa. Đơn cử là thằng Mực, sau ba tháng mình vực nó lên thì nay nó đã chơi ngang hàng với những đứa còn lại, bỏ được tính khúm núm trước thằng Gấu và ăn hiếp thằng Shin.
Một thời gian trước, mạng xã hội lại có một cuộc tranh luận, mà theo mình quan sát rồi sẽ chẳng đi đến đâu. Bởi những điều mà cả hai phía: ủng hộ và không ủng hộ sử dụng roi vọt, phạt quỳ như một biện pháp giáo dục tại nhà và ở trường, đều thiếu thiếu một điều cơ bản: tình yêu.
Không phải ngẫu nhiên mà mình viết phần dạy chó ở trên. Trong dạy con, dạy học sinh, người ta có đủ kiên nhẫn với con với học sinh của mình như vậy chưa? Có vì lỗi lầm của các con mà quát mắng, đánh đập chúng không? Hay là dùng tình yêu để thu phục và dạy bảo chúng?
Người ta có thể nhanh chóng trả lời rằng mình yêu trẻ. Nhưng, xin hãy hỏi lại chính mình, mình yêu trẻ có điều kiện hay vô điều kiện?
Thằng Gấu biết đi vệ sinh bên ngoài, biết gần gũi mình, ăn rất ngoan không bao giờ rơi vãi ra ngoài và luôn ăn hết phần của nó. Mình yêu nó. Nghe kể vậy, mọi người hẳn là cũng yêu nó vì nó ngoan đến thế cơ mà. Còn thằng Gold, hai tháng liền đái ỉa trong nhà, trong kho, thậm chí cả phòng khách, lại còn không cho đụng vào người, không cho tắm, người đầy ve bọ bẩn thỉu. Thằng Bông đi nghịch sình về là phóng lên giường, lên sofa làm mình phải dọn dẹp mỗi ngày, lau chùi bàn ghế, thay drap nệm… Mọi người nghe đứa hư như vậy thì có yêu không hay chê bai chúng? Nếu mọi người nuôi chúng, mọi người có đánh, quát mắng, chê bai, chỉ trích, sỉ nhục chúng, muốn tống cổ chúng đi chỗ khác không? Mình vẫn yêu chúng như yêu thằng Gấu và kiên nhẫn dạy cho đến kỳ được mới thôi.
Trong gia đình, đứa trẻ “ngoan” luôn được yêu hơn đứa trẻ “hư”. Ở trường cũng vậy. Bố mẹ không còn kiên nhẫn với con, không biết cách yêu thương, không biết cách giáo dục, yêu bằng “tình yêu tử cung” sai lệch, đặt điều kiện rồi mới yêu. Ở trường trẻ cũng bị áp chế y hệt như vậy. Những đứa trẻ “hư” là do đâu? Do người lớn. Do cách yêu thương và dạy bảo sai lệch của người lớn mà ra. Bố mẹ luôn nói mình yêu con, giáo viên luôn nói yêu học trò. Nhưng, YÊU THẾ NÀO? “Ngoan” mới yêu, “hư” thì bị ghét bỏ, sỉ nhục, hắt hủi, đánh đập và phán xét không tiếc lời.
Người ta không còn thời gian cho con của mình, cho học trò của mình nữa. Thời đại “thức ăn nhanh” đã cuốn theo mọi thứ cũng phải nhanh, thời đại “đi tắt đón đầu” nên muốn vụt một phát trẻ phải như Phù Đổng? Tâm lý, tính cách của trẻ bị đồng hóa làm một theo khuôn, phương pháp kiên trì lặp đi lặp lại bị quên lãng. Đứa nào không theo cái khuôn định sẵn liền bị cho là “cá biệt” và bị sỉ nhục, xúc phạm, chì chiết. Tâm lý “ăn nhanh”, “thần đồng” làm cho người ta quên đi những điều căn bản trong giáo dục con người: từ từ bằng tình yêu thương, lặp đi lặp lại. Cái sự quên và lười của người lớn đã làm hỏng bọn trẻ.
Người lớn giờ không tự trách mình nữa, toàn đổ thừa cho trẻ – phải chăng bởi chúng không thể phản kháng? Người lớn không dám chỉ đúng nguyên nhân của mọi nguyên nhân: thể chế chính trị với triết lý giáo dục giáo điều, nên cách duy nhất họ có thể làm là trút lên đầu bọn trẻ sự bất lực của mình – phải chăng vì chúng là những kẻ yếu thế?
Các bậc làm cha mẹ, thầy cô không dám phản kháng trước bất công xã hội, trước nguyên nhân chính yếu gây ra tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống, văn hóa, giáo dục – những điều ảnh hưởng trực tiếp hình thành nên tính cách của con người nói chung và trẻ em nói riêng.
Theo tâm lý thông thường, khi người ta không dám phản kháng trước cái mạnh thì tất yếu sẽ trút ẩn ức thầm kín đó lên kẻ yếu thế hơn mình: trẻ em. Nghe đắng đót, chua xót và phẫn nộ quá, nhưng xin thưa, hãy ngẫm cho thật kỹ xem.
Tôi vẫn thường mơ một giấc mơ chung của dân tộc: thay đổi thế chế để thay đổi giáo dục một cách toàn diện. Để những người giỏi về sư phạm, về tâm lý và phát triển con người có thể hợp tác xây dựng một triết lý giáo dục mới, đưa ra phương pháp giáo dục một cách yêu thương, nhân bản và gợi mở tư duy.
Giấc mơ ấy rõ rành chưa thể thực hiện trong tương lai gần. Ở thời điểm hiện tại, trong sức của mình, tôi chỉ có thể thuyết phục mọi người từ bỏ phương pháp roi vọt, sỉ nhục con cái. Hãy đọc nhiều hơn về tâm lý trẻ em, các phương pháp dạy bảo con trẻ, học sinh bằng tình yêu thương, học lại cách yêu thương, vì tương lai của chúng. Chúng ta yêu trẻ, tôi xin mọi người hãy vì trẻ mà thay đổi tư duy của mình. Chúng chẳng có lỗi gì cả. Chúng ta – những sản phẩm lỗi của giáo dục và yêu thương sai cách – mới là những kẻ có lỗi, đồng thời là nạn nhân. Xin hãy thay đổi điều đó, đừng lặp lại với trẻ, thế hệ sau. Chúng ta đã là những kẻ đáng tội nghiệp lắm rồi, đừng để thế hệ sau mình phải chịu đựng những điều chúng ta đã, đang phải chịu đựng, tội nghiệp chúng lắm!
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả
Nguyễn Thị Bích Ngà
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Những tổn thương vô tình gây cho con” tại đây
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Làm cha mẹ Tình yêu thương Nuôi dạy con Nguyễn Thị Bích Ngà nền tảng giáo dục gia đình