Duy hộ chân lý là phong thái của bậc trí giả
- Thiên Cầm
- •
Thế nào là phong thái của bậc trí giả? Có một giai thoại về Socrates thế này: Một hôm, Socrates, một triết gia Hy Lạp cầm một quả táo và nói với học sinh của mình rằng: “Mọi người hãy ngửi mùi hương trong không khí.” Một học sinh nhanh nhảu giơ tay xin trả lời: “Là mùi của quả táo.”
Socrates bước xuống bục giảng, cầm quả táo chậm rãi lần lượt đi qua các học trò, và yêu cầu mọi người ngửi kỹ lại một lần nữa, xem liệu trong không khí có mùi táo hay không.
Lúc này đã có quá nửa học sinh giơ tay. Socrates quay trở lại bục giảng, và lặp lại câu hỏi khi nãy. Lần này, ngoại trừ một học sinh, những bạn khác trong lớp đều giơ tay. Socrates hỏi em học sinh không giơ tay rằng: “Lẽ nào em thực sự không ngửi thấy mùi gì sao?” Học sinh này đáp một cách chắc nịch: “Quả thực là em không ngửi thấy mùi gì ạ!”
Lúc này Socrates mới tuyên bố trước mọi người rằng: “Cậu ấy nói đúng, bởi vì đây là một quả táo giả.” Cậu học sinh đó chính là Platon, một nhà triết học danh tiếng lẫy lừng sau này.
Chẳng thể nghi ngờ rằng Socrates là bậc trí giả, bởi lẽ ông đã dùng trắc nghiệm này để khiến học sinh minh bạch được rằng chân lý là vĩnh hằng và bất biến.
Biểu hiện của Platon cũng là hành vi của bậc trí giả, bởi nhận thức của chúng ta rất dễ bị cảm xúc hay quan niệm của mình khống chế, có thể kiên định với kết luận có được từ trong thường thức, không mù quáng hùa theo trào lưu, không bị mê hoặc, nước nổi bèo trôi.
Giai thoại về Socrates và Platon trên đây xảy ra ở trong một hoàn cảnh lớp học tương đối bình thường. Ở trong hoàn cảnh bình thường mà nói về duy hộ chân lý, thủ vững khí tiết thì dễ, nhưng trong lúc lựa chọn sống chết thì không mấy người làm được. Trong Sử ký Tư Mã Thiên có ghi chép về chuyện “thà làm ngọc nát, không làm ngói lành” thời Hán Sở như thế này.
Điền Hoành là con cháu của Tề quốc. Sau khi Trần Thắng, Ngô Quảng khởi nghĩa đánh Tần, hào kiệt bốn phương đều hưởng ứng, cả nhà Điền Hoành cũng tham gia. Sau khi Hán Cao Tổ tiêu diệt quần hùng, thống nhất thiên hạ, Điền Hoành không vì sự diệt vong của nước Tề mà quỳ gối, dẫn 500 tráng sĩ tới hòn đảo ở Sơn Đông.
Hán Cao Tổ nghe nói Điền Hoành rất được lòng người nên lo lắng Điền Hoành sẽ là mầm tai họa cho ngày sau. Vì thế Hán Cao Tổ liền hạ chiếu: “Nếu Điền Hoành đến đầu hàng thì sẽ được phong vương hoặc phong hầu. Nếu không đến thì sẽ phái quân binh đến tiêu diệt hết toàn bộ số người cố thủ trên đảo.”
Điền Hoành vì bảo toàn tính mạng cho 500 tráng sĩ trên đảo liền dẫn hai thuộc hạ rời đi, đến kinh thành gặp Hán Cao Tổ. Nhưng khi Điền Hoành tới nơi cách kinh thành khoảng 30 dặm thì liền tự vẫn chết. Đồng thời ông để lại di chúc, nhắn hai thuộc hạ lấy đầu của mình đến gặp Hán Cao Tổ nói rằng bản thân ông không thể khuất phục đầu hàng.
Sau khi Hán Cao Tổ Lưu Bang nhìn thấy đầu của Điền Hoành liền chảy nước mắt nói: “Điền Hoành là áo vải khởi binh, ba anh em lần lượt là vương, đều là người tài đức cả!” Lưu Bang lập tức phái 2.000 binh sĩ và dùng nghi thức của chư hầu để an táng Điền Hoành, đồng thời phong cho hai thuộc hạ của Điền Hoành làm chức Đô úy. Không ngờ, sau khi an táng Điền Hoành xong, hai thuộc hạ của Điền Hoành cũng tự vẫn bên mộ của ông.
Lưu Bang biết tin ấy, trong lòng vừa kinh sợ vừa cảm khái. Đồng thời, cũng bởi vậy mà Lưu Bang nhận định các môn khách của Điền Hoành đều là hiền sĩ hiếm có, liền phái sứ giả đến đảo chiêu an 500 tráng sĩ. 500 tráng sĩ sau khi biết được tin Điền Hoành tự vẫn cũng lần lượt nhảy xuống biển tự sát. Hòn đảo này về sau được người dân gọi là đảo Điền Hoành.
Là vua chư hầu, thân lại mang nợ với người Tề, lại phải bảo toàn tính mạng 500 người đi theo, rồi không muốn chịu nhục trước Lưu Bang mà tự vẫn, ấy là khí tiết của Điền Hoành. 500 tráng sĩ kia biết chủ vì mình mà chết, lại đứng trước việc được Hoàng đế trọng dụng mà vẫn có thể tự vẫn để bảo toàn lương tri. Đây đều có thể nói là phong thái của bậc trí giả.
Không mù quáng, không khuất phục trước cường quyền, danh lợi, tuân thủ những giá trị quan, đạo đức quan mà mình nhận định, phù hợp với tiêu chuẩn đo lường thiên lý và nhân tính, đó chính là phong thái của bậc trí giả.
Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa trí giả duy hộ chân lý chân lý Socrates