Một chỗ duy nhất và rất đặc biệt của xã tôi. Nó là của xã nhưng làm chủ nó chỉ có bọn trẻ làng Sấu chúng tôi.

Chúng tôi gọi nó là giàn van nhưng thực chất “giàn van” chỉ là một bộ phận nằm trong một cơ cấu. Thực chất là cái cánh cống và hệ thống đỡ, vận hành cái cánh cống đó. Cái cống này phần lớn chìm dưới nước, chạy xuyên qua đê nối giữa sông Thương và bể hút của trạm bơm. Từ sông Thương vào chỗ cửa cống giàn van khoảng 20m. Người ta đào một con mương rất lớn dẫn nước từ sông Thương vào đó. Trước cửa cống người ta dùng gạch và bê tông xây một cái trụ bằng bê tông cốt sắt rất cao có bề rộng bằng nửa gian nhà. Xuyên giữa cái trụ đó là một cái cột sắt. Đầu phía dưới của cột là một tấm thép lớn, nặng nề sơn hắc ín hai mặt dùng làm cánh cống hay nút van. Đầu phía trên có ren gắn với cơ cấu phía trên cùng của cột bê tông để có thể nâng cánh cống lên hoặc hạ xuống nhờ vào lực quay của tay người. Đóng mở cái cống này vất vả ra trò, ít nhất cần phải hai người to khỏe.

Nhưng bọn trẻ con chúng tôi chẳng quan tâm tới việc đó. Việc chúng tôi quan tâm nhất là cái Giàn Van đó là nơi tắm và nghịch tuyệt vời. Gần đó là đê và Bến Men, nơi chúng tôi có thể thả trâu thoải mái để trèo lên Giàn Van tắm. Nước đầy thì nhảy xuống nước rồi bơi. Nước cạn thì nhảy xuống để mình chìm trong phù sa tới tận ngực. Những thằng táo tợn không chỉ trèo lên mặt giàn van còn cố sức đứng lên đỉnh chóp cái cột sắt nhô lên trên cùng. Chúng đứng trên đó ngó nghiêng rồi thét lên một tiếng nhảy xuống dưới nước. Có thằng nhảy cho chân xuống trước nhưng cũng có những thằng nhảy đầu xuống trước rồi lộn nhào mấy vòng trên không trung trước khi đấu nó cắm xuống nước và cả thân mình thẳng băng như một mũi tên nhìn đẹp không thua gì vận động viên olympic trên tivi. Tôi nghịch thế nhưng cũng không dám làm trò này. Tôi chỉ sợ nếu lộn nhào thất bại bị đập lưng hoặc mặt xuống nước thì rát lắm. Khoảng cách từ đỉnh giàn van xuống mặt sông khá cao. Nước cạn có khi đến 5-6m thậm chí hơn thế.

Nếu tắm trong bể hút của trạm bơm thì hơi sợ vì gần phía nhà chứa máy bơm. Trong đó toàn máy móc và dây điện nhìn rất hãi, hơn nữa bà Nga quản lý trạm bơm dễ ra mắng và đuổi đi nhưng tắm ở ngoài giàn van thì mặc sức, không ai bảo gì. Ở đây cũng xa làng nên ít bị bố mẹ xách roi ra quật. Bọn trẻ chăn trâu cứ tắm tha hồ. Có khi tắm suốt, nhảy suốt từ lúc dong trâu bò ra bờ đê tới lúc lùa chúng về.

Trong những thứ ít biến đổi nhất ở quê tôi sau 30 năm thì Gian Van có lẽ đứng đầu bảng. Bây giờ nó vẫn đứng đó, trơ trơ dưới mưa nắng. Nắng chỉ bờ đê và dòng sông là thay đổi. Giờ thì nó được yên thân, ngoài những người mở, đóng giàn van khi xã tôi bơm nước ra, không có ai trèo leo lên nó nữa. Trẻ con không còn tắm ở giàn van. Phía bên dưới cây dại mọc đầy, sát tận mép nước.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm: