Nhiều học sinh lúc nhỏ thích đọc sách nhưng sau khi đi học thì lười đi. Lý do vì các em mệt mỏi với việc học ở trường, quá nhiều bài tập về nhà, nhiều môn học và thời gian ở trường cả ngày làm các em cạn kiệt năng lượng.

Trong quản lý người ta có quản lý tinh gọn.

Trong đời sống người ta có sống tối giản.

Giáo dục cần phải có minh triết để tối giản, tinh gọn. Đừng ham truyền thụ tri thức cho học sinh, hãy tinh tuyển! Bên cạnh đó cần chú trọng huấn luyện cho học sinh cách học, cách tìm kiếm thông tin và suy ngẫm để xử lí, phê phán, sử dụng, tái cấu trúc thông tin đó. Khi có phương pháp tốt, học sinh có thể tìm kiếm và xử lí thông tin cần thiết cho vấn đề đối mặt, cần giải quyết thay vì phải học thuộc, ghi nhớ, hiểu một đống thông tin nhanh chóng trở nên lạc hậu hoặc chưa cần thiết, không tương thích với trải nghiệm của học sinh.

Trẻ con tiểu học buổi tối không cần thiết phải làm bài hoặc có bài cũng chỉ làm trong vòng 1 giờ đồng hồ là cùng. Quá thời gian trên là quá tải! Không phải cứ ra thật nhiều bài tập cho các em luyện là tốt.

Nhà trường, các cấp quản lý cần chấm dứt quản lý bằng cách đầu năm giao chỉ tiêu kiểu bao nhiêu % học sinh giỏi, bao nhiêu % xuất sắc rồi cuối năm căn cứ vào đó đánh giá thi đua, phê bình, khen thưởng giáo viên. Chuyện đó tưởng là có tác dụng nhưng lâu dài rất gây hại cho giáo dục.

Muốn đánh giá giáo viên hãy nhìn vào thái độ, hành vi, sự tiến bộ trong rèn luyện, học tập của học sinh hàng ngày và các sản phẩm cụ thể của giáo viên trong các hoạt động giáo dục toàn diện.

Nên thận trọng với đánh giá, quản lý bằng điểm số hay chỉ tiêu. Hãy coi nó là một trong những tiêu chí tham khảo thay vì coi nó là tuyệt đối!

Muốn có sáng tạo con người phải có sự thong thả trong sinh hoạt và tư duy, tâm hồn. Điều này luôn đúng.

Bận rộn trong những cái tẹp nhẹp, tầm thường trong đời sống và bận rộn với mớ thông tin hỗn độn trong học tập là kẻ thù của sáng tạo.

Nguyễn Quốc Vương
Tựa do tòa soạn đặt

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Mời độc giả liên hệ đặt mua sách

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời nghe radio: