Chuyện Hồi giáo và chiến tranh Israel-Palestine hiện nay
- Hà Dương Tường
- •
Hôm trước, trên Facebook của một người bạn (dưới đây, tôi sẽ gọi là A), tôi gặp một câu nói theo tôi là quá “kinh khủng” nên đã viết mươi dòng trả lời. Bạn đó đã sửa lại câu nói trên bài viết của mình và xoá cái “còm” của tôi (vì không còn đối tượng). Nhưng một người bạn khác, từ Pháp đang về thăm nhà, cho biết cái nhìn đáng sợ mà tôi phản bác trong lời bình kia vẫn khá phổ biến trong một số trí thức Hà Nội mà anh gặp, từ đó anh đề nghị tôi khôi phục lại trao đổi giữa tôi và A để đăng trên “tường” nhà tôi. Khôi phục thì bất tiện vì có vẻ như một cuộc đôi co có tính cá nhân, trong khi đây là một vấn đề thuộc một lĩnh vực rộng hơn: cái nhìn của người Việt Nam về thế giới bên ngoài. Vì thế, tôi viết lại dưới đây một vài ý xuất phát từ lời bình nói trên, và thêm một vài ý khác chung quanh cuộc chiến tranh Israel-Palestine hiện nay.
Chung quanh một khẳng định đáng sợ
Vấn đề ở đây là cái nhìn của một bộ phận người Việt (và có lẽ cũng không phải chỉ của người Việt) về một bên của cuộc chiến đó. Thể hiện qua câu khẳng định này:
“Hồi giáo là hiểm hoạ toàn cầu, khi họ không muốn, không thể và sẽ không sống hoà bình với ai, kể cả với chính họ.”
mà theo A, xuất phát từ cảm xúc mãnh liệt của bạn khi nghe tin về vụ thảm sát ngày 7/10 của Hamas ở Israel. Tôi sẽ trở lại chuyện đó sau. Trước mắt xin tập trung vào câu nói, theo tôi là một lời kết tội hàm hồ đối với cả một tôn giáo có hàng tỉ tín đồ trên khắp thế giới, mà tuyệt đại đa số không liên quan gì tới nhóm khủng bố Hamas. Đúng là có một bộ phận người Hồi (trong các nước A-rập) rất chống người Do Thái nói chung và Israel nói riêng, qua đó tỏ thái độ “thông cảm” với hành động của Hamas, nhưng cái gì cho phép kết luận là họ “không muốn, không thể và sẽ không sống hoà bình với ai”? Dưới đây, trong chú thích số (1), tôi sẽ dẫn một nghiên cứu chứng minh sự sai trái của khẳng định này đối với Hồi giáo A-rập, nhưng còn đối với Hồi giáo nói chung? Lĩnh vực dĩ nhiên quá to lớn và phức tạp để có thể trả lời trong một bài viết ngắn (mà thực ra, phải nói thẳng thắn là bản thân người viết không có đủ tri thức để trả lời), vậy thì, chỉ xin nêu ra đây vài “gạch đầu dòng” thiết nghĩ cũng đủ cho mọi người cẩn trọng hơn khi đưa ra những khẳng định động trời như trên kia.
– Cộng đồng Hồi giáo lớn nhất thế giới là ở Indonésie, gồm hơn 210 triệu người, họ đang đe doạ ai? Ngược lại, chiếm 87% dân số Indonésie, họ chung sống hoà bình với 7% dân theo đạo Tin lành, 2,9% theo Công giáo, 1,7% theo Ấn giáo…, không có đụng chạm nào đáng được các nhà báo thế giới nói đến. Trong khi đó, ở Myanmar, hơn một triệu người Hồi giáo (Rohingya) mới gần đây thôi (2017…) đang bị chính quyền quân phiệt của xứ này (90% dân theo Phật giáo!) xua đuổi, giết hại tới mức Liên hiệp quốc phải tố cáo là quân đội Myanmar đang phạm tội diệt chủng chống những người Rohingya.
– Bên Trung Quốc, khoảng vài chục triệu người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo đang dồn ép một tỉ người Hán vào các trại tập trung, hay ngược lại?
– Lùi xa hơn một chút về mặt thời gian, nhưng lại gần gũi hơn về địa lý, ở ta đấy, trong chiến tranh 1945-1975 có người Hồi giáo nào tham gia làm cho hơn ba triệu người Việt bị chết hay bị thương? Nhìn vào cả hai bên, ngoài người Việt, là những ai? Từ chủ thuyết (cộng và chống cộng) tới vũ khí, đều xuất phát từ phương tây văn minh cả đấy. Ba ông râu xồm Mác-Lê-Staline chả có ai là Hồi giáo cả (Staline còn có cả một quá trình tu trong một tu viện Cơ đốc giáo nữa). Ba ông không râu phía bên kia (Kennedy, Johnson, Nixon) cũng chẳng có ai Hồi giáo. Còn cộng đồng Hồi giáo người Việt (trên dưới 100.000 người, phần lớn là gốc Chăm), họ có vai trò gì ngoài vai trò là nạn nhân của cuộc chiến chung với đồng bào các dân tộc khác trên dải đất hình chữ S của chúng ta, họ có tội tình gì để bị nguyền rủa như thế?
– Nhìn vào lịch sử thế giới thế kỷ 20, ai gây ra hai cuộc chiến tranh 1914-1918 và 1939-1945? Lực lượng Hồi giáo nào có trách nhiệm trong hai cuộc Thế chiến đó? Và trước đó một hai trăm năm, ai dẫn quân đi chiếm thuộc địa ở khắp thế giới, từ châu Mỹ sang châu Phi và châu Á, nếu không phải là những nước đại diện cho “văn minh Tây phương”?
– Sống ở Pháp, tôi muốn thêm đôi lời về những người Hồi tại Pháp. Pháp là nước có di dân gốc Hồi nhiều nhất ở châu Âu cùng với Đức (ngót 5 triệu người mỗi nước, theo một thống kê của tổ chức Pew Research). Dân Hồi ở Pháp phần lớn (khoảng 70%) từ các nước thuộc địa cũ ở Bắc Phi, còn lại là từ châu Phi da đen và vài nước khác, chủ yếu là đến Pháp do thời cuộc đưa đẩy, các chính quyền ở nước họ sau khi độc lập không giải quyết được những vấn đề kinh tế – xã hội thiết yếu khiến nhiều người phải ra đi tìm đất sống và gửi tiền về giúp gia đình. Trong khi đó ở hầu hết các nước Trung Đông, thất bại của công cuộc hiện đại hoá – nhất là sau trận thua liểng xiểng trước Israel trong chiến tranh Sáu Ngày (1967) – đã tạo đất sống cho những trào lưu tìm “về nguồn” (ở đây là Hồi giáo), từ chối những giá trị Tây phương được đồng hoá với chủ nghĩa thực dân mà theo họ, chưa hề từ bỏ ý muốn thống trị thế giới (2). Đỉnh cao của trào lưu này là cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979 của Giáo chủ Khomeny. Sự cực đoan hoá (radicalisation) của các phong trào mang danh Hồi giáo này phát triển mạnh do các cuộc chiến tranh ở Afghanistan, sự sa lầy của các giải pháp tìm kiếm hoà bình ở Palestine…, những cuộc khủng bố nổ ra ở chính các nước Trung Đông và Bắc Phi (Iran, Ai Cập, Algérie…) từ những năm 1990, và lan sang các nước Âu Mỹ, với cao điểm là cuộc tấn công vào tháp đôi của Trung tâm Thương mại Quốc tế năm 2001. Phản ứng của các nước này, đứng đầu là Hoa Kỳ, với chọn lựa ưu tiên là vũ lực và sự đồng hoá trong chiều ngược lại các nhóm quá khích, khủng bố với Hồi giáo nói chung dĩ nhiên có ảnh hưởng không nhỏ đối với di dân gốc Hồi ở Pháp và các nước châu Âu. Và tuy tuyệt đại đa số những người này sống bình an, hoà hợp với xã hội thiên chúa giáo sở tại, họ ngày càng bị nghi kỵ là có những liên hệ với “Hồi giáo cực đoan” (Islamique radicale), và bị kỳ thị trong cuộc sống hàng ngày… Có thật là họ phải chịu trách nhiệm về những cuộc khủng bố nhân danh tín ngưỡng của mình (3)?
Về cuộc chiến tranh Israel-Palestine
Trở lại cuộc chiến tranh Israel-Palestine hiện nay. Nó KHÔNG bắt đầu bằng cuộc thảm sát có 7/10/2023, như cả thế giới đều biết. Những người Do Thái biết điều này rõ hơn ai hết. Tháng 4.1956, một sĩ quan Israel bảo vệ kibboutz Nahal Oz bị những người Palestine từ Gaza sang ám sát. Đích thân Tham mưu trưởng Israel, tướng Moshe Dayan tới dự lễ tang. Điếu văn của ông có đoạn sau đây, mà giáo sư Jean-Pierre Filiu của Đại học Chính trị Pháp (“Sciences Po”) đánh giá rằng âm vang của nó nghe rõ hơn bao giờ hết trong tấn thảm kịch hiện nay:
“Aujourd’hui ne maudissons pas ses assassins. Que savons-nous de leur haine sauvage envers nous? Ils vivent depuis huit ans à Gaza dans des camps de réfugiés, tandis que nous nous emparons sous leurs yeux des terres et de leurs villages où ils vécurent et où vécurent leurs ancêtres. Ce n’est pas aux Arabes de Gaza qu’il faut demander le prix du sang, mais à nous-mêmes.” Le chef d’état-major adjurait alors ses compatriotes de ne jamais oublier que, “au-delà du sillon qui marque la frontière, s’étend un océan de haine avec un désir de revanche”. (báo Le Monde ngày 5/11/2023)
“Ngày hôm nay, chúng ta đừng nguyền rủa những kẻ ám sát anh. Chúng ta biết gì về mối hận dã man của họ đối với chúng ta? Tám năm rồi, họ sống ở Gaza trong những trại tị nạn, và nhìn chúng ta chiếm lấy đất đai và làng mạc nơi họ và tổ tiên của họ đã sống nhiều đời. Cái giá phải trả bằng máu, chúng ta đừng hỏi người A-rập mà nên đặt cho chính chúng ta.” Tiếp theo, vị Tổng tham mưu trưởng khẩn khoản kêu gọi đồng bào ông đừng bao giờ quên rằng “Bên kia làn ranh biên giới làcả một đại dương căm hận và một khát vọng trả thù”.
Nhưng, Moshe Dayan cũng không tìm được phương án để hoá giải hận thù đó. Những chính trị gia khác của Israel càng không.
Hay đúng hơn, có, một người: ông Yitzhak Rabin một tướng lãnh anh hùng quân đội trong cuộc chiến Sáu Ngày năm 1967 giữa Israel và liên quân Ai Cập, Syria và Jordan, khi Moshe Dayan đang giữ chức bộ trưởng quốc phòng. Năm 1992, khi nhận chức Thủ tướng Israel lần thứ hai (lần đầu vào những năm 1974-1977), ông đẩy mạnh thương lượng với thủ lãnh PLO (Tổ chức Giải phóng Palestine) Yasser Arafat và, với sự trợ giúp của Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, hai bên đạt được Hiệp định Hoà bình Oslo (nơi tiến hành các cuộc đàm phán bí mật) một năm sau. Tuyên bố về Nguyên tắc của tiến trình hoà bình giữa hai bên, được ký kết và công bố vào ngày 13.9.1993 tại Nhà Trắng. Và cú bắt tay giữa Yitzhak Rabin và Yasser Arafat đã đi vào lịch sử. Tiến trình này còn được tiếp tục với nhiều lần gặp gỡ khác, và một Thoả ước tạm thời được ký kết vào tháng 9.1995 tại Taba (Ai Cập). Kết quả chính của Hiệp định là sự thừa nhận lẫn nhau giữa PLO và Israel, kèm một lộ trình 5 năm để đi tới chung sống hoà bình giữa Israel và một quốc gia Palestine, theo tinh thần của các Nghị quyết 242 và 338 của Hội đồng Bảo an LHQ. Dù không hoàn hảo và mỗi bên đều gặp sự chống đối trong chính phe minh, cả thế giới đã đón chào Hiệp định (Hai ông Yitzhak Rabin và Yasser Arafat được trao giải Nobel hoà bình năm 1994), với hi vọng một nền hoà bình lâu dài sẽ được thiết lập giữa hai quốc gia Israel và Palestine.
Nhưng chỉ hai tháng sau Thoả ước Taba, Yitzhak Rabin bị ám sát (ngày 4.11.1995) bởi một kẻ cuồng tín. Lại khủng bố Hồi giáo ư? Không, thủ phạm là một thanh niên Do Thái giáo không chấp nhận Hiệp định Oslo ở điểm cốt lõi của nó: sự thừa nhận một quốc gia Palestine bên cạnh Israel. Thủ lãnh của bộ phận dân Do Thái cuồng tín đó chính là thủ tướng Israel hiện nay, Nétanyahou, hồi đó đã dẫn đầu nhiều cuộc biểu tình chống hiệp định với những khẩu hiệu như “Rabin, chó săn của Arafat”, “Hãy giết chết Rabin”… Yigal Amir, kẻ đã bắn chết Yitzhak Rabin, chỉ nghe theo những khẩu hiệu đó. Còn Yoav Gallant, bộ trưởng quốc phòng của Nétanyahou hiện nay, người ra lệnh “phong toả toàn diện dải Gaza, không có nước, không có điện, không lương thực gì cả”, vì “Chúng ta (Israel) đang chiến đấu chống những thú vật đội lốt người (human animals)” (4), vẫn tiếp tục là một cột trụ của cái chính phủ ấy và không hề bị nhắc nhở, cảnh cáo. Đơn giản là vì cả Nétanyahou và Yoav Gallant đều xây dựng thế chính trị của mình dựa vào sự hỗ trợ của những tổ chức Do Thái giáo cực đoan nhất mà họ là người lãnh đạo.
Kết quả, như ta biết, chiến tranh tiếp nối chiến tranh (dù có người chỉ muốn nhìn thấy các cuộc “khủng bố” và “trả thù”), hận thù chồng chất đã gần 70 năm sau lời cảnh báo vô vọng của Moshe Dayan…
Tất nhiên, những dòng trên hoàn toàn không có ý bào chữa cho cuộc khủng bố ghê tởm ngày 7/10 của Hamas. Nó chỉ nhắc chúng ta, đây là một cuộc tranh chấp đất đai, lãnh thổ hết sức phức tạp, kéo dài và bị những kẻ cực đoan của cả hai bên “tôn giáo hoá” để tập hợp quần chúng của mình, gây ra những tội ác chồng chất cho phe kia (và cả cho phe mình!).
Đừng quên, đáp lại cuộc khủng bố ngày 7/10 hiện nay là những cuộc dội bom tàn phá Gaza, đã làm hơn 11 ngàn dân thường trong đó có hơn 4 500 trẻ em tử vong, cho tới nay. Đó không phải là khủng bố chắc? Trên mặt báo này, Diễn Đàn cũng đã đăng vài chứng từ của nhiều người (Do Thái hay không) phản bác cuộc hành quân huỷ diệt của chính phủ Israel. (5).
Người viết bài này không mong gì hơn là những người tỉnh táo của cả hai bên, với sự góp phần của dư luận quốc tế (mà nhiều chính phủ của thế giới tự xưng là “văn minh” đang phớt lờ, vì những lợi ích rất thiển cận của họ), sẽ tìm được một nền hoà bình vững chãi cho hai dân tộc này.
Trước mắt là ngưng chiến.
Hà Dương Tường
Đăng lại từ Forum Diễn Đàn (diendan.org)
Creative Commons BY-NC-ND 3.0 France
Chú thích:
(1) Dưới đây là hai biểu đồ trích từ Kết quả điều tra về dư luận A-rập của Centre arabe de recherches et d’études politiques (CAREP) năm 2018. Cuộc điều tra đã huy động 865 nhà nghiên cứu đi thực địa ở 11 nước từ tháng 12.2017 đến tháng 4.2018, với những cuộc phỏng vấn trực diện (face-à-face) 18830 người, đàn ông và đàn bà, thuộc đủ thành phần tiêu biểu đại diện của mỗi nước.
Biểu đồ 1/ cho thấy số người hoàn toàn đồng ý (màu xanh đậm bên trái) hoặc đồng ý (màu xanh nhạt tiếp theo) về khẳng định là “không có một cơ quan nào được quyền gọi những người thuộc tôn giáo khác là những kẻ phản đạo” là đại đa số ở hầu hết các nước (chỉ có ở Arabie Saoudite và Mauritanie hai thành phần này mới chiếm dưới 50%).
Biểu đồ 2/ trả lời trực tiếp hơn cho khẳng định “những người Hồi giáo không muốn sống với người khác”, cho thấy diễn biến của dư luận Hồi về quan hệ đối với người khác, qua nhiều lần điều tra từ 2011 tới 2018: số người “chỉ muốn quan hệ với người đồng đạo” quanh quẩn ở mức 35%, trong khi số người muốn quan hệ với người không tôn giáo là khoảng 8%, còn đa số “không quan tâm” tới tôn giáo của người mình quan hệ .
(2) Theo bài phân tích “Hồi giáo và Khủng bố” (Islam et Terrorisme) của Burhan Ghalioun, một giáo sư tại Đại học Sorbonne, chuyên gia về Trung Đông trên tạp chí Confluences Méditerranée năm 2002
(3) Tình hình đó dĩ nhiên thuận lợi cho những tư tưởng oán hận được nảy nở và các nhóm quá khích lợi dụng để phát triển và phạm tội. Tuy nhiên, phải nói rằng các cuộc khủng bố ở Pháp (lớn nhất là hai cuộc tấn công năm 2015, ngày 7 tháng 1 vào trụ sở báo Charlie Hebdo làm 12 người thiệt mạng trong đó có 8 nhà báo, và ngày 13 tháng 11, một toán vũ trang đã xâm nhập vào nhà hát Bataclan ở quận 11, giết chết 129 người và làm hàng trăm người khác bị thương tật) đều bị dư luận Hồi giáo kịch liệt lên án. Nếu sau cuộc tấn công báo Charlie Hebdo còn có người tỏ ý đồng tình với kẻ phạm tội (vì lý do báo này đã đăng lại các bức tranh có tính “nhục mạ” đối với tôn giáo của họ) thì không có tiếng nói lạc lõng nào bảo vệ những kẻ khủng bố ở Bataclan (xem tuần báo Jeune Afrique 8.12.2015)
(4) Thông tin từ tờ báo Times of Israel
(5) Xem các bài
Từ khóa Hồi giáo Quan hệ Israel - Palestine