Kiều Phú: Vị Hoàng giáp bơi sông “học lỏm”
- Trần Hưng
- •
Kiều Phú được truyền tụng là người có nhân cách vượt trội, hiếu thảo với mẹ, không quên công lao dạy dỗ của thầy cùng sự giúp đỡ của dân làng, tấm gương của ông được dân chúng lưu truyền mãi về sau.
Bơi sông học lỏm
Vào đầu thế kỷ 15 ở xã Lạp Hạ, huyện Ninh Sơn, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay là thôn Vĩnh Phúc, xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai) có người phụ nữ đưa cậu con trai còn nhỏ tuổi tên là Kiều Phú từ phương xa đến nơi đây sinh sống.
Vì gia cảnh chỉ có hai mẹ con nghèo khó nên Kiều Phú dù còn nhỏ nhưng phải đi làm thuê kiếm sống, chẳng được đến trường như những đứa trẻ khác.
Một lần thấy một đoàn người mặc áo the khăn lượt, gánh lễ đi ngang qua, bé Kiều Phú hỏi xem họ đi đâu. Thấy cậu bé rách rưới nên chẳng ai thèm trả lời, mãi mới biết họ là học trò của Trạng nguyên Nguyễn Trực ở thôn Văn Khê, xã Nghĩa Hương.
Thấy mình bị xem thường, Kiều Phú ấm ức xin mẹ cho được đi học. Nhưng đến lớp cũng chẳng dễ dàng, Kiều Phú phải bơi qua con kênh ở xã Nghĩa Hương để đến trường của Trạng nguyên Nguyễn Trực. Đến nơi, nhìn vào lớp rồi lại nhìn lại mình, thấy mình ăn mặc rách rưới, cậu không dám bước vào lớp mà ở ngoài cửa lắng nghe lời thầy rồi vạch xuống đất viết chữ.
Một thời gian sau mẹ cậu mới mang cậu đến nói với thầy. Nguyễn Trực thấy Kiều Phú thì ngỡ ngàng vì chưa nhìn thấy cậu học trò này bao giờ. Thế nhưng Nguyễn Trực hỏi về chữ nghĩa thì cậu bé trả lời vanh vách, viết chữ thì rất đẹp.
Biết cậu bé có tài, trước giờ chỉ học lỏm mà không dám vào lớp, Nguyễn Trực cho miễn đóng tiền học, lại còn chi cấp thêm cho để có tiền mua nghiên mực.
Từ đó hàng ngày Kiều Phú lội qua cánh đồng chiêm trũng, mùa nước nổi phải kiếm miếng gỗ làm phao bơi qua sông mới đến được trường học.
Vất vả là thế nhưng không làm cậu bé nhụt chí, vẫn chăm chỉ đến trường học chữ Thánh Hiền.
Làm quan hiếu nghĩa
Lớn lên Kiều Phú vượt qua kỳ thi Hương. Đến kỳ thi Hội năm 1475, Kiều Phú đã xuất sắc đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (tức Hoàng giáp) khi 28 tuổi.
Thường thì thi đỗ sẽ được Triều đình bổ nhiệm làm quan, nhưng thấy mẹ tuổi cao sức yếu, Kiều Phú xin được ở nhà phụng dưỡng mẹ già. Người mẹ sau đó qua đời vì tuổi cao. Sau đấy Kiều Phú tiếp tục ở nhà thêm 3 năm chịu tang mẹ.
Mãn hạn tang, vua Lê Thánh Tông cho người đến tận nhà đón Kiều Phú lên Kinh đô, phong cho làm Tham chính và được thụ phong Ngự sử Thái Nguyên, trấn ty đề hình.
Làm quan, Kiều Phú không quên công lao thầy dạy dỗ, dân làng giúp đỡ khi khó khăn. Ông bỏ tiền mua cả bãi Đầm Bái, Đầm Me để biếu làng Văn Khê, xã Nghĩa Hương để dân trồng lúa, thả cá hai đầm và cấy lúa, giao cho dân làng Văn Khê cúng giỗ thầy học Nguyễn Trực gọi là “bát cơm gắp cá trả nghĩa ơn thầy”.
Kiều Phú là tấm gương sáng hiếu với mẹ, lễ với thầy và dân làng, ông trở thành tấm gương sáng và được truyền tụng là người có nhân cách vượt trội:
Thẻ gỗ đề văn, khoa bảng, tiếng thơm lừng quế biển
Chút quà dâng lộc, sách rồng, ý đẹp biếc đồng thu
Bảng vàng khoa giáp, hiện từ rặng núi Tràng An
Bia đá hồng đức nghe danh mọi người Liệp Hạ.
Trong thời gian làm việc ở Kinh thành Thăng Long, Kiều Phú đã nhuận chính cho cuốn sách “Lĩnh Nam chích quái”. Đây là cuốn sách tập hợp những câu truyện cổ tích dân gian từ xa xưa nhất, mở đầu là “Hồng Bàng Thị truyện”, cùng nhiều câu truyện quen thuộc với người Việt như “Phù Đổng Thiên Vương”, “Nhất Dạ Trạch truyện”, “Rùa thần Kim Quy”, “Hai Bà Trưng truyện”, v.v…
Tấm gương được truyền tụng mãi về sau
Kiều Phú không chỉ là niềm tự hào của dân chúng quê nhà mà còn cả xứ Đoài. Sau khi ông mất, dân xã Liệp Tuyết lập đền thờ tưởng nhớ đến ông. Ngày xây dựng nhà thờ, cả dòng họ Kiều cùng góp công sức giúp xây dựng nhà thờ.
Trải qua các thời đại, nhiều người mến tài danh của ông và đến nhà thờ phúng điếu để lại nhiều bài thơ, câu đối. Ngày nay nhà thờ vẫn lưu lại các câu đối cùng sắc phong của các đời Vua, không chỉ bảo lưu di sản văn hóa mà còn là tấm gương cho các thế hệ sau này. Năm 1995, nhà thờ được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa.
Tháng 8/2023, huyện Quốc Oai đặt tên đường Kiều Phú cho con đường chính nối liền 4 xã Ngọc Liệp, Liệp Tuyết, Nghĩa Hương, Cấn Hữu.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Chuyện sĩ tử ba năm đèn sách, từ không biết chữ thi đỗ Thám hoa
- Bảng nhãn Đào Công Chính: “Đức thánh thuốc nam”
Mời xem video:
Từ khóa khoa bảng