Một bài thơ mô tả nghề nông thời xưa trong Kinh Thi
- ChanhKien
- •
Nền văn minh nhân loại ngày nay khởi đầu từ nông nghiệp. Những công cụ làm nông bằng đá được khai quật đã chứng minh rằng trong thời kỳ đồ đá mới (khoảng 7000 đến 8000 năm trước) đã có trồng trọt. Ở phương Đông, đến thời nhà Thương, trong chữ Giáp cốt đã xuất hiện những chữ như: nông (農: nông nghiệp), sắc (嗇) (âm sắc; chỉ việc thu gom thóc lúa), quyến (甽) (âm khuyển; chỉ mương nước giữa ruộng), hoà (禾: lúa thóc), thử (黍: lúa nếp), tắc (稷: lúa tắc), mễ (米: gạo). Điều này cho thấy vào thời nhà Thương, các loại nông sản đã là nguồn tài nguyên sống quan trọng rồi. Nhà Chu không những đã coi Thần Nông Hậu Tắc là thuỷ tổ, mà ngay cả nhà vua cũng phải làm việc cấy cày.
“Kinh Thi” là tập thơ lâu đời, ghi chép lại tình hình xã hội trong khoảng 500 năm từ thời kỳ đầu nhà Chu cho đến giữa thời Xuân Thu bằng ngôn từ giản dị, là một bộ tác phẩm văn học tả thực. Trong “Kinh Thi” có rất nhiều miêu tả về cuộc sống của người nông dân. Chẳng hạn bài Đại Điền thuộc phần Tiểu Nhã đã miêu tả tường tận về quá trình cày cấy như sau:
Đại điền đa tắc, kí chủng kí giới, kí bị nãi sự, dĩ ngã đàm cử, thục tải nam mẫu
Bá quyết bách cốc, kí đình thư thạc, tằng tôn thị nhã
Kí phương kí tạo, kí kiên kí hảo, bất lang bất hựu
Khứ kỳ minh đằng, cập kỳ mâu tặc, vô hại ngã điền trĩ, điền tổ hữu thần, bỉnh tỉ viêm hoả
Bỉ hữu bất hoạch trĩ, thử hữu bất liễm tế; bỉ hữu di bỉnh, thử hữu trệ tuệ; y quả phụ chi lợi
Lai phương nhân tự, dĩ kỳ tinh hắc, dư kỳ thử tắc, dĩ hưởng dĩ tự, dĩ giới cảnh phúc
Dịch nghĩa như sau:
Ruộng lớn trồng được nhiều, lựa giống rồi sửa sang nông cụ, chuẩn bị hết xong xuôi, ta lấy cày sắc bén, đến bờ nam bắt đầu cày cấy
Gieo mầm hạt ngũ cốc, vừa thẳng vừa khoẻ khoắn, khiến cháu con vui mừng
Lúa trổ bông căng hạt, vừa chắc lại vừa tốt, ruộng không có cỏ dại
Trừ sâu bọ đục thân, cùng cả loài cuốn lá, không làm hại ruộng ta, điền tổ có thần quản, bắt ném vào lửa cháy
Ở kia lúa non chưa gặt, ở đây lúa cắt chưa gom; chỗ kia để rơi vài bó, chỗ này sót lại mấy bông; lợi ấy là cho quả phụ
Cháu con tề tựu tế trời, bò đỏ heo đen bày sắp sẵn, thóc lúa cao lương cùng lễ quý, hiến dâng tế phẩm hành tế lễ, cầu ban đại phúc cho chúng dân
Qua bài thơ này, có thể thấy rằng người xưa khi làm nông, mới đầu làm tốt công tác chuẩn bị rồi mới xuống ruộng cày cấy. Cày cấy xong, đến lúc trồng trọt thì ngũ cốc cần thẳng và vững chắc. Người nông dân không những cần chăm sóc hoa màu, mà còn cần trừ bỏ cỏ dại, thì mới có thể mong đợi một mùa bội thu. Đến sau khi thu hoạch xong, người xưa lại cố tình để lại một chút thóc vãi để người nghèo khó mà trong nhà không có tráng đinh (như những quả phụ) đi nhặt nhạnh. Sau mùa bội thu, người ta lại tế lễ long trọng đẻ cảm tạ Trời đất Thần linh.
Trên đây chính là hình ảnh của người nông dân thời xưa. Bài thơ này cho chúng ta thấy được sự giản dị, cẩn thận, chăm chỉ, thương xót người nghèo, và biết ơn của người xưa. Đây chính là những điều đáng quý, đáng cảm động.
Theo “Tài liệu giảng dạy Văn hóa sơ cấp: Thiên Tự Văn“
Đăng trên ChanhKien.org
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa nông nghiệp Kinh Thi