Nhớ có lần tôi đưa ra nhận xét rằng so với người Nhật, người Việt có vẻ lười đọc và lười viết hơn. Có vài bạn phản đối điều này và chỉ dẫn tôi tới kho thư tịch Hán – Nôm để dẫn chứng cho điều mình nói.

Cần một nghiên cứu công phu để chứng minh hay phản chứng ý kiến của tôi. Nhưng theo những gì tôi cảm nhận và tra cứu được thì tôi tin là tôi không sai.

Thử sử dụng phương pháp nghiên cứu trường hợp xem sao.

Chẳng hạn ta chọn lấy hai nhân vật nào đó hoạt động trong cùng lĩnh vực, sống ở cùng thời ở Nhật và Việt Nam rồi so sánh số lượng sách vở của họ cũng như những vấn đề họ viết ra xem sao.

Ở Việt Nam, nhân vật vốn được coi là đọc nhiều, viết nhiều là “nhà bác học Lê Quý Đôn”. Để đối sánh tôi chọn một nhân vật tương tự được coi là “ông tổ giáo dục học” của Nhật là Kaibara Ekiken.

Tiểu sử vắn tắt của cụ Lê Quý Đôn trên Wiki như sau:

“Lê Quý Đôn (chữ Hán: 黎貴惇, 1726 – 1784), tên thuở nhỏ là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu (允厚), hiệu Quế Đường; là vị quan thời Lê trung hưng, cũng là nhà thơ, và được mệnh danh là nhà bác học lớn của Việt Nam trong thời phong kiến.

Ở thế kỷ 18, các tri thức văn hóa, khoa học của dân tộc được tích lũy hàng ngàn năm tới nay đã ở vào giai đoạn súc tích, tiến đến trình độ phải hệ thống, phân loại. Thực tế khách quan này đòi hỏi phải có những bộ óc bách khoa, Lê Quý Đôn với học vấn uyên bác của mình đã trở thành người “tập đại hành” mọi tri thức của thời đại. Có thể nói, toàn bộ những tri thức cao nhất ở thế kỷ thứ 18 của nước ta đều được bao quát vào trong các tác phẩm của ông. Tác phẩm của ông như cái mốc lớn đánh dấu thành tựu văn hóa của cả một thời đại với tất cả những ưu điểm cùng nhược điểm của nó.

Tác phẩm của Lê Quý Đôn thống kê có tới 40 bộ, bao gồm hàng trăm quyển, nhưng một số bị thất lạc”.

Tiểu sử của cụ Kaibara Ekiken trên wiki phần khái quát ghi ngắn gọn ông sinh ngày 17 tháng 12 năm 1630 và mất ngày 5 tháng 10 năm 1714, là học giả thời Edo.

Trong cuốn “Học về lịch sử văn hóa giáo dục Nhật Bản” của Yadama Keigo và các tác giả khác (2014) cho biết cụ thể hơn về tiểu sử của cụ này. Theo đó, Kaibara Ekiken là con trai sinh ra trong một gia đình võ sĩ. Ngay từ nhỏ đã có tài năng, 14 tuổi học Nho, từ 28-35 tuổi du học Kyoto. 35 tuổi về quê hương Fukuoka mở trường dạy học cho đến khi qua đời. Thọ 85 tuổi.

Như vậy, cụ Lê Quý Đôn ở thời đại muộn hơn cụ Kaibara một chút. Cụ Lê Quý Đôn thọ 58 tuổi trong khi cụ Kaibara thọ 85 tuổi (đổi ngược lại số thự tự con số của cụ Lê Quý Đôn!)

Về sách vở hai cụ thì sao?

Wiki nói cụ Lê Quý Đôn viết 40 bộ sách bao gồm hàng trăm quyển nhưng bị thất lạc.

Nhìn danh sách sách của cụ thì thấy chủ đề, phạm vi sách của cụ chủ yếu là thơ, văn, lịch sử, địa lý, ghi chép khi đọc sách…

Cụ Kaibara thì viết 99 bộ sách với 251 quyển.

Như vậy đại khái có thể thấy số lượng sách của cụ Kaibara nhiều gấp đôi cụ Đôn.

Và hình như cụ Kaibara cũng chưa phải là người viết hăng nhất nước Nhật thời trung-cận thế.

Chủ đề viết của cụ cũng khá rộng từ kinh học, lịch sử, địa lý, dân tục học, văn học tới y học, bản thảo (y học phương Đông), dưỡng sinh, giáo dục.

Như vậy, sơ bộ có thể thấy tính thực dụng trong trước tác của cụ Kaibara có vẻ như cao hơn?!

Đấy chỉ là một so sánh nhỏ có tính gợi ý. Mọi chuyện sẽ thú vị hơn nhiều nếu so sánh đồng đại các nhân vật khác của Việt Nam và Nhật Bản trong các thời đại khác.

Gần đây tôi tìm thêm thì thấy cụ Nishimura Keitaro – một nhà văn trinh thám ăn khách của Nhật viết 249 cuốn tiểu thuyết trinh thám. Ở Việt Nam tôi chưa kiếm được cụ nào có sức viết tương đương.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: