Nhạc Phi bàn về ngựa: Quý ở đức không quý ở lực
- An Hòa
- •
“Xạ thủ ái lương cung, vũ tướng ái tuấn mã”, cung thủ thích cung tốt, tướng quân thích ngựa hay, đó là lẽ thường mà mọi người đều biết. Nhạc Phi, một vị tướng quân anh hùng thời nhà Tống, nổi tiếng là người dũng cảm và giỏi chiến trận, nghiêm khắc nhưng rất quan tâm đến binh lính, và ông cũng rất yêu ngựa, hơn nữa ông còn nghiên cứu rất kỹ về ngựa. Trong cuốn “Kim đà loại biên” có ghi lại những lời luận bàn của Nhạc Phi về ngựa rất sâu sắc và giàu ý nghĩa.
Trong lời mở đầu “Kim đà loại biên”, Nhạc Phi nói: “Kí, bất xưng kì lực, xưng kì đức dã”, ngựa tốt không quý ở lực, mà quý ở đức, ý tứ là đánh giá một con ngựa là tốt hay không tốt thì không thể chỉ nhìn vào bề ngoài nó có sức lực hay không có sức lực mà phải chú ý đến phẩm đức của con ngựa. Câu này cho thấy không phải chỉ người tốt là cần phải có đức mà ngựa tốt cũng cần phải có đức. Nhạc Phi đã kết hợp kinh nghiệm cá nhân của mình và so sánh ngựa tốt với ngựa xấu mà mình đã cưỡi để giải thích ưu và nhược điểm của ngựa.
Nhạc Phi thuở còn trẻ đã được cưỡi ngựa tốt. Con ngựa này khi ăn hay uống đều có lựa chọn rất kỹ, chính là: “Phi tinh khiết, ninh tắc ngạ tử bất thụ”, nếu không tinh khiết, thà chết đói chứ không ăn. Loại ngựa tốt này khi ra chiến trường, thoạt nhìn thì thấy rất bình thường, không có khí độ chút nào. Lúc bắt đầu cất bước, nó cũng không nhanh lắm, đợi đến lúc sau khi đi được khoảng trăm dặm rồi mới thể hiện ra sở trường của tuấn mã, “Chấn liệp trường minh, phấn tấn kì tuấn”, phi ngoài trăm dặm mới giũ bờm hí vang. Từ trưa đến lúc chạng vạng, dù không ăn không uống gì nó cũng có thể chạy được hai trăm dặm. Khi đến đích rồi cởi yên giáp ra, nó không thở hổn hển hay vã mồ hôi, giống như chưa hề có chuyện gì xảy ra vậy.
Đối với loại ngựa này, Nhạc Phi khen ngợi rằng: “Thử kì vi mã, thụ đại nhi bất cẩu thủ, lực dụ nhi bất cầu sính, trí viễn chi tài dã”, nghĩa là loại ngựa này ăn nhiều nhưng không cẩu thả, không tùy tiện ăn đồ ăn, khí lực dồi dào nhưng không thích thể hiện, là loại ngựa tốt để đi đường dài. Đáng tiếc là về sau con ngựa tốt này đã bị chết trong chiến trận.
Con ngựa mà Nhạc Phi cưỡi sau đó là một con ngựa không tốt. Đây là một con ngựa ham thích ăn, lại không phân biệt được ngon hay không ngon. Lúc ra chiến đấu thì “lãm bí vị an, dũng dược tật khu”, yên còn chưa được buộc chặt vào đã bắt đầu chạy, thể hiện ra như thể mình đầy sức mạnh và chiến thắng đã nằm trong tầm tay vậy. Nhưng con ngựa này chạy không được xa. “Lực kiệt hãn suyễn, đãi dục tễ nhiên”, nó phi vừa được trăm dặm đã thở hổn hển kiệt sức, mồ hôi chảy ròng ròng, giống như sắp chết vậy.
Nhạc Phi đã chỉ ra rằng: “Thử kì vi mã, quả thủ dịch doanh, hảo sính dịch cùng, nô độn chi tài dã”, ngựa này ăn ít và dễ no, yêu thích thể hiện tài năng nên dễ dàng bị kiệt sức, đó là ngựa ngu ngốc. Con ngựa này không thể quảng nạp rộng rãi mà tập hợp nội lực, lấy được một chút đã thấy đủ và tự mãn; thích thể hiện tài năng nhưng lại không có sức dự trữ nên chỉ có thể làm một con ngựa tồi.
Bài luận bàn về ngựa này của Nhạc Phi đã thông qua chế độ ăn uống và cách đi lại của ngựa, sử dụng những hiện tượng đời sống thông thường để phân tích triết lý nhân sinh sâu sắc, đồng thời cũng cho mọi người rất nhiều gợi ý.
Cho dù là làm người hay làm việc thì cũng nên học theo ngựa tốt. Trước hết, khi một người tìm kiếm kiến thức, làm việc hoặc khởi nghiệp, thì người ấy nên đặt nền tảng vững chắc, tích lũy nội lực và nâng cao phẩm chất đạo đức, từ đó bồi đắp nền móng và nâng cao đạo đức. Người ta không nên theo đuổi hình thức bên ngoài, mà cần phải coi trọng tu dưỡng đạo đức bên trong. Người như vậy mới có được tiền đồ phát triển rộng lớn.
Hơn nữa, một người đang trong quá trình phát triển và trưởng thành phải kiên định, phải bình tĩnh. “Kì sơ, nhược bất thậm tật” (lúc bắt đầu, tốc độ chậm chạp), đừng có tâm hiển thị, tâm tranh đấu, đừng vừa lên đường đã muốn lấn át người khác. Thay vào đó, người ta phải thật tâm thật ý chuẩn bị tốt, chấn chỉnh thân tâm. Kiêu căng ngạo mạn, cậy tài khinh người, nóng lòng muốn thành công ngay, thì sẽ khí suy lực kiệt ngay cả khi chưa bước vào trận đấu. Đó đều là biểu hiện của người không thể làm thành được sự nghiệp, càng không phải là tố chất của người nuôi chí lớn hơn.
Tục ngữ có câu: “Lộ diêu tri mã lực, nhật cửu kiến nhân tâm”, nghĩa là đường xa biết sức ngựa, ngày dài thấy lòng người. Cuộc đời vừa dài lại vừa rộng, đừng sợ không có đất dụng võ, chỉ sợ không bền gan vững chí, chỉ sợ không có đủ sức cho giai đoạn sau, không có sức để dụng võ, không có kỹ năng để dụng võ, bởi vậy phải trước sau như một, thận trọng từ đầu đến cuối.
Ngoài ra, làm người cũng cần chú ý “thụ đại nhi bất cẩu thủ, lực dụ nhi bất cầu sính” (ăn nhiều nhưng không tuỳ tiện, sung mãn nhưng không ra vẻ), phải nghiêm khắc kiềm chế bản thân, phải có tâm đại nhẫn. Chỉ người như vậy mới có thể gánh vác được trách nhiệm nặng nề và đi được xa.
“Phi tinh khiết, ninh tắc ngạ tử bất thụ” (nếu không tinh khiết, thà chết đói chứ không ăn), tiền tài bất nghĩa thì dù là một hào cũng không lấy, đồ ăn không sạch sẽ, chức vị bất chính thì nhất quyết không nhận. Người như thế mới có thể trở thành bậc lương đống của quốc gia.
Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Vân Du
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Nhạc Phi trí tuệ cổ nhân Phẩm đức