Trong lịch sử thời kỳ quân chủ, phàm là quân vương có thể hoàn thành được nghiệp bá thì phải là người có thể chiến thắng. Người có thể chiến thắng cần phải có lực lượng mạnh mẽ. Muốn tụ hợp được sức mạnh to lớn thì phải là người giỏi sử dụng sức người. Người giỏi sử dụng sức người còn phải được lòng người nữa. Mà người có thể được lòng người khác thì nhất định phải là người có tu tâm dưỡng tính, ít nhiều có lòng nhân từ.

Nhân từ và biết dùng người là cái gốc để hoàn thành bá nghiệp
(Tranh: History.com, Public Domain)

Trong thiên “Thái tộc” của sách “Hoài Nam Tử” viết rằng: “Kiếm lợi một cách không chính đáng và tham chiếm những món lợi nhỏ thì không thể coi là đức hạnh được. Đồng dạng như vậy, dựa vào mưu mô xảo trá mà làm việc cũng không thể coi là pháp tắc và pháp độ được. Lòng nhân ái và trí tuệ là những đức tính cao đẹp của con người và là những điều đẹp đẽ nhất trong các tài năng của con người”.

Nhân từ chính là yêu thương người khác, trí tuệ chính là hiểu được người khác. Yêu thương người khác thì không lạm dụng khổ hình. Hiểu được người khác, giỏi dùng người hiền thì sẽ không có chính trị hủ bại, không dễ dàng dẫn phát ra nhiễu nhương loạn lạc. Nếu đất nước được cai trị dựa vào giáo hóa nhân từ, dùng lễ nhạc làm nền tảng thì sẽ không có những việc sai lầm xảy ra. Nếu không lạm dụng hình pháp thì sẽ không xuất hiện hành vi bạo ngược hung tàn.

Thiên “Thái tộc” cũng viết nếu ở bên trên mà không có sự quản lý phiền phức hỗn độn thì ở dưới sẽ không có oán thán và bất mãn của người dân. Như vậy thì các loại họa hoạn trong xã hội cũng sẽ dễ dàng được tiêu trừ, xã hội công chính bình hòa sẽ xuất hiện. Đây là nguyên nhân hưng thịnh của ba triều đại Hạ, Thương, Chu. Cho nên, trong sách “Thượng Thư” viết: “Nếu đủ minh trí, hơn nữa lại nhân ái, khoan hậu thì lê dân bá tánh sẽ nhớ đến ông, đi theo ông, làm sao còn phải vì ngoại bang mà sầu lo!”

Trí Bá từng nắm đại quyền ở nước Tấn thời Xuân Thu. Ông ta có năm loại tài năng và tư chất hơn người. Thứ nhất là tướng mạo cao lớn, cường tráng. Thứ hai là sức lực bắn tên và lái xe đều rất mạnh. Thứ ba là tài nghệ kỹ năng đều có đủ. Thứ tư là am hiểu văn chương. Thứ năm là quả quyết dũng cảm. Nhưng Trí Bá vẫn không tránh được kết cục bị chết trong tay người khác. Đây là bởi vì ông không có lòng nhân từ đối với người khác, tham lam kiếm lợi khi nắm quyền chính.

Tề Vương Kiến, vị vua cuối cùng của nước Điền Tề, một nước chư hầu nhà Chu thời Chiến Quốc có ba loại tài nghệ phi thường: có đủ sức để giương cung mạnh, chạy nhanh hơn ngựa phi, có thể nhảy qua được nơi đất cao. Nhưng Tề vương Kiến nghe theo gian thần, không sớm liên minh với các chư hầu hợp tung chống Tần, để cuối cùng nước bị mất còn bản thân cùng gia tộc thì bị nước Tần bắt làm tù binh. Đây là ông không hiểu được người tài năng đức hạnh, không biết dùng người, cuối cùng làm cho nước Tề bị diệt vong.  

Cho nên, “nhân từ” không gì quan trọng hơn việc yêu thương người khác, và “trí tuệ” không gì cao quý hơn việc hiểu biết người khác. Nếu không có lòng nhân từ và trí tuệ thì cho dù một người có thông minh, nhanh nhẹn, khéo léo, cần cù, cố gắng thì cũng sẽ không tránh khỏi có lúc bị mê hoặc, rối loạn. Đặc biệt là quân vương nếu không có lòng nhân từ và trí tuệ dùng người thì lại càng nguy hiểm hơn cho đất nước.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: