Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, bốn phương vị Đông Tây Nam Bắc có mối quan hệ mật thiết, gắn bó không thể tách rời. Bốn phương vị này không chỉ là khái niệm thuần túy về không gian, mà nó liên quan chặt chẽ đến ý tưởng, tín ngưỡng tôn giáo, phong tục của người xưa, đồng thời phản ánh nội hàm sâu sắc của văn hóa truyền thống.

Nội hàm thâm sâu của "Đông, Tây, Nam, Bắc"
(Tranh minh họa: Võng xuyên thập cảnh đồ, Họa sĩ Cừu Anh, Public Domain)

Đông

Từ thời xã hội nguyên thủy, trong bốn hướng “Đông Tây Nam Bắc” thì người ta biết được hướng đông và tây trước dựa vào hướng mặt trời mọc và lặn. Khi quan sát hiện tượng lặp đi lặp lại, người ta nhận thấy rằng về hướng mặt trời mọc thì cây cỏ tươi tốt, vạn vật sinh sôi phát triển, nên đã xác định được hướng đầu tiên và đặt cho tên gọi là “Đông”.

Hướng Đông có mối quan hệ mật thiết với Mặt Trời, điều này đã được phản ánh ngay trong chữ viết. Chữ Đông (東) do chữ “nhật” mặt trời (日) và chữ “mộc” cây cối (木) cấu thành. Trong Thần thoại cổ đại, “Đông quân” có nghĩa là Thần Mặt trời. Hướng Đông là nơi xuất phát của Mặt trời, nơi có ánh sáng và sự ấm áp. Vì thế Đông là chủ về sinh. Mùa Xuân, gió từ hướng Đông thổi tới khiến vạn vật sinh trưởng nên vị thần chủ tể của mùa Xuân được gọi là Đông Hoàng. Mùa Xuân cũng là thời điểm bắt đầu cho công việc của nhà nông nên từ “Đông” cũng hàm nghĩa việc nông. Trong “Lã Thị xuân Thu” viết: “Canh đông cao chi ốc nhưỡng hề”, nghĩa là cày ruộng đất màu mỡ.

Về màu sắc, người ta thường dùng “Thanh” (xanh) để thay cho “Đông”, như “Thanh cung”. Ba từ: Đông, Xuân, Thanh thường được phối hợp với nhau. Hướng Đông chủ về sinh, thuộc dương, nên Đông cũng được dùng để chỉ nam nhân. Thời xưa gọi “Đông cung” chỉ thái tử, “Đông sàng” là chàng rể…

Trong quan niệm của người xưa, Đông còn là hướng tôn quý. Trong thần thoại Ngưu Lang – Chức Nữ, Chức Nữ là con gái của Thiên đế, có xuất thân tôn quý nên đã ở phía Đông của thiên hà, còn Ngưu Lang xuất thân thấp kém nên ở phía Tây của thiên hà. Từ ý nghĩa tôn quý, Đông có nghĩa là chủ yếu, chủ nhân, là quan trọng. Vì thế khi nói đến quan hệ chủ khách thì Đông bao giờ cũng được dùng để chỉ người chủ.

Tây

Trái ngược lại với Đông, Tây là hướng mặt trời lặn. Trong “Thuyết văn giải tự”, chữ Tây vốn là chữ ban đầu của chữ Thê (棲) (nghỉ ngơi, đậu lại). Mang ý nghĩa, mặt trời lặn ở núi phía Tây và chim đậu lại trên tổ.

Hướng Tây là nơi tối tăm lạnh lẽo, mang ý nghĩa tử vong, không tốt lành. Phương Tây có chòm Bạch hổ gồm 7 sao: Khuê (con sói), Lâu (con chó), Vị (chim trĩ), Mão (con gà), Tất (con quạ), Chủy (con khỉ), Sâm (con vượn). Những sao này đều mang ý nghĩa tàn sát, bén nhọn. Vì thế Tây chủ quản về việc sát phạt.

Xét về mùa, Tây với mùa Thu là có mối quan hệ. Với ngũ hành, Tây thuộc Kim. Mùa Thu mang ý nghĩa tàn sát, giết hại, thu gom. Sương lạnh tàn sát cỏ cây, động vật loài mạnh ăn thịt loài yếu, lớn săn bắt nhỏ. Và cũng chính vì ý nghĩa này nên thời xưa mỗi năm đến mùa Thu thì triều đình mới bắt đầu thi hành một loạt án tử hình, trừ những trường hợp trọng tội vô cùng nặng. Trong sách “Lã Thị Xuân Thu” viết: “Lục hữu tội, nghiêm đoán hình, thiên địa thuỷ túc, bất khả dĩ doanh”, ý nói giết kẻ có tội, nghiêm khắc hình phạt, trời đất bắt đầu thu lại, không thể khoan thứ. Trong sách “Quý Thu Kỷ” cũng viết rằng, đến cuối mùa thu cũng cần phải tăng cường xem xét việc hình ngục, không lưu giữ người có tội.

Vì là hướng chết chóc nên Tây có quan hệ với già yếu và đau buồn. Các nhà thơ thường mượn hướng Tây để biểu đạt cảm xúc đau thương mất mát. Cũng vì nghĩa này mà người xưa tạo ra chữ “sầu” (愁) đã để chữ “Thu” (秋) ở trên chữ “tâm” (心). Tây thuộc âm, vì thế nói đến giới nữ người xưa thường liên hệ đến từ “Tây”, như Tây Vương Mẫu, Tây Thi…

Nam

“Nam” mang ý nghĩa là nuôi dưỡng vạn vật, vì thế Nam là phương muôn vật được nuôi dưỡng. Trong “Bạch Hổ thông” viết: “Nam phương giả, nhâm dưỡng chi phương, vạn vật hoài nhâm dã”, nghĩa là Nam là phương nuôi dưỡng, muôn vật được nuôi dưỡng.

Hướng Nam cũng thuộc về dương, chủ về sinh, vì thế nên Thiên tử đều ở nơi có hướng nam để cai trị. Bậc tôn quý khi ngồi phải quay mặt về hướng Nam với ý nghĩa họ nắm giữ sự sống chết của muôn loài. Điều này được cho là thuận với trời, hợp với người và là danh chính ngôn thuận. Trong “Dịch” viết: “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ”, tức là bậc thánh nhân ngồi quay mặt về hướng nam mà cai trị thiên hạ.

Có sinh trưởng cây cối mới sum suê tươi tốt, vinh hoa phú quý của con người cũng giống như sự sum suê tươi tốt của cây cối. Vì thế, Nam cũng có ý nghĩa tượng trưng cho sự giàu sang phú quý. Nam cũng tượng trưng cho sự kiên cố, trường thọ. Nói đến trường thọ có “Nam sơn”, “Nam nhạc”, câu chúc thọ phổ biến là “Thọ tỉ Nam sơn”…

Bắc

Người xưa xếp thứ tự từ tốt đến xấu là Đông Nam Tây Bắc, Bắc được xếp ở vị trí cuối cùng. Bắc là nơi u tối lạnh lẽo. Vì là nơi u tối nên những gì thuộc Bắc đều có màu đen.

Nam thuộc dương, Bắc thuộc âm nên Bắc và giới nữ có mối liên hệ với nhau. Trong “Vương Vũ Xứng” viết: “Bắc đường thị thiện xâm tinh khởi”, tức là lo phụng dưỡng mẹ, từ mờ sáng đã thức dậy.

Nam chủ về sinh, Bắc chủ về tử, vì thế Bắc là hướng tử vong, là nơi thu gom cất giấu muôn vật. Người mất được chôn ở phương Bắc, đầu hướng về Bắc. Trong “Lễ Ký” viết: “Táng vu bắc phương, bắc thủ”, tức là chôn ở phương bắc, đầu hướng về bắc. Hay trong “Khổng Tử gia ngữ” cũng viết: “Sinh giả nam hướng, tử giả bắc thủ”, khi sống mặt hướng về nam, lúc mất đầu quay về bắc.

Trong lịch sử Trung Quốc, nơi chôn cất nổi tiếng phần nhiều là ở núi Bắc Mang. Từ thời Đông Hán về sau, vương hầu công khanh của các triều đại cũng được mai táng ở đó, nên từ “Bắc Mang” dùng để chỉ nơi chết chóc. Trong bài “Mang Sơn” của tác giả Trầm Toàn Kỳ viết: “Bắc Mang sơn thượng liệt phần oanh”, nghĩa là trên núi Bắc Mang có nhiều phần mộ.

Người xưa khi nói về bốn hướng thường nói thành cặp như Đông – Tây, Nam – Bắc hoặc Đông Nam – Tây Bắc cũng là bởi vì ý nghĩa sâu xa của bốn phương vị này.

Theo Sound of Hope
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: