Một tờ báo không có khả năng tài chính để trả tiền nhuận bút hay tặng báo cho tác giả. Thậm chí tác giả phải mua cho mình, nhiều khi phải mua thêm 5, 10 cuốn để tặng bạn bè… thế thì tại sao nó không “ngủm” mà vẫn tiếp tục?

Trương Văn Dân
Quán Văn, số 100

Giữa nhớ và quên

Khi những người bạn gặp nhau, nói về chuyện in một tạp chí văn chương giống như thả hồn về một giấc mơ khó thành hiện thực. Thế nhưng vào một buổi sáng tháng 10 – 2011 ở quán cà phê Bros trên đường Nguyễn Văn Thủ đã có buổi ra mắt số 1 Tạp chí văn chương QUÁN VĂN quy tụ đông đảo các văn nghệ sĩ trong và ngoài nước, trong đó có những người biết danh nhau nhưng mới gặp lần đầu hay gặp lại sau nhiều thập niên xa cách.

Trải nghiệm, cuộc sống, nghệ thuật khác nhau, nhưng một cái chung duy nhất đã gắn kết họ lại: lòng yêu mến văn chương.

Những người bạn mơ mộng “thuở ban đầu” đến từ số Zero đó là Nguyên Minh, Nguyễn Hòa Vcv, Sâm Thương, Hiếu Tân, Từ Sâm và tôi. Sau buổi ra mắt chúng tôi mừng vui đến rơi nước mắt.

Tất nhiên người vui nhất là Nguyên Minh, chủ bút tờ Ý Thức ngày nào, lúc ấy đã ngoài 70 nhưng niềm đam mê văn chương của anh không hề suy giảm. Anh là một trong những người khởi xướng, là chủ biên và bên anh có rất nhiều khuôn mặt bạn bè.

*

Lúc ấy tôi đã về Việt Nam được 2 năm và mới in tập truyện ngắn đầu tay “Hành trang ngày trở lại” (nxb Trẻ- 2007) và sắp hoàn thành tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa”.

Sau bao năm sống và làm việc ở Ý, dù chưa đến tuổi tôi vẫn xin nghỉ… chờ hưu (đến 13 năm) từ bỏ công việc nghiên cứu và phát triển dược – thú y để sống đơn giản và theo đuổi niềm đam mê đọc, học và viết từ thời thơ ấu của mình. Tôi muốn có nhiều thời gian nhìn lại để hiểu bản thân, để biết mình thực sự muốn và cần gì trong cuộc đời.

Tất nhiên nếu vẫn ở Ý tôi cũng có thể làm được những việc đó. Nhưng viết, đọc xong cảm xúc chỉ giữ lại trong lòng, không chia sẻ được với ai. Bạn Ý thì nhiều mà chỉ để trao đổi về nghiên cứu, chuyên môn. Tôi cảm thấy đơn điệu nên khi gặp các bạn văn tôi thấy lòng được giải toả rất nhiều. Tôi cũng thấu tỏ được 2 từ chia sẻ, thứ mà nhiều người tìm kiếm nhưng khó gặp tri âm, tri kỷ.

*

Sau khi ra mắt Quán Văn (Quán Văn) số 1 thì chừng vài tháng sau thì tiểu thuyết “Bàn tay nhỏ dưới mưa” được Phuongnam book mua tác quyền và in ấn nên đã được cùng ra mắt với Quán Văn số 3. Tất cả số tiền thu được trong việc bán sách tôi đều tặng cho Quán Văn như một cách tiếp sức cho việc in ấn. Sau này khi Elena cùng tham gia sáng tác thì tất cả những tác phẩm của chúng tôi (và của Nguyên Cẩn) như “Milano Sài Gòn đang về hay sang?”, “Một phút tự do”, “Vàng trên biển đá đen”… cũng vẫn theo cách ấy.

Tôi tuy học về Hóa và Công nghệ dược nhưng say mê văn chương từ nhỏ, nên khi trở về Việt Nam thì tôi toàn tâm toàn ý với Quán Văn, tuy do Nguyên Minh chủ trương nhưng tôi luôn xem như việc của chính mình. Sau này khi có Elena tham gia nữa thì tình càng gắn bó. Nếu lúc đầu Elena có chút ngập ngừng vì khó khăn về ngôn ngữ nhưng những bản dịch sau đó được người đọc đón nhận nên Elena đã trở thành “con gái Quán Văn”.

Ngay từ đầu chúng tôi đều thống nhứt: Tập san Quán Văn phải đáp ứng được các tiêu chí Chân – Thiện – Mỹ. Nó là sách văn học nên các bài viết phải là những “món ăn tinh thần” để cuộc sống thêm tươi đẹp, có tình người, đề cao lòng nhân ái, cao thượng và hào hiệp.

Để tờ báo được đa dạng và phong phú nên tôi mời tất cả những bạn văn quen biết vào Quán Văn. Tất cả những người quen yêu văn chương được xem như mẫu số chung. Tôi kết nối với Huỳnh Kim Bửu, Hoàng Kim Oanh, Mỹ Lệ, Trần thị Trúc Hạ, vợ chồng Dạ Ngân – Nguyễn Quang Thân, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, Nhà phê bình sân khấu điện ảnh Nguyễn Văn Thành, nhà văn Nhật Chiêu, Vũ Thế Thành, Trần Hoài Anh, Cao thị Hồng, vợ chồng Lâm Nguyệt Nữ – Phan Trường Nghị, vợ chồng Phạm Ngọc Phú, Nguyễn thị Sinh, nhà văn bác sĩ Trần Như Luận… và các bạn ở phương bắc hay ở nước ngoài như Đặng Phú Phong, Đỗ Trường, Vũ Ngọc Tiến, Phạm Xuân Nguyên, Bùi Việt Thắng,…

Sau này còn có những cây bút khác đến với Quán Văn như các nhà thơ Đoàn văn Khánh, Ban Mai, Nguyễn An Bình, Nguyên Tâm (Đắc), Dung thị Vân, Kiều Huệ…

Ra mắt được 2, 3 số thì Quán Văn cũng nhận được búa rìu dư luận khen chê, có người nói nó giống “Lưu bút ngày xanh”, chắc in được 6, 7 rồi sẽ đình bản như tất cả các tờ tạp chí có tài trợ từ Bắc đến Nam. Thế nhưng sau 5 năm, hơn 40 số báo thì ai nấy đều kinh ngạc, và đánh giá lại.

Một tờ báo không có khả năng tài chính để trả tiền nhuận bút hay tặng báo cho tác giả. Thậm chí tác giả phải mua cho mình, nhiều khi phải mua thêm 5,10 cuốn để tặng bạn bè… thế thì tại sao nó không “ngủm” mà vẫn tiếp tục? Có lẽ ngoài lý do chủ biên là Nguyên Minh một ông già chịu chơi, còn người viết lẫn bạn đọc Quán Văn đều là những người thực sự yêu văn chương, không háo danh hay vụ lợi. Tất cả cùng chung tay góp sức để tạo nên một nơi sinh hoạt tinh thần, mỗi lần ra mắt được gặp bạn bè, mua một số báo cho mình hay tặng bạn như một thứ cà phê tinh thần giúp tâm hồn tỉnh táo, an vui.

Tuy Quán Văn in không nhiều, thu nhập bèo bọt nhưng không bao giờ đăng quảng cáo, có những bài viết giật gân “câu khách” hay chọn những bài viết vì tình riêng, phe nhóm.

*

Tôi chỉ gặp và quen Nguyên Minh mấy năm gần đây. Nhưng hình như định mệnh đã từng sắp xếp để chúng tôi “biết” nhau từ nhiều năm trước để bây giờ cùng chung tay thực hiện Quán Văn chăng?

Một hôm Nguyên Minh gọi tôi lên tòa soạn, rồi bảo: “Em ngồi xuống đi… anh chỉ cho xem cái này”. Rồi anh với lấy tập san Ý Thức đóng tập, gáy sờn, giấy đã úa vàng… lật ra một trang đã đánh dấu. Tôi nhìn theo ngón tay anh và vô cùng sửng sốt. Trời ơi! Đấy là thư trả lời của tập san Ý Thức sau lời nhận định tích cực về nội dung và yêu cầu mua báo dài hạn của tôi, mấy tháng trước khi lên đường du học.

Đó là số Ý Thức, tháng 3, 1971. Thời gian đã 45 năm, lúc tôi còn ở Việt Nam, chưa đi du học nhưng hoàn tòan không nhớ gì hết về việc này…và Nguyên Minh cũng chỉ tìm thấy thật tình cờ, một hôm lần dở những trang báo cũ.

Tôi và Nguyên Minh như đã chờ nhau suốt 45 năm… Các bạn cũ và mới đều là duyên tao ngộ và trong suốt thời gian cộng tác tôi luôn xông xáo và xem Quán Văn như của mình. Trong các chuyến đi Nam về Bắc tôi đều kết nối bạn bè, liên lạc với Trung tâm văn hóa Đông Tây của nhà văn Đoàn tử Huyến để nhờ phát hành, nhờ nhà báo Dương Kim Thoa giới thiệu nhà sách ở Hà nội để giúp các bạn phía bắc mua báo dễ dàng. Tôi và Nguyên Minh đã có lần “cõng” Quán Văn qua Pháp (2013), qua Mỹ (2015) ra Huế, Đà Nẵng lên Đà Lạt vào hiệu sách để xem họ chưng bày Quán Văn ra sao… Chính anh Nguyên Minh cũng từng nói “nếu không găp vợ chồng em thì chưa chắc anh làm Quán Văn”. Có lẽ chỉ nói xã giao, nhưng có phần sự thật vì anh biết tôi toàn tâm toàn trí và hứa là dù khó khăn đến mấy cũng sẽ luôn sát cánh cùng anh đi đến số 100!

Lời hứa đến số 100 càng tha thiết hơn khi chúng tôi cùng đến thăm người bạn lớn của Quán Văn là nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh đang bệnh nặng và tiên lượng là khó qua khỏi. Những bàn tay chồng lên nhau như lời hứa phải giữ tròn, chỉ 2 tháng trước ngày anh từ giã cõi đời.

Sau 12 năm, tuy Quán Văn in không nhiều, phát hành không rộng nhưng có thể nói là nó vẫn để lại một dấu ấn không hề nhỏ trên bầu trời văn chương Việt: Đó là một tập san độc lập, một diễn đàn kết nối những văn nghệ sĩ trong và ngoài nước, góp phần đa dạng hoá góc nhìn, cảm xúc, nhận định mà trên hết là tính nhân văn – không hiềm khích hận thù thắng thua Nam Bắc. Tất nhiên đây là nhờ tính cách của chủ biên Nguyên Minh, người biết dung hòa và biết xem cái “chúng ta” lớn hơn “cái tôi” nên quy tụ được nhiều văn nghệ sĩ cộng tác.

Một trong những điều đáng nhớ nhất trong những năm với Quán Văn là chúng tôi không chỉ đọc, viết mà còn “sống” với nhau, nhờ có các chuyến đi gắn kết. Do các thành viên sống rải rác nên nhờ những cuộc gặp mà Ngô thị Mỹ Lệ tổ chức thì mọi người mới không chỉ biết nhau qua trang viết hay trên mạng ảo.

Có lẽ không ai có thể quên những chuyến đi Quy Nhơn, Bảo Lộc, lên Tây Nguyên, đến ngã ba biên giới, hay ra Miền Bắc, Hà Nội, Mộc Châu, Hà Giang, Cao Bằng hay về miền Tây trong mùa nước nổi, Phú Quốc, An Giang, bơi thuyền trong rừng Trà Sư như trong huyền thoại, bạn bè hồn nhiên vui vẻ, vô tư bên nhau trong từng bước chân, từng lời nói, “ăn nằm” trong từng dòng chữ, hiểu nhau qua từng trang sách,…

Tôi gặp và quen Ngô thị Mỹ Lệ trong buổi nói chuyện của nhà văn Nguyễn Quang Thân và Dạ Ngân ở trung tâm văn hóa Phú Nhuận rồi sau đó trong câu lạc bộ Người Yêu Sách của Phạm Thế Cường. Nhận ra ngay Mỹ Lệ là người có tài tổ chức sự kiện nên liền mời em đến buổi ra mắt Quán Văn: “Em thật sự choáng ngợp. Cảm giác như các người đồng điệu bị lạc rồi gặp lại nhau sau chừng ấy năm trời. Đến với Quán Văn em có cảm giác như được tắm nhiều lần trong một dòng sông ”.

Sau đó thì Mỹ Lệ đã tổ chức các chuyến đi xa rất chuyên nghiệp, dù đây là công việc phức tạp và khó khăn, kiểu làm dâu trăm họ nhưng mọi người đều vui lòng. Tất nhiên cũng có những yêu cầu cá nhân quá đáng nhưng Mỹ Lệ tuy tính tình nóng nảy nhưng vẫn kiên nhẫn sắp xếp cho trọn vẹn. Sau này Mỹ Lệ còn lôi cả An vào phụ trợ nên những chuyến đi càng hoàn hảo và thành công hơn.

Không chỉ giỏi tổ chức mà vợ chồng An Lệ rất quan tâm đến mọi người. Có lần bạn văn Trần Hữu Hội đến cà phê Embassy dự ra mắt Quán Văn, anh tần ngần chưa biết làm sao khi thấy những bậc thang cao. Tôi và anh Long đang tìm cách thì Mỹ Lệ nói ngay “Không sao, có anh An lo mà”, và An vui vẻ cõng Hội leo lên những bậc thang, tôi vội bước theo sau, sợ có chuyện bất trắc.

Một hình ảnh khác thường đọng trong mắt tôi về chuyến đi Phú Quốc. Trời nóng và di chuyển nhiều nên khi đến quán ăn thì ai nấy đều đói và thấm mệt. Trong khi mọi người uể oải sắp hàng thì thấy An lao xuống biển tắm. Khi lên bờ mọi người vào quán, An mình trần đi giúp mọi người tìm chỗ ngồi rồi lăng xăng đi lấy ghế cho những người đang đứng. Mọi người cười nói vô tư, hình như chẳng ai quan tâm đến việc anh làm. Thấy thế Elena bảo tôi ra phụ giúp, An không cho bảo anh chị cứ ngồi đi, em làm được mà… “mọi người đi chơi cần thoải mái”. Tôi không đồng ý, “thì em cũng đi chơi vậy, mỗi người 1 tay thì nhanh thôi.”

Khi anh Đoàn Đình Thạch đến với Quán Văn (từ số 20) anh chỉ mang theo cây đàn, và tiếng hát của anh đã tạo không khí sinh động cho những buổi ra mắt và trong những chuyến đi xa. Mới đầu chỉ đến một mình nhưng sau anh còn dẫn theo chị Náo, họ xuất hiện như như 1 cặp đôi hoàn hảo về sự thân thiện và nhân cách. Từ đó chiếc đàn theo anh chị đi đây đó khơi dậy tình tự dân tộc qua những ca khúc, trường ca hoặc những bài hát do anh sáng tác. Còn nhớ trong một chuyến đi, anh em vừa lên xe thì mưa gió bão bùng… Tiếng mưa đập vào thùng xe bôm bốp. Nhưng từ cuối xe bỗng vọng lên tiếng hát “Toàn dân nghe chăng, sơn hà nguy biến…” mọi người nhìn xuống thấy anh đang cầm đàn và tất cả đều hát theo anh. Khí thế trên xe hừng hực.

Trong hơn 60 số báo anh Thạch luôn là một phần không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng. Nụ cười và tiếng hát của anh giúp mọi người cởi mở và gần nhau hơn.

Nhưng nếu Mỹ Lệ tạo cơ hội gặp gỡ, anh Thạch tạo không khí sôi động thì anh Đặng châu Long là người đưa Quán Văn đi rộng và xa, lan tỏa tinh thần và văn chương đến với bạn đọc trong và ngoài nước.

Tôi gọi anh là người lưu giữ ký ức còn Nguyên Cẩn gọi anh là nhà văn thông tấn. Sau mỗi buổi sinh hoạt anh luôn có các bài tường thuật và hình ảnh. Là người quảng giao nên những bài viết của anh có nhiều người đọc. Bài viết nào cũng đầy đủ, tức thời, với một giọng văn rất riêng, vừa thân tình, vừa dí dỏm.

Anh Long sống đơn giản và hòa đồng với mọi người còn chị Hạnh vợ anh là người sống rất chân tình.

Một đặc điểm của anh Long là có trí nhớ tốt và viết nhanh. Anh thường nhắc lại những câu chuyện đủ tình tiết mà nhiều người đã quên. Trong một bài viết tôi đã ví những trang viết của anh làm sống dậy những ký ức chìm sâu, như chim Phượng Hoàng tái sinh từ 1 đám tro tàn:

“Cuối tháng 3-2018, Trần Hữu Hội cùng gia đình về Quảng Thuận chuẩn bị cho ngày cưới con trai. Bận rộn nhưng gia đình không ngăn Hội quay về lại Sài gòn để tham dự ngày ra mắt sách “Vàng trên biển đá đen” của Elena. Để nối một vòng tay chung cùng bằng hữu, Hội đã có mặt trong hoàn cảnh sức khỏe không hoàn hảo… rồi hôm sau lại phải quay về Phan Rang để lo cho xong việc.” “Nhìn Hội rạng rỡ, nhưng không che giấu nổi sự hụt hơi trong từng nhịp thở. Cũng như nhiếp ảnh gia Bùi Văn Mùi anh vẫn thường dùng ống thuốc bơm trợ thở!”

Tất cả những ký ức, kỷ niệm của bạn bè, của sinh hoạt Quán Văn tất cả sẽ trôi tuột và không ai còn nhớ, hay loáng thoáng và mọi thứ sẽ phôi phai… nếu không có những trang viết của Đặng châu Long mà một ngày nào đó vô tình hay cố ý đọc lại lòng chúng ta không thể không cảm thấy bồi hồi. Nó không chỉ nhắc lại một kỷ niệm trong ký ức mà còn làm ta sống lại những ngày vui buồn bên nhau.

Tất nhiên trong Quán Văn không chỉ có ba người ấy nhưng theo tôi vai trò và đóng góp của họ rất quan trọng. Bên cạnh đó còn có nhiều người khác, như Lương Minh hóm hỉnh, Trúc Hạ tếu táo mang đến những nụ cười, Nguyên Cẩn, Tịnh Thy chia sẻ cảm nhận văn chương, Hoàng Kim Oanh xông xáo lo toan mọi việc, kết nối bắc Nam…

Tôi mời Trúc Hạ gia nhập Quán Văn sau chuyến đi Đà Nẵng với một người em thuộc nhóm “Tương Tri” từ Mỹ về. Gặp và nhận ra ngay là Trúc Hạ tài kết nối và tổ chức… nhưng vì ở xa nên đóng góp không nhiều.

Ngòai những người vừa nhắc đến, còn có một nhân vật “cộm cán” nữa là Hoàng Kim Oanh cũng được tôi mời vào Quán Văn ngay từ số đầu tiên. Tôi đã gọi điện 2 lần mới mời được chị tham dự buổi ra mắt số 001, đến nỗi Kim Oanh đang có tiết dạy cũng “phải” tranh thủ chạy đến giữa giờ ra chơi.

Từ đó, mỗi số ra mắt, tôi đều gọi hay nhắn tin. Tôi có nói với Nguyên Minh “Em sống ở nước ngoài hơn 40 năm, trong nước quen biết không nhiều nên sẽ cố mời một nhà giáo dạy và mê văn cộng tác để Quán Văn được liên kết với môi trường đại học và tìm lớp sinh viên kế thừa sau này!”. (Về sau tôi còn mời Trần Hoài Anh và Cao thị Hồng còn Hoàng Kim Oanh kết nối Tịnh Thy, ba cây bút lý luận phê bình văn học của Quán Văn.)

Nhờ tham dự hai buổi bảo vệ luận án tiến sĩ của hai người bạn từ Quy Nhơn là Lê Nhật Ký và Châu Minh Hùng, tôi nhìn thấy có một phụ nữ ngồi chú ý lắng nghe và cẩn thận ghi chép. Khi trao đổi mới biết là chị cũng chuẩn bị làm tiến sĩ ở Hà nội. Tôi liền mời đến dự buổi ra mắt đầu tiên của Quán Văn.

Các buổi ra mắt sau đó, Hoàng Kim Oanh cũng đều tham dự nhưng chưa mấy nhiệt tình. Tôi nghĩ chắc chị đang thăm dò, ngoài một ông Nguyên Minh làm báo từ trước 1975 lại có thêm 1 ông từ nước ngoài về… nên cần xem họ sinh hoạt ra sao. Lý do khác có thể là nhận thấy những trang viết của mình không thuộc diện sáng tác, nằm trong khuôn khổ ở một trường sư phạm nên khó phù hợp với một tạp chí văn chương. Mãi đến Quán Văn số 11 chị mới gửi bài.

Hoàng Kim Oanh nói với tôi “Một tờ báo thật lạ. Không nhuận bút, không báo biếu mà ai cũng sẵn lòng góp mặt, đã nâng niu những giấc mơ văn chương của anh em bè bạn khắp mọi miền. Quen biết cảm mến nhau trở thành bè bạn quý rồi không thể thiếu nhau. Tất cả đều do duyên anh nhỉ.”

Cứ như thế, người nầy kết nối người kia để quy tụ những tài năng. Và bạn hữu trong Quán Văn từ ấy lớn mạnh, nhiều cây bút mới tham gia, đông đảo. Cái “gia đình” gắn kết nhau trong những đêm nắm tay “nối vòng tay lớn” hay những buổi họp mặt thân tình ở “chuồng cu”, cái tòa soạn bé tí của Quán Văn.

*

Nhưng trong gia đình thì khó có cha mẹ hoàn hảo, cũng chẳng thể có anh em hoàn hảo.

Ở đâu cũng thế, khi ít người, dễ đoàn kết vì hiểu và thân nhau còn khi đông thường chia thành những nhóm nhỏ. Những con người khác tính cách, mối quan tâm, khác nhau về trình độ, trải nghiệm và quan niệm… không dễ gần nhau: Nếu lúc trước… thấy ai viết lên tay mọi người đều mừng, nhưng về sau thì dường như cái mừng ấy không còn nữa.

Lịch sử thường nhắc chuyện Tào Tháo công thành, mưa dầm dề, lương thực hết… đang tính chuyện lui binh thì còn nghe có viện binh của địch hai ngả tiến tới… mọi người lo lắng nhưng Tào Tháo cười to: “Binh đông thì ô hợp, các tướng tranh công, ta chỉ cần dùng kế ly gián”. Quả nhiên hàng ngũ địch bị phân hóa và họ Tào thắng trận.

Một tập thể chỉ đẹp khi không có những toan tính vì quyền lợi cá nhân. Nó cần có những người bảo vệ khi thành viên vắng mặt bị công kích, biết mài giũa những góc nhọn để không va chạm, nói chung là cần sự chân thành.

Nhưng trên thực tế, điều đó rât hiếm khi xảy ra.

Viết đến đây tôi xin được kể một câu chuyện từng làm mình xúc động:

Sáng chủ nhật ở một quán cà phê, một ông cụ ngồi bên cạnh nhìn tôi và hỏi:

′′Anh bạn trẻ, anh có biết tình bạn là gì không?”

Tôi chưa kịp trả lời thì ông đã nói:

′′Anh có thấy cái ông ngồi ở đằng kia không? Đó là người bạn thân nhất của tôi, chúng tôi sinh năm 1939 và lớn lên cùng nhau… Tôi là người làm chứng cho đám cưới của ông và ông ấy cũng đã làm phụ rể trong đám cưới của tôi.

Chúng tôi đã từng góp vốn để hùn hạp làm ăn, mỗi ngày chúng tôi đều đến quán bar này đọc tin trên báo và uống một ly vang trắng.

Ông ấy đã đọc tin cho tôi nghe vì tôi không biết chữ.

Năm 78 xảy ra một việc khiến chúng tôi cãi lộn rồi thậm chí đánh nhau… và kể từ ngày đó chúng tôi không còn nói chuyện với nhau nữa.

Khi gặp mặt cũng không thèm chào hỏi.

Vâng, tôi sẽ kể tiếp… nhưng bất chấp mọi thứ, từ năm 1978, mỗi ngày chúng tôi cũng đều đến đây, đến cùng một giờ, hằng ngày đều nhìn thấy nhau, nhưng mỗi người ngồi ở một bàn, vâng, dù nhìn thấy nhưng chẳng ai chào hỏi ai.

Mỗi người đều gọi một ly vang trắng…

Và ngày nào ông ấy cũng cầm tờ báo và to giọng đọc tin… mọi người đều nghĩ ông ấy bị điên… không ai biết là ông ấy đang đọc báo cho tôi.

Vâng, kể từ 1978…”

*

Thời gian đầu tôi có đề nghị Quán Văn lập các nhóm văn, nhóm thơ để bạn bè có dịp trao đổi và học hỏi lẫn nhau, nâng cấp chuyện viết lách, tiếc thay trên thực tế khó thực hiện. Các số chủ đề về “bạn đọc hôm nay”, “họ đang đọc hay viết gì”, “Tôn Vinh tiếng Việt và Chữ Quốc Ngữ”, “ Sách Quốc văn giáo khoa thư, vì sao đã ảnh hưởng đến nếp sống của nhiều thế hệ” hay như việc chọn những bài viết trong 10 số Quán văn để in thành một tập sách… rất tiếc là cũng không thể thực hiện.

Khi hỏi một nhà văn đàn anh đã từng theo dõi và đồng hành từ lâu cùng Quán Văn nhờ anh đánh giá và cho một cái nhìn tổng thể thì anh nói: “Sau số 60, anh thấy như cái tình của anh em Quán Văn như nhạt đi và văn chương lâm vào 1 tình trạng kỳ lạ. Có người trước đây xem nó là đời sống tinh thần nay bỗng nhiên ơ hờ với nó. Sau Covid 19 tình trạng càng đậm nét. Tuy chưa quay lưng hẳn nhưng hình như có người đã mất hứng thú.” “Bài vở thì nhiều mà mỗi số chỉ có 1, 2 truyện ngắn, thiếu truyện dịch. Các buổi ra mắt văn mà nặng phần ca hát.”

Một nhà phê bình khác còn đi thẳng vào nội dung: “Có nhiều trang viết về hoài niệm, kể lại những chuyện xưa… Trước những biến thiên của cuộc sống mà ít thấy bài viết phản ảnh hơi thở xã hội, cuộc sống của người già trước các công nghệ mới, những lo âu vì nhịp sống đang thay mà nhịp độ sinh học của con người không theo kịp. Nhiều người viết về thời trước 1975 mà ít khi chạm đến việc có người lúng túng không biết gọi xe công nghệ, mua hàng hay trả tiền qua mạng. Cũng hiếm ai nói về những bữa cơm gia đình đã biến mất, cặp vợ chồng cưới nhau 3 năm đã ly hôn… Người cầm bút sao chỉ chạy theo cái đà của quán tính trong khi lịch sử đã sang trang?”

“Tất nhiên chuyện kể cũng có giá trị, đánh dấu 1 chặng đường đã qua nhưng có những bài nghèo nàn về phương diện nghệ thuật, đọc lên thấy người viết dễ dãi với trang văn.”

Cũng có nhận xét là Quán Văn có những số về các “chân dung” xa lạ hay những chủ đề không phù hợp, đã bỏ quên những nhà văn nhà thơ xứng đáng từng gắn bó lâu dài với Quán Văn. Có người còn kinh ngạc khi chỉ thấy toàn tranh minh họa của một vài họa sĩ?

Theo tôi những nhận xét trên là tấm lòng của những người yêu Quán Văn khi bình tâm “nhìn lại” những điều chưa hoàn hảo, không chỉ tô hồng mà mạnh dạn nói thẳng những gì mình cảm.

Nhưng nghĩ kỹ, tốt xấu có khi chỉ là hướng đi tình cờ của lịch sử mà người trong cuộc không thể thấy hết hay ngăn chặn. Ngay trong giải Nobel danh giá còn lắm điều tai tiếng, bất toàn huống chi là Quán Văn!

Chắc mọi người còn nhớ khi ủy ban Nobel văn học của Viện Hàn lâm Thụy Điển chọn ca sĩ và nhạc sĩ người Mỹ Bob Dylan (2016) đã có một làn sóng phản đối kịch liệt trên toàn thế giới. Ngay trong năm đầu tiên Ủy ban Nobel đã gây ra sự phẫn nộ khi không trao giải thưởng cho Leo Tolstoy mà trao cho một cái tên gần như không mấy ấn tượng là nhà thơ Sully Prudhomme. Trong quá trình của giải có rất nhiều nhà văn xuất sắc không được chọn như Anton Chekhov, Joseph Conrad, James Joyce, Marcel Proust hay Jorge Luis Borges, Henrik Ibsen…

Tuy bị chê trách nhưng nhìn kỹ thì trong lĩnh vực văn học hiện nay vẫn chưa có giải nào uy tín hơn giải Nobel.

Nói thế để chúng ta hoan hỉ bỏ qua những điều không vui .Và mong rằng theo thời gian và tuổi tác thì những điều cần quên sẽ được quên, chỉ còn lại những điều đáng nhớ.

*

Mười hai năm, 100 số báo. Lời hứa ngày xưa đã được giữ tròn. Nhưng cầm chén rượu mừng tôi cũng muốn nhắc về những người đã đến với Quán Văn mà giờ đây không còn nữa. Những Huỳnh Kim Bửu, Sâm Thương, Chu Trầm Nguyên Minh, những Nguyễn Ngọc Thơ, Mang Viên Long, Đặng Tiến, Đoàn Đình Thạch, những Trần Hữu Hội, Nguyễn Chí Sơn, Đinh Cường, Tôn Nữ Hỷ Khương, Nguyễn Thành…. đã từ giã bạn văn để về miền thanh thoát. Dù họ không còn nhưng vẫn sống trên những trang văn và trong tâm thức những thành viên từng đến với Quán Văn.

Riêng đối với bản thân tôi thì Quán Văn là một tình yêu lớn, là một phần quan trọng trong niềm say mê văn chương.

Nó cũng là động lực để thôi thúc tôi viết bài hàng tháng, không phí phạm thời gian cho những điều phù phiếm.

Quán Văn cũng là nơi đã cho tôi cơ duyên gặp gỡ, ngoài những người đã nhắc tên, Nguyên Cẩn, một nhà văn đa tài và thông thái, hiểu biết thâm sâu về Phật học, Ngọc Anh xinh đẹp, yêu văn, tình cảm và thân tình, đôi vợ chồng họa sĩ Lê Triều Điển – Hồng Lĩnh tài hoa, nhân hậu, Nguyễn Phú Yên, một nhạc sĩ tài năng nhưng lặng lẽ, gần như cả cuộc đời dành cho tình yêu âm nhạc, là tác giả của khảo luận công phu “Nhìn lại Âm nhạc miền nam” và cũng là người tạo âm thanh từ con chữ, với ba nhạc phẩm cảm tác từ tiểu thuyết “Bàn Tay Nhỏ Dưới Mưa” và “Ước Hẹn Cuối Cùng”.

Sau cuộc hành trình dài có thể trong chúng ta sẽ có người ở lại, có người sẽ ra đi nhưng tôi tin là ai cũng mang trong lòng những kỷ niệm và tình cảm đẹp. Rồi đây, mọi thứ có thể trôi qua, có thể đổi thay, có thể phôi pha nhưng chữ Tình luôn sâu đậm và rõ nét trong tâm khảm của những người đã từng chia sẻ buồn vui, đến với nhau vì văn chương chứ không vì gì khác.

Trương Văn Dân
Milano 10-2023

Đăng dưới sự cho phép của tác giả
Theo Facebook Trương Văn Dân

Quán Văn

Quán Văn

Quán Văn

Xem thêm: