Tên của người xưa bao gồm tên, chữ và hiệu. Căn cứ vào sự tôn trọng mà một người được gọi bằng chữ hay hiệu chứ không gọi thẳng tên. Hoàng đế thì được gọi theo bốn cách, đó là: Thụy hiệu, Miếu hiệu, Niên hiệu và Tôn hiệu.

Tản mạn về các cách gọi Hoàng đế trong lịch sử
(Tranh minh họa: Public Domain)

Thụy hiệu

Những cái tên mà mọi người gọi như Chu Văn Vương, Chu Vũ Vương, Chu U Vương, Chu Lệ Vương, Thương Trụ Vương, Hán Vũ Đế, Tùy Dượng Đế… đều là Thụy hiệu. Thụy hiệu là tên sau khi Hoàng đế qua đời thì Hoàng đế kế vị và các quan sẽ căn cứ vào phẩm đức và công lao của vị Hoàng đế đó khi còn sống mà đặt cho.

Thụy hiệu thông thường được chia làm “Mỹ thụy”, “Bình thụy” và “Ác thụy”. “Mỹ thụy” là tên mang ý nghĩa khen ngợi, như: văn, võ, minh, duệ… “Võ” được đặt cho những vị Hoàng đế có công lao bình định chiến loạn. “Bình thụy” là tên mang ý nghĩa không tán dương cũng không chê trách, hàm ý thương tiếc, như: Sở Hoài Vương, Đường Ai Tông… “Ác thụy” là tên mang ý nghĩa phê bình, như: Chu Lệ Vương, Chu U Vương, Hán Linh Đế, Tùy Dạng Đế… Những vị Hoàng đế có “ác thụy” đều là những người có tính cách tàn nhẫn hung ác và khuyết thiếu đức hạnh.

Thụy hiệu bắt đầu từ thời nhà Chu, bị bãi bỏ vào thời nhà Tần, và được khôi phục vào thời nhà Hán cho đến cuối thời nhà Thanh. Ban đầu thụy hiệu thường là một hoặc hai chữ. Từ sau triều nhà Đường, thụy hiệu bắt đầu nhiều chữ hơn. Đến thời nhà Thanh, thụy hiệu của hoàng đế và hoàng hậu thường có tới mười hoặc hai mươi chữ. Trước thời nhà Đường, phần lớn Hoàng đế được gọi bằng Thụy hiệu. Hoàng đế từ triều Đường đến triều Minh thường được gọi bằng Miếu hiệu.

Miếu hiệu

Những cách gọi như Đường Cao Tổ, Đường Thái Tông, Đường Huyền Tông, Tống Thần Tông, Tống Huy Tông, Minh Thái Tổ… đều là Miếu hiệu. Hoàng đế sau khi qua đời sẽ được đặt bài vị trong thái miếu để con cháu đời sau cúng tế. Vì thế, cổ nhân sẽ đặt cho Hoàng đế một tên chuyên biệt sau khi Hoàng đế mất để dùng cho việc cúng tế sau này, đây chính là Miếu hiệu.

Miếu hiệu thông thường được chia làm hai loại là “Tổ” “Tông”. Hoàng đế khai quốc thường sẽ được gọi là Tổ, như: Đường Cao Tổ, Tống Thái Tổ, Minh Thái Tổ… Còn Hoàng đế bảo vệ giang sơn sẽ được gọi là Tông, như: Đường Thái Tông, Đường Huyền Tông, Tống Thần Tông…

Đúng như ý nghĩa của tên gọi, Miếu hiệu là tên gọi sau khi Hoàng đế qua đời và được dùng trong thờ cúng ở Thái miếu. Miếu hiệu có nguồn gốc từ thời nhà Thương và được sử dụng đến thời nhà Thanh. Tuy nhiên, vào trước thời nhà Đường thì chỉ có những vị Hoàng đế có công lao lớn mới được đặt Miếu hiệu. Trong hơn 400 năm lịch sử triều đại nhà Hán chỉ có 7 vị Hoàng đế là có Miếu hiệu. Từ sau triều đại nhà Đường, cơ bản mỗi Hoàng đế đều có một Miếu hiệu, như Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận.

Điều đáng nói là hầu hết các Hoàng đế tên Thế Tổ đều là người đã hoàn thành việc thống nhất quốc gia, chẳng hạn như Thế Tổ của nhà Thanh. Trong khi hầu hết các Hoàng đế tên Thái Tông đều đã đạt được những thành tựu to lớn, chẳng hạn như Thái Tông của nhà Đường.

Niên hiệu

Những tên gọi như Khang Hy, Ung Chính, Càn Long thực tế chính là niên hiệu mà Hoàng đế sử dụng. Niên hiệu thông thường là sau khi Hoàng đế mới lên ngôi sẽ tự đặt niên hiệu cho mình và không dùng niên hiệu trước đó nữa.

Niên hiệu là từ Hán Vũ Đế sáng tạo ra và được sử dụng tiếp tục đến thời nhà Thanh. Công dụng của niên hiệu là ghi lại năm và phô trương chính quyền chính thống. Niên hiệu đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc là Kiến Nguyên do Hán Vũ Đế đặt ra.

Theo sách “Hán Thư” ghi lại: Sau khi Hán Vũ Đế ra ngoài đi săn, ông đã bắt được một con lân trắng một sừng, ngụ ý cho cát tường may mắn. Sau đó, theo sự kiến nghị của quần thần, Hoàng đế đã dùng nó để ghi năm, cải niên hiệu thành “Nguyên thú”. Ba niên hiệu trước đó là Kiến Nguyên, Nguyên Quang và Nguyên Sóc. Trong cuộc đời Hán Vũ Đế, ông đã thay đổi niên hiệu nhiều lần, trong đó từ “Nguyên” được ông yêu thích và sử dụng 7 lần để đặt niên hiệu: Kiến Nguyên, Nguyên Quang, Nguyên Sóc, Nguyên Thú, Nguyên Đỉnh, Nguyên Phong và Hậu Nguyên.

Chúng ta cũng có thể nhìn thấy ở trên mặt những đồng tiền cổ các từ như: Thuận Trị thông bảo, Khang Hy thông bảo, Càn Long thông bảo… Đây đều là tên các niên hiệu.

Trước thời Minh, Thanh, niên hiệu có thể được cải biến nhiều lần. Một Hoàng đế có thể sử dụng một niên hiệu nhưng cũng có thể dùng đến mười niên hiệu. Thông thường, các Đế Vương thời cổ đại mỗi khi gặp đại sự như Trời giáng điềm lành hay đại tai đại nạn thì đều sẽ thay đổi niên hiệu. Hán Vũ Đế dùng tổng cộng 11 niên hiệu, Đường Cao Tông dùng 14 niên hiệu.

Từ thời Chu Nguyên Chương triều nhà Minh trở đi, các hoàng đế của triều đại nhà Minh và nhà Thanh đều mỗi Hoàng đế dùng một niên hiệu (trừ Minh Anh Tông và Thanh Thái Tông) nên người ta thường gọi các Hoàng đế bằng tên niên hiệu như: Hoàng đế Khang Hy, Ung Chính, Sùng Trinh…

Tôn hiệu

Các Hoàng đế cổ đại cũng sử dụng tôn xưng khi họ còn sống, như: Võ Tắc Thiên tôn hiệu là Tắc Thiên Đại Thánh Hoàng Đế. Tắc Thiên là tôn hiệu chứ không phải tên thật của bà. Võ Tắc Thiên hay Võ Chiếu đều là tên sau khi Hoàng đế lên ngôi tự đặt ra cho mình. Tên Từ Hy Thái Hậu mà mọi người quen gọi thì “Từ Hy” cũng là tôn hiệu.

Trước thời nhà Đường, Hoàng đế thường được gọi bằng Thụy hiệu. Từ triều Đường đến triều Minh, Hoàng đế thường được gọi bằng Miếu hiệu. Triều Minh và Thanh, Hoàng đế thường được gọi bằng Niên hiệu, thỉnh thoảng cũng có dùng Tôn hiệu.

Ngoài cách gọi mà mọi người gọi Hoàng đế ra thì Hoàng đế cũng tự xưng mình. Tần Thủy Hoàng tự xưng mình là Trẫm, cũng có người tự xưng là Quả nhân. Quả nhân có nghĩa là đức ít, mang ý khiêm tốn.

Hoàng đế khi cúng tế Thần linh trời đất hay khi viết văn thì thường sử dụng xưng vị: “Tự thiên tử”, “Tự thiên tử thần”, “Tự hoàng đế thần mỗ”… Cổ nhân cho rằng, Hoàng đế có thể là chúa tể nhân gian, là thừa ý thượng thiên, bởi vậy cần phải khiêm tốn. Ngoài ra, khi các Hoàng đế phong tước hoặc cúng tế tổ tiên, họ thường sử dụng những từ như “Trẫm tiểu tử” , “Dư tiểu tử”, cách xưng hô này có mang theo cảm giác gia đình.

Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Sơ Tân
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: