Tản mạn về ý nghĩa của lễ nghi trong hôn nhân truyền thống
- An Hòa
- •
Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, có rất nhiều điều thuộc về truyền thống đã bị mất đi và hôn nhân truyền thống là một trong số đó. Không phải vô cớ mà người xưa lại quy định một loạt các quy trình, nghi lễ khi tổ chức hôn lễ. Nếu tìm hiểu sâu hơn một chút về hôn nhân truyền thống, chúng ta sẽ phát hiện ra rất nhiều điều thể hiện trí tuệ của cổ nhân, có thể mang lại sự bình yên về thể chất và tinh thần cho đôi bên nam nữ.
Môn đương hộ đối
Trong văn hóa truyền thống có một khái niệm quan trọng để xác định xem hai gia đình có phù hợp hay không, đó là “Môn đương hộ đối”, chính là xem hai gia tộc có các phương diện về hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, địa vị xã hội… có giống nhau hay không. Nếu như hai bên gia tộc có các phương diện này chênh lệch quá lớn thì một trong hai bên sẽ khéo léo từ chối.
Trong văn hóa truyền thống coi trọng một loại quan niệm, đó là sự đồng đẳng, ngang hàng. Nghĩa là bản thân gia đình mình như thế nào, ở mức độ ra sao thì sẽ kết hôn với một người ở một gia đình tương xứng, không cách biệt quá lớn. Người ta không có quan niệm dựa vào hôn nhân để leo lên, dựa thế, cậy quyền.
Khi hai gia đình “môn đương hộ đối” thì sẽ dễ dàng khiến cho vợ chồng chung sống hòa hợp. Còn nếu hai gia đình khác biệt quá nhiều thì hai vợ chồng sẽ khác biệt về giá trị quan, khi ấy sẽ khó thông qua cuộc sống chung để hòa hợp sự chênh lệch này. Giá trị quan của một người đồng thời lại có quan hệ mật thiết với hoàn cảnh xuất sinh, trình độ giáo dục và rất nhiều bối cảnh khác của người ấy từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành. Điều kiện của gia đình, bối cảnh lớn lên, địa vị xã hội mà tương đồng với nhau thì hai bên cũng sẽ có càng nhiều sự trao đổi và tiếng nói chung với nhau.
Có người ví, vợ chồng giống như một cái cân, chỉ khi hai người có trọng lượng không chênh lệch quá nhiều thì mới có thể đối thoại và câu thông với nhau. Cũng có người lại ví vợ chồng giống như hai vòng tròn giao nhau, phần giao nhau càng nhiều thì càng có nhiều điểm chung và càng có nhiều điểm chung thì hôn nhân sẽ bền vững, ổn định.
Tất nhiên vì những lý do khác nhau, đặc biệt là “sự kỳ vọng” vào người chồng, hay việc “giữ lời hứa hôn” từ trước, hoặc giả vì nguồn gốc gia tộc tốt đẹp, vì đức hạnh gia phong cao đẹp, v.v. mà trong lịch sử vẫn luôn xuất hiện việc “môn không đương, hộ không đối”. Kỳ thực quy tắc “Môn đương hộ đối” chính là để nói rằng: khi chọn vợ chọn chồng, thì cần chú ý đến khả năng hòa hợp trong tương lai. Rất nhiều bạn trẻ ngày nay cảm thấy khi yêu nhau thì rất hòa hợp, nhưng khi kết hôn thì cuộc sống lại vô cùng bất hòa. Đó chính là vì họ quá chú trọng vào cảm tình khi gặp nhau, mà không hề hiểu hết giá trị quan, nhân sinh quan của nhau.
Giữ gìn khoảng cách
Hôn nhân thời xưa đều có người trung gian là người mai mối. Người mai mối sẽ giới thiệu hai gia đình với nhau để gia đình hai bên tìm hiểu lẫn nhau, từ đó xác định xem nam nữ đôi bên có phù hợp hay không. Bằng cách này, cho dù là hôn sự có thành công hay không thành công thì giữa người nam và người nữ cũng có bà mối là tầng đệm, là một lớp bảo hộ và giúp đôi bên có khoảng hòa hoãn. Bởi vì hầu hết nam nữ thanh niên đều còn trẻ tuổi và không hiểu biết nhiều về việc đời, nếu như tiếp xúc trực tiếp quá nhiều thì thường thường sẽ có những sự tình không hay xảy ra.
Thời xưa, nữ nhân khi chưa lấy chồng hầu hết đều được nuôi dưỡng trong một khuê phòng, không ai biết đến. Căn phòng cuối cùng trong nhà tứ hợp viện gọi là hậu phòng, là nơi yên tĩnh nhất và xa xôi nhất, thường dành cho những cô gái chưa ra khỏi nhà. Điều này nhằm ngăn cản các cô gái tiếp xúc quá nhiều với người lạ. Đây là một cách bảo vệ con gái của các gia đình thời xưa. Bởi vì đối với nữ nhân chưa lấy chồng thời xưa thì danh dự là điều tối quan trọng. Nếu có tiếng xấu thì sẽ ảnh hưởng đến cả đời của cô gái đó, không chỉ như vậy mà còn ảnh hưởng đến cả gia đình. Vì vậy, việc giữ khoảng cách nhất định giữa nam và nữ trước khi kết hôn là một loại bảo vệ cho cả nam nữ và gia đình.
Ngày nay nam nữ tiếp xúc tùy tiện, dẫn đến rất nhiều điều có hại cho tâm sinh lý của cả hai. Đặc biệt là những việc như giải phóng tình dục, tình một đêm, phá thai, v.v. thoạt nghe có vẻ là tự do tốt đẹp, thực chất điều mang đến là sự phá hoại về cả thể chất lẫn tinh thần một cách không thể đo đếm được.
Lễ vật không nặng về giá trị
Thời xưa, sau khi hôn sự đã được định thì nhà trai sẽ gửi lễ vật đến nhà gái, bước này gọi là nạp chinh. “Chinh” có ý nghĩa là thành công, ý tứ là hôn sự đã được quyết định, nhà trai tặng lễ vật cho nhà gái nhưng quà tặng mang ý nghĩa nhiều về mặt tình nghĩa hơn là giá trị. Trong lễ vật có chim nhạn, bởi vì chim nhạn cả đời chỉ có một phối ngẫu nên nó được dùng như ẩn dụ để mong hai vợ chồng sẽ hòa hợp, chung thủy với nhau, nắm tay nhau đi đến cuối đời.
Những lễ vật này, một gia đình bình thường cũng có thể chuẩn bị được. Thời cổ đại, cho dù một gia đình nghèo khó cũng có thể cưới vợ cho con trai được bởi vì lễ vật không trọng giá trị mà trọng tình nghĩa. Chính vì thế, vợ chồng thời xưa cho dù nghèo khó cũng lưu lại rất nhiều những câu chuyện cảm động.
Ngày nay không ít đôi trai gái không thể đến với nhau vì nhà trai cần phải có lễ vật có giá trị mới được nhà gái đồng ý, thậm chí có những hôn sự đã xác định nhưng nhà gái thay đổi yêu cầu lễ vật, khiến cho duyên phận đôi bên chấm dứt. Đám cưới của người xưa tuy có nhiều lễ nghi nhưng lại chú trọng đến tình nghĩa hơn là giá trị. Chỉ khi không muốn từ chối thẳng thừng, thì người xưa mới “thách cưới” một cách quá đáng.
Sự chứng giám của Trời đất, Thần linh, cha mẹ
Phần quan trọng trong hôn nhân thời xưa là bái Trời đất, bái tổ tiên cha mẹ, và hai vợ chồng bái nhau. Người xưa đều có tín ngưỡng, tín ngưỡng Phật gia, tín ngưỡng Đạo gia, tín ngưỡng Trời đất, vì thế họ cầu xin chứng giám cho họ cuộc đời này kết làm vợ chồng. Điều này khiến hôn nhân trở nên vô cùng nghiêm túc và thiêng liêng, đảm bảo sự bền vững của hôn nhân. Việc này cũng không khác là mấy so với hôn lễ trong nhà thờ của phương Tây và quan niệm truyền thống của họ: hôn nhân một khi đã thành, thì việc ly hôn là có tội với Chúa.
Khi đạo đức con người ngày càng bị suy thoái nhanh chóng, ý nghĩa sâu xa của hôn nhân trong văn hóa truyền thống ngày càng bị lãng quên. Xã hội tràn ngập đủ loại cám dỗ ham muốn khiến con người ngày càng hoang mang, không nhận thức được ý nghĩa của hôn nhân rốt cuộc là gì, cũng không nhận thức được trách nhiệm của bản thân và sự nghiêm túc trong hôn nhân.
Lễ nghi đầy đủ, long trọng
Hôn lễ thời cổ đại có một loạt các quy trình và vô cùng chú ý đến nghi lễ. Thông qua nhiều bước và lễ tiết như vậy chính là thể hiện sự coi trọng đối với hôn lễ. Bởi vì hôn lễ là một nam một nữ kết làm vợ chồng, sau khi nam nữ kết thành vợ chồng rồi còn ảnh hưởng đến các quan hệ nhân luân về sau, như quan hệ cha con, quan hệ anh em, quan hệ bạn bè, quan hệ quân thần. Người xưa coi hôn lễ là phần cơ bản nhất trong quan hệ nhân luân cho nên mới coi trọng hôn lễ như vậy.
Nhưng trong xã hội hiện đại, không ít gia đình khi tổ chức hôn lễ đã đơn giản hóa các hình thức này. Thậm chí có những gia đình không tổ chức hôn lễ, chỉ cần nam nữ có giấy chứng nhận kết hôn là được rồi. Ưu điểm của điều này là giản tiện nhưng nó cũng có nhiều nhược điểm, bởi vì hôn nhân như thế quá dễ dàng đạt được nên không được đôi bên coi trọng, dễ dàng ly hôn sau một thời gian chung sống ngắn ngủi. Đến với nhau không ai biết, tách rời nhau chẳng ai hay…
Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Lâm Phương Vũ
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa hôn nhân truyền thống