Nghề cổ đất Việt: Thêu Văn Lâm
- Lê Nguyên
- •
Xưa nay, những tác phẩm thêu thùa luôn gắn liền với hình ảnh người phụ nữ truyền thống. Và trong các làng nghề thêu truyền thống ở Việt Nam, làng thêu Văn Lâm đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng đến nay nghề thêu vẫn được duy trì.
Nằm cạnh khu du lịch Tam Cốc – Bích Động, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, làng Văn Lâm chẳng biết đã có tự bao giờ. Thêu là một nghề chính của người dân nơi đây, và sản phẩm thêu của làng đã xuất hiện trên khắp cả đất nước. Người xưa kể rằng vào thời Trần nhà vua đóng quân ở Văn Lâm và chính hoàng hậu Trần Thị Dung là người đã mở lớp thêu ren đầu tiên và được lưu truyền đến ngày nay. Dẫu rằng nghề thêu Văn Lâm không còn ở vào thời kỳ vàng son nữa, nhưng những người con tâm huyết của làng vẫn luôn miệt mài giữ lấy, và tìm lối đi cho nghề thêu truyền thống.
Ngay từ khi còn bé, những đứa trẻ Văn Lâm đã được tiếp xúc với nghề thêu. Trong khi quấn quýt bên bà, bên mẹ, các em được hướng dẫn làm những việc đơn giản nhất: phụ mẹ rút chỉ, nhìn cách đưa kim… Bởi vì thêu có kỹ thuật đa dạng, lại có thể chia công đoạn từ đơn giản đến phức tạp, từ khó đến dễ, nên nghề đã dần thẩm thấu vào lũ trẻ lúc nào không hay. Và cứ như vậy, truyền thống được tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Thêu cũng có nhiều kỹ thuật. Có thêu nối đầu, thêu đâm sô, thêu bó, v.v.. Thêu nối đầu là thêu nối tiếp mũi chỉ, mũi sau nối vào mũi trước, mỗi mũi chỉ dài ba đến năm li, với những nét uyển chuyển trên hình thì đường thêu phải ngắn hơn, để đường uốn lượn không bị gãy khúc, và vải nền không có khe hở. Thêu đâm sô thì lại giống như tô màu cho tranh bằng nhiều đường thẳng vậy, phủ kín lớp nền, mũi chỉ ngắn dài so le, chen vào nét đường chỉ trước, với sắc độ khác nhau khiến bức thêu thêm sinh động. Còn thêu bó hạt thì tạo ra nét chỉ láng bóng tự nhiên, tạo các đường viền, đường tròn, cánh hoa dài, khi thêu các mũi chỉ phải đều nhau, không lệch răng cưa.
Chỉ với một bức thêu đơn giản, người thợ cũng phải dùng tới mấy chục loại chỉ sắc độ khác nhau và phải tuân thủ tuyệt đối các mẫu màu theo tiêu chuẩn, từ đó mới tạo nên được những bông hoa, những chiếc lá sống động trên nền vải.
Cũng có những kỹ thuật mà người dân Văn Lâm học từ người Pháp, nhưng chúng đều được cải tiến không ngừng và trở thành nét độc đáo riêng có của Văn Lâm. Ví dụ như từ những mẫu thêu rua cơ bản, người dân Văn Lâm đã tạo ra hàng trăm mẫu rua, ứng dụng trên nhiều sản phẩm như khăn bàn, quần áo, dầy dép… Điều đó không phải là giá trị có thể tạo ra trong một sớm một chiều, mà cần rất nhiều tâm huyết sáng tạo của người nghệ nhân.
Sinh ra ở vùng non nước sơn thủy, người thợ mang trong mình sự hài hòa của thiên nhiên với con người. Họ đã truyền vào những bức tranh thêu chính cái cảm xúc đơn sơ, mộc mạc và đầm ấm ấy. Một bức thêu là sự kết tinh của cái khéo léo, tỉ mỉ, tinh tế, cũng như sự trải nghiệm của người nghệ nhân. Tâm hồn của người dân Văn Lâm nằm cả trong đó.
Tranh thêu tay cũng là một phần trong văn hóa truyền thống của người Việt. Nhưng những nghệ nhân đang già đi, và thế hệ trẻ ngày càng ít người đam mê gìn giữ nghề truyền thống. Đây là trăn trở của người dân Văn Lâm, và của những ai yêu mến nghệ thuật thêu truyền thống…
Lê Nguyên tổng hợp
Xem thêm:
Mời xem video: Học con tìm lại chính mình
Từ khóa Nghề cổ đất Việt thêu