Thi nhân xưa và tình yêu đối với mai, lan, trúc, cúc
- An Hòa
- •
Giới văn nhân mặc khách thời xưa đều có thái độ yêu thích đối với bốn loài cây “mai, lan, trúc, cúc”, tượng trưng cho những phẩm chất của người quân tử. Tuy nhiên, mỗi văn nhân lại có niềm yêu thích khác nhau, tình yêu ấy cũng thể hiện ra tính cách và phong cách thơ của họ.
Đọc qua câu thơ: “Thải cúc đông li hạ, du nhiên kiến nam sơn” (hái cúc dưới giàn phía đông, thảnh thơi ngắm nhìn núi nam), người đọc có thể cảm nhận được tình yêu của thi nhân điền viên Đào Uyên Minh đối với hoa cúc. Đào Uyên Minh thiên sinh yêu thích đạo, bản tính tự nhiên, luôn muốn tránh xa cuộc sống trần tục. Ông đặc biệt thích cuộc sống ẩn dật nơi núi rừng, tránh xa những xô bồ, náo nhiệt ở nơi phồn hoa đô thị.
Thơ của Đào Uyên Minh khiến người đọc có thể cảm nhận được một dư vị thanh đạm. Cái “thanh đạm” trong thơ của ông đã thanh đến mức không màu và đạm đến mức không vị. Ông không cấp cho độc giả một cặp kính màu mà là để cho người đọc tự mình nhìn thấy màu sắc thực sự của sự vật và tự mình nhấm nuốt mùi vị thực sự của sự vật.
Còn đọc qua những câu thơ:
Vô ý khổ tranh xuân
Nhất nhâm quần phương đố
Linh lạc thành nê niễn tác trần
Chích hữu hương như cố
người đọc lại có thể biết được thi nhân nổi tiếng thời Nam Tống, Lục Du, yêu thích hoa mai đến nhường nào. Hoa mai không có ý tranh giành mùa xuân với những loài hoa khác, mặc cho hoa thơm cỏ lạ ghen ghét đố kỵ. Khi hoa mai héo tàn rơi rụng thành bùn, tan biến thành bụi, chỉ có hương thơm là vẫn còn nguyên.
Thơ của Lục Du không chỉ ẩn chứa tư tưởng lo nghĩ về đất nước lo nghĩ về nhân dân mà còn là khát vọng cứu dân, khôi phục đất nước. Cho dù thân ở vào nghịch cảnh, Lục Du cũng không từ bỏ khát vọng này. Ông tán thưởng, ca ngợi hoa mai báo mùa xuân: “Tuyết ngược phong thao dũ lẫm nhiên, hoa trung khí tiết tối cao kiên”, mặc cho gió tuyết khắc nghiệt, hoa mai vẫn nở, thể hiện là loài hoa kiên trì nhất. Qua đó, Lục Du cũng dùng hoa mai để khích lệ, cổ vũ mình.
Trong khi đó, tình yêu trúc xanh của thi họa gia nổi tiếng nhà Thanh, Trịnh Bản Kiều, lại được thể hiện qua hai câu thơ: “Thiên ma vạn kích hoàn kiên kính, nhâm nhĩ đông tây nam bắc phong” (dù phải chịu phong ba bão táp vùi dập nhưng vẫn cứng rắn như không có gì lay chuyển).
Trịnh Bản Kiều là thư hoạ gia nổi tiếng đời Thanh, thiên tư thông minh lại đa tài đa nghệ, nhưng con đường công danh lại gập ghềnh không thuận lợi. Ông làm tiến sỹ dưới thời vua Càn Long, là một vị quan thanh chính liêm khiết, không sợ quyền thế, hết lòng vì dân. Trịnh Bản Kiều vì nỗ lực cứu giúp nhân dân trong hoạn nạn mà bị tham quan căm ghét, cuối cùng ông bị vu cáo và cách chức. Lúc ông rời nhiệm sở, dân chúng tranh nhau tới, thắp hương bày rượu đưa tiễn ông đến 10 dặm trường đình. Ông chẳng có xe ngựa và tùy tùng, chỉ thuê 3 con lừa, một con để mình cưỡi, một con chở sách vở và cây đàn, một con cho người nô bộc cưỡi. Đúng là một vị quan “Lưỡng tụ thanh phong”.
Còn nếu nói về niềm yêu thích hoa lan thì tất phải kể tới Lý Bạch, nhà thơ vĩ đại đời Đường: “Vi thảo đáng tác lan, vi mộc đáng tác tùng; u lan hương phiêu viễn, tùng hàn bất cải dung“, nói về cây nhỏ phải kể đến lan, nói về cây gỗ phải kể đến tùng, lan sống nơi u tối hương gió thoảng, tùng giò lạnh vẫn hiên ngang.
Lý Bạch là một nhân vật nổi tiếng, từ nhỏ đã uyên bác và có tài năng văn chương kiệt xuất. Từ năm 24, 25 tuổi, Lý Bạch đã bắt đầu du hành khắp nơi. Ông gần như sống phiêu bạt khắp nơi, bốn biển đều là nhà. Ông đã để lại vô số bài thơ khoáng đạt, hào phóng. Lý Bạch yêu hoa lan giữa muôn vàn loài hoa. Xuyên suốt cuộc đời của Lý Bạch, phẩm cách của ông cũng rất tương đồng với hoa lan. Hoa lan sinh trưởng trong khe núi tăm tối, nơi rừng cây rậm rạp. Nó lớn lên giữa cỏ cây hoang dã, không ở nơi vị trí nổi bật, không tranh với loài khác, nhưng chính trực và ngay thẳng, điều này tương thông với thái độ làm người và xử thế của Lý Bạch. Hoa lan tuy là một loài cây nhỏ nhưng lại mang đến cho người cảm giác về cuộc sống tự nhiên và niềm vui về khứu giác, thị giác bằng hương thơm, màu sắc, dung mạo và vần điệu riêng của mình.
Có thể thấy trong quá trình thưởng thức vẻ đẹp của các loài thảo mộc suốt hàng nghìn năm, các văn nhân đã không ngừng đem phẩm đức ưu tú và quan niệm mỹ học dung nhập vào vẻ đẹp của “tứ quân tử” mai lan trúc cúc. Chúng đã trở thành một trong những biểu tượng quan trọng về phẩm đức ưu tú của con người.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Lý bạch hoa lan Tứ quân tử