“Trị bệnh chưa sinh” là cảnh giới chữa bệnh cao nhất
- Minh Nhật
- •
Sức khỏe là chủ đề mọi người đều coi trọng. Người ta khi đau yếu thì thường rất quan tâm đến cách điều trị bệnh như thế nào: Huyết áp cao phải uống gì? Thoái hóa cột sống phải tập ra sao? Tiểu đường cần kiêng cái gì?… Không chỉ người mắc bệnh mới quan tâm đến việc này, mà cả những người không bệnh cũng tích cực tìm hiểu cách chữa bệnh khi nhìn thấy bạn bè người thân bị mắc. Trong thời đại thông tin ngày nay thì phương pháp trị bệnh nào cũng được viết sẵn trên mạng, “bách bệnh” đều có. Nhưng khi bạn không khỏe, đã mắc bệnh rồi, thì chữa bệnh chỉ là biện pháp bất đắc dĩ mà thôi. Nếu không điều trị, cơ thể sẽ rất khó chịu, đau đớn, nghiêm trọng hơn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Cũng bởi vậy, người xưa giảng rằng cần “trị bệnh chưa sinh”, điều này cũng hàm chứa trí tuệ cao thâm của văn minh cổ đại.
“Hoàng Đế Nội Kinh”, cuốn sách nổi tiếng bậc nhất thời cổ đại do Hoàng Đế tu Đạo để lại, chép rằng: “Bậc thánh nhân không trị bệnh đã phát mà trị bệnh chưa phát, không trị đã loạn mà trị chưa loạn”, lại chép: “Thượng công trị vị bệnh, trung công trị dĩ bệnh”, nghĩa là thầy thuốc cao minh có y thuật cao siêu sẽ trị bệnh chưa sinh, còn thầy thuốc bình thường thì điều trị cho những người đã mắc bệnh.
“Trị bệnh chưa sinh” ở đây có mấy tầng hàm nghĩa. Đầu tiên là hiểu rõ xu hướng phát triển của bệnh, phòng ngừa trước khi bệnh xuất hiện và ngăn chặn bệnh khởi phát. Điều trị bệnh thì càng sớm càng tốt, từ khi có dấu hiệu trở thành bệnh đã cần ngăn ngừa rồi, không để bệnh ngày càng trở nên nghiêm trọng. Ví dụ trong Đông y có đàm luận như sau: Thầy thuốc chẩn đoán bệnh gan, cần đoán được bệnh gan sẽ truyền sang lá lách. Do vậy trong lúc trị bệnh gan thì đồng thời phải bổ tỳ để lá lách chống lại sự xâm nhập của khí xấu tại gan. Đây gọi là “trị bệnh chưa sinh”. Mặc dù thầy thuốc bình thường có thể phát hiện ra bệnh gan, nhưng nếu không hiểu rõ thì chỉ chú trọng chữa gan mà không bổ túc cho lá lách. Khi bệnh lan ra thì tiếp tục phải trị, nên gọi là “trị bệnh đã rồi”.
Trong “Sử Ký. Biển Thước thương công liệt truyện” có ghi chép về Biển Thước như sau:
Biển Thước sang Tề, Tề Hoàn hầu coi ông như khách. Biển Thước vào triều kiến, nói: “Ngài có bệnh ở da, không chữa bệnh sẽ thêm nặng.” Hoàn hầu nói: “Quả nhân không có bệnh.” Biển Thước đi khỏi, Hoàn hầu bảo tả hữu rằng: “Thầy thuốc hám lợi, định lấy người không bệnh ra chữa để kể công.”
Năm ngày sau, Biển Thước lại vào yết kiến, nói: “Ngài có bệnh ở mạch máu, không chữa e càng thêm nặng.” Hoàn hầu nói: “Quả nhân không có bệnh”. Biển Thước ra về, Hoàn hầu không vui…
Năm ngày sau, Biển Thước lại vào gặp, vừa thấy Hoàn hầu liền bỏ chạy. Hoàn hầu sai người hỏi nguyên do, Biển Thước nói: “Bệnh ở da, dùng thuốc chườm còn kịp; vào đến mạch máu, dùng kim châm còn kịp… Nay bệnh đã vào đến xương tủy, thần không xin được chữa nữa.”
Năm ngày sau, Hoàn hầu đổ bệnh, sai người triệu Biển Thước, Biển Thước đã trốn đi. Thế rồi Hoàn hầu liền chết.
Câu chuyện này là minh họa sống động nhất cho việc “trị bệnh chưa sinh”.
“Trị bệnh chưa sinh” còn có một hàm nghĩa nữa là nhắc nhở người ta chú trọng thân thể, không được phóng túng bản thân. Điều này đặc biệt cần chú ý trong cuộc sống hiện đại.Nếu thử nhìn lại hầu hết những người xung quanh, chúng ta sẽ thấy cách họ đối xử với cơ thể như thế nào. Khi có sức khỏe tốt, người hiện đại có xu hướng phóng túng theo sở thích của bản thân, không tập thể dục, không biết tiết chế, thức khuya, uống rượu, làm việc quá sức, ăn uống quá độ, nóng nảy, sinh hoạt thất thường… Khi ai đó nói với họ phải chăm sóc cơ thể thật tốt, họ sẽ nghĩ: “Mình không ốm thì dưỡng sinh để làm gì?”
Dưỡng sinh sơ khai nhất là giữ gìn cơ thể, ăn uống, sinh hoạt bình thường, để cho tinh thần tĩnh lặng, giúp cơ thể thoải mái, khỏe mạnh hơn. Mục tiêu lớn nhất của việc dưỡng sinh cơ bản là làm cho người ta “không dễ mắc bệnh”. Khi mắc bệnh mới nói tới dưỡng sinh thì đã quá muộn, đã vuột mất rồi. Nhưng dẫu muộn, thì biết dưỡng sinh theo cách này vẫn tốt hơn là không biết dưỡng sinh.
Ở cảnh giới cao thâm hơn, khi dưỡng sinh thì cần “dưỡng tâm”. Đông y giảng: “Giận quá hại gan, vui quá hại tim, thương quá hại phổi, nghĩ quá hại tỳ, kinh sợ quá hại thận”. Nhiều người đều biết rằng khi mắc cùng loại bệnh, cùng mức độ, thì sự cảm thụ của bệnh nhân lại khác nhau rất nhiều, “7 phần tinh thần, 3 phần bệnh”. Một số nghiên cứu cũng cho rằng rất nhiều bệnh hiện đại liên quan tới tinh thần và cảm xúc của con người. Thống kê cho thấy 60% bệnh hiện đại thuộc về dạng này. Đơn cử như đau dạ dày trong nhiều trường hợp là biểu hiện của sự bất ổn tâm lý, bồn chồn, hay suy nghĩ.
Vậy thì dưỡng tâm cụ thể là làm gì? Thần y Tôn Tư Mạc viết: “Dưỡng sinh là bồi dưỡng cho mình cái tính thiện. Bản tính đã thiện thì bệnh tật từ trong hay từ ngoài đều không sinh ra; biến loạn và tai họa cũng không có lý do phát sinh; đó chính là đạo lớn của phép dưỡng sinh… Còn như đức hạnh chưa hoàn thiện, thì có uống đủ ‘kim đan diệu dược’, cũng không thể kéo dài tuổi thọ”. Câu nói “Trọng đức còn hơn ăn tiên đan” chính là từ đoạn đàm luận này mà ra. Bản thân Tôn Tư Mạc suốt cả cuộc đời đã kiên trì tu thân và dưỡng đức, nên ông thọ trên 100 tuổi, trăm tuổi vẫn khỏe mạnh sáng suốt, tiếp tục chữa bệnh cứu người, nghiên cứu y thuật và viết sách.
Do đó, khi dưỡng sinh thì phải chú ý dưỡng tâm, tu tâm dưỡng tính, thanh tâm quả dục, lạc quan tích cực, duy trì cảm xúc ổn định… Đây là một điều then chốt vô cùng.
Vào thời cận đại, hoạt động “Trị bệnh chưa sinh” chủ động nhất phải kể tới là các phương pháp tìm kiếm tâm linh kết hợp động tác hoặc thiền định. Đây là biện pháp kết hợp dưỡng tâm và dưỡng thân, khi tập động tác thì đồng thời tinh thần cũng hòa hoãn, cả hai bổ trợ cho nhau. Có rất nhiều môn đã được phổ biến trong xã hội như Thái Cực Quyền, Yoga Ấn Độ, v.v.. Những phương pháp này đều giảng về những điều cao thâm bên trong hoạt động năng lượng của cơ thể con người.
Một số trường phái thiền định cổ xưa cũng được truyền ra ngoài một bộ phận và được thực chứng bởi giới khoa học. Chẳng hạn từng có một nghiên cứu của đại học Harvard trên cơ thể thiền sư Tây Tạng, thấy rằng những người này có thể phát ra các tia năng lượng mà người bình thường không thấy, hoặc có thể làm gia tăng nhiệt độ cơ thể đáng kinh ngạc. Lại có thiền sư tưởng phải cắt chân vì hoại tử, thông qua thiền định mà hoàn toàn hồi phục. Một ví dụ khác, trang web của Hiệp hội Ung Thư Mỹ (ASCO) đã từng đăng tải kết quả một nghiên cứu tiến hành trên 152 bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối với tiên lượng sống chỉ sống được 5,1 tháng nữa. Nhưng sau khi những người này luyện Pháp Luân Công, họ đã sống được 56 tháng tại thời điểm tổng kết số liệu. Có 149 người bệnh vẫn sống. Mặc dù điều này không có nghĩa là các bệnh nhân sẽ không thể chết hay bệnh tình của họ đã được chữa khỏi hoàn toàn, nhưng hiệu quả của các con đường tìm kiếm tâm linh để cải thiện thân thể là rất đáng chú ý. Tất nhiên, những phương pháp này không chú trọng vào việc chữa bệnh, mà cũng không giảng là dùng để chữa bệnh, chỉ có điều trong một số trường hợp, hiệu quả cải thiện sức khỏe đối với người tập luyện là rất rõ ràng.
Thực ra những phương pháp này đều xoay quanh những bí ẩn của cơ thể người, sinh mệnh và vũ trụ. Khoa học có thể biết rằng cơ thể con người được tổ thành từ hàng nghìn tỷ tế bào. Mỗi tế bào đều trải qua một quá trình “sinh lão bệnh tử”, liên tục có tế bào mới sinh ra để tiếp sức và thay thế cho các tế bào đã mệt mỏi già cỗi hoặc tế bào bị tổn thương. Tóc của bạn liên tục mọc mới, trung bình khoảng 0,5 mm mỗi ngày; các thế bào da cần khoảng 2 tuần để thay thế toàn bộ; tế bào gan cần 300-500 ngày để luân phiên thay thế 1 vòng. Trong một số trường hợp, 70% gan bị cắt bỏ có thể phát triển trở lại về kích thước ban đầu sau 2 tháng. Cơ quan chậm tiến nhất có lẽ là tim, mỗi năm thay mới 1%, sau 20-25 năm bạn có một trái tim mới. Tất nhiên mức độ “canh tân” nhanh chậm tùy thuộc vào lứa tuổi, thể trạng, dinh dưỡng. Hẳn bạn đã nghe thấy nói rằng các đầu ngón tay, ngón chân của trẻ em có thể mọc lại như mới nếu chẳng may bị mất đi. Để phản ứng nhanh với những “kẻ lạ” đột nhập vào trong (như vi khuẩn, virus…), cơ thể có thể huy động đến 10.000 bạch cầu chỉ trong 1 giây. Điều đó cho thấy năng lực tự vệ của cơ thể dường như là vô tận, tùy theo mức độ mà bạn hiểu biết về nó và khả năng huy động nó.
Cuộc sống hiện đại đã khiến con người ngày càng xa rời tự nhiên, thêm lệ thuộc vào công nghệ và mất quá nhiều năng lượng cho danh, lợi, tình, tiền, khiến rất nhiều khả năng kỳ diệu vốn có của cơ thể, cũng như năng lực tự chữa lành của tế bào dần bị thui chột. Những phương pháp “trừu tượng” như khí công, thiền định kỳ thực xưa kia rất phổ biến. Thời cổ đại, Nho sinh khi học tập vốn là giảng phải điều tiết hô hấp, khiến tâm tĩnh thì chí mới có thể vươn xa. Đây là bề mặt thì khác nhau nhưng thâm sâu thì cùng một đạo lý. Đến thời hiện đại, những điều thâm sâu bị người ta chụp lên chiếc mũ “mê tín”, rồi những người thầy chân chính cũng không còn, tinh túy cũng mất dần theo thời gian. Tất nhiên, nếu bạn có ý định thử một môn “trừu tượng” nào đó thì hãy “đọc thật kỹ hướng dẫn” để lựa chọn cho bản thân những gì phù hợp nhất. Mỗi một môn đều có nguyên lý, mỗi một môn đều không giảng bản thân là“thuốc chữa bách bệnh”, bởi vì về căn bản mà nói, mục đích của việc tìm kiếm ý nghĩa tâm linh là cao thâm hơn, cao thượng hơn rất nhiều so với mục đích chữa bệnh.
Thay cho lời kết: Khi thấy một vị bác sĩ sống đến ngót 100 tuổi vẫn khỏe mạnh và làm việc hăng say, có người hỏi “Sao ông sống khỏe sống thọ vậy?”, ông trả lời “Không phải tôi sống thọ, mà người ta chết quá sớm”. Kỳ thực nếu có thể thuận theo tự nhiên mà sống, thọ trên 100 tuổi sẽ không phải vấn đề gì to lớn cả.
Minh Nhật biên tập
Tìm hiểu hoặc đăng ký học khí công miễn phí tại đây. |
Xem thêm:
- Bây giờ tôi đã hiểu “tạo hóa sinh ra con người là không có bệnh”
- Phó giáo sư Mỹ viết về khí công và văn hóa tu luyện cổ xưa
Mời xem video:
Từ khóa khí công chữa bệnh tín ngưỡng tâm linh