Trí tuệ cổ nhân: Bậc Liệt nữ nguyện chết vì điều gì?
- Hạnh Nhi
- •
Phụ nữ thời nào cũng có những phép tắc nhất định. Mỗi thời một khác, do hoàn cảnh, do con người, do đạo đức, do thời thế mà những phép tắc ấy sẽ có sự thay đổi theo. Những người được xem là bậc Liệt nữ thời xưa có một điểm chung, đó là họ nhất định gìn giữ phẩm giá dù có phải hy sinh bản thân mình. Đạo đức, lễ nghĩa và khí phách của nàng Việt Cơ khi nguyện chết vì vua Sở trong câu chuyện dưới đây quả thật khiến người đời sau cảm thán.
Sở Chiêu Vương là Vua nước Sở. Trong một lần, Sở Chiêu Vương du ngoạn cùng hai phi tần là Thái Cơ và Việt Cơ, lúc cao hứng đã nói rằng muốn nguyện ý với hai nàng cùng sinh cùng tử, sau khi chết vẫn vui vẻ cùng nhau như vậy. Thái Cơ đồng ý với Sở Chiêu Vương nhưng Việt Cơ lại không đồng ý mà đáp rằng:
“Vua Trang Vương nước thiếp trụy lạc ba năm, không nghĩ đến việc quản lý chính sự quốc gia, cuối cùng cũng có thể sửa chữa, thế là xưng bá thiên hạ. Thiếp cho rằng Đại Vương cũng có thể như vậy. Hiện nay Đại Vương muốn thiếp cùng hưởng lạc mà đồng sinh đồng tử. Thiếp nghe nói dùng cái chết để thể hiện lòng nhân nghĩa, chưa nghe nói tùy tiện hẹn ước chuyện sinh tử, lấy cái chết hồ đồ mà cảm thấy vinh hạnh.”
Sở Vương nghe xong thì rất kính trọng Việt Cơ, nhưng vẫn thân cận với Thái Cơ.
Hai mươi lăm năm sau, Sở Vương trên đường xuất quân đánh Ngô thì bị bệnh, quần thần nói rằng cần có người chết thay, tuy nhiên Sở Vương không đồng ý. Thấy Sở Vương có thể không suy nghĩ đến bản thân, Việt Cơ mới nói:
“Trước đây khi đi du ngoạn thiếp không hứa cùng chết theo Đại Vương. Nay Đại Vương có thể lấy Lễ để đối đãi với người khác, thật đức độ. Xin để thiếp đi thay Đại Vương. Ngày xưa miệng thiếp không nói ra, nhưng lòng thì đã hứa rồi. Thiếp nghe nói, người giữ chữ tín sẽ không thay lòng đổi dạ, người có nghĩa khí sẽ không bày đặt sự việc. Thiếp nguyện chết vì Đại Vương giữ nghĩa khí, không nguyện chết vì Đại Vương ham chơi trụy lạc.”
Nói rồi Việt Cơ tự sát.
Về sau Sở Vương khiến quân Ngô phải rút lui, tuy nhiên không lâu sau thì qua đời. Mặc dù vậy, Thái Cơ lại không thể chết cùng.
Các quan đại thần cùng các vương tử cảm nghĩa của Việt Cơ, bèn phong tỏa tin tức rồi đón con trai của Việt Cơ là Hùng Chương đến lập thành Sở Huệ Vương, sau đó mới thu binh trở về an táng Chiêu Vương.
Lời hứa mặc dù chưa nói ra nhưng trong lòng tự hứa thì cũng coi như đã hứa rồi. Việt Cơ quả là người phụ nữ có khí phách, dũng cảm và gan dạ, sẵn sàng xả thân mình vì nghĩa. Lại có câu: “Có người mẹ ấy mới có người con ấy”, quả đúng là như vậy. Nước Sở dưới thời Huệ Vương tương đối hùng mạnh, bờ cõi cũng được mở rộng rất nhiều.
Hạnh Nhi
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Liệt Nữ Truyện