Cổ nhân cho rằng phàm là khi xử lý mọi việc thì đều phải để lại đường lui cho mình, cần phải biết dừng lại đúng lúc, nếu không nhất định sẽ gặp phải tai họa về sau. Trong lịch sử cũng có nhiều câu chuyện về những trường hợp vì không biết hợp thời thoái lui mà nhận phải họa lớn.

Trí tuệ cổ nhân: Người xảo trá không bằng người thành thật
(Tranh minh họa: Họa sĩ Trần Hồng Thụ thời Minh, Wikipedia, Public Domain)

Trong thiên “Đạo ứng” của cuốn “Hoài Nam Tử” cho rằng:

“Lão Tử nói tích lũy cho đầy không bằng dừng lại đúng lúc. Nhuệ khí nếu quá cường thịnh thì không thể bảo trì được lâu dài. Trong nhà có vàng ngọc chất cao như núi thì cũng không ai giữ nổi. Giàu sang mà thêm kiêu ngạo là tự rước lấy họa. Công thành rồi thì nên lui về, đó là đạo lý phù hợp với quy luật tự nhiên.”

Cuối thời Xuân Thu, Bạch Công Thắng hay còn gọi là Mị Thắng là đại phu của nước Sở, là cháu của Sở Bình Vương, con của Sở Thái tử Hùng Kiến. Năm Huệ Vương thứ 10, Bạch Công Thắng đánh bại quân Ngô, sau đó đã nhân danh dâng tặng chiến lợi phẩm để dẫn binh vào đô thành nước Sở, giết chết đại thần nước Sở là Doãn Tử Tây, Tư Mã Tử Kỳ, Công tử Lư, giam Sở Huệ Vương rồi cướp ngôi. Sự kiện này được lịch sử ghi chép là “Bạch Công chi loạn”.

Sau khi Bạch Công Thắng nắm được triều đình nước Sở thì không chịu đem lương thực trong kho phân phát cho dân chúng, cũng không chịu mộ thêm quân và phân phát vũ khí. 7 ngày sau, Thạch Khất yết kiến Bạch Công Thắng, nói: “Thứ chúng ta hiện giờ đạt được là của bất nghĩa, lại không chịu đem phân phát cho dân chúng, tai họa nhất định sẽ giáng xuống. Nếu không chịu phân phát thì thà rằng dùng lửa đốt đi, đừng để người khác lợi dụng hại chúng ta”. Nhưng Bạch Công Thắng không nghe những lời này.

Đến ngày thứ 9, Diệp Công Tử Cao từ Phương Thành tiến đánh vào đô thành nước Sở, lập tức đem lương thực trong kho và vũ khí phân phát cho dân chúng, dựa vào sức lực người Sở mà tấn công Bạch Công Thắng. Đến ngày thứ 19 thì Bạch Công Thắng đại bại.

Những thứ Bạch Công Thắng chiếm được vốn không phải thứ nên có, nhưng bị lòng tham làm mờ mắt, ông lại khăng khăng muốn chiếm giữ chúng. Ông không thể vì người khác mà suy nghĩ, lại cũng không thể tự bảo vệ chính mình. Cho nên Lão Tử viết: “Tch lũy cho đầy không bằng dừng lại đúng lúc. Nhuệ khí nếu quá cường thịnh thì không thể bảo trì được lâu dài.”

Lão Tử còn khuyên rằng: “Biết mình dũng mãnh mà lại luôn nhu hòa, như thể là yếu đuối, không để lộ tài năng, cam nguyện làm khe nước trong thiên hạ”.

Thời Xuân Thu, Triệu Giản Tử, vị tông chủ thứ 8 của họ Triệu đã lựa chọn con trai thứ là Triệu Vô Tuất làm người kế vị. Gia thần tâm phúc là Đổng Át Vu nói: “Vô Tuất địa vị thấp kém, hiện giờ ngài lại tuyển chọn làm người kế vị là có ý gì?”

Triệu Giản Tử trả lời: “Vô Tuất sau này nhất định có thể nhịn nhục gánh vác trọng trách”.

Triệu Vô Tuất kế vị tông chủ, chính là Triệu Tương Tử.

Về sau, Trí Bá, vị tông chủ thứ sáu của họ Trí, cùng với Triệu Tương Tử uống rượu. Trí Bá trong lúc hứng khởi đã đánh một cái vào đầu Triệu Tương Tử. Thuộc hạ của Triệu Tương Tử đề nghị giết chết Trí Bá nhưng Triệu Tương Tử lại nói: “Lúc tiên vương lập ta làm người kế vị đã nói ta sẽ vì xã tắc mà chịu nhục chứ chưa từng nói ta dễ giết người.” 

Sau này, Trí Bá càng ngày càng mạnh, càng ngày càng không có điểm dừng, sau khi lấn lướt vua Tấn, thì lại muốn một mình nuốt chọn đất đai của các gia tộc lớn khác. Các gia tộc khác đều nhân nhượng, chỉ có Triệu Tương Tử là nói rằng: “Đất đai là của tiền nhân để lại, sao có thể dễ dàng dâng đi.”

Vậy là Trí Bá dẫn binh bao vây Triệu Tương Tử ở Tấn Dương. Nhưng vì thấy được sự tham lam không dừng của Trí Bá, các gia tộc khác phản lại, cuối cùng Trí Bá bỏ mạng.

Triệu Tương Tử chịu nhún mình mà thành công, Trí Bá không có điểm dừng nên bỏ mạng. Có thể nói Triệu Tương Tử chính như Lão Tử viết: “Mặc dù biết thế nào là kiên cường mạnh mẽ nhưng lại có thể thủ vững yếu nhược, cam tâm ở chỗ thấp trong thiên hạ”. 

Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Thái Sơn
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: