Trí tuệ trong nghệ thuật nói chuyện của cổ nhân
- An Hòa
- •
Cổ nhân giảng: “Nước sâu chảy chậm, người tôn quý ăn nói từ tốn”. Trong cuộc sống, nói chuyện chậm rãi một chút, suy nghĩ kỹ trước khi nói thật sự có thể giúp chúng ta tránh được rất nhiều tai họa và sai lầm không đáng có.
1. Việc gấp, nên từ từ nói
Tục ngữ có câu: “Dục tốc bất đạt”, phàm là làm bất cứ việc gì mà có tâm nóng vội thì đều không thành công. Khi gặp việc gấp, nói càng nhanh, càng vội thì lời nói càng loạn, càng dễ khiến người nghe không hiểu hết ý, thậm chí hiểu sai ý cần truyền đạt.
Khi gặp phải một chuyện gấp gáp, nếu chúng ta có thể bình tĩnh suy nghĩ một chút, sau đó từ từ nói rõ ngọn ngành, sẽ khiến cho người nghe cảm thấy ổn định, từ đó tăng độ tin cậy của mọi người đối với chúng ta hơn.
2. Việc nhắc nhở, nói một cách thiện ý
Đối với những lời góp ý, nhắc nhở, phê bình, để người nghe có thể dễ dàng tiếp nhận thì nên nói một cách có thiện ý.
Chúng ta nên dùng những câu nói đùa hài hước, sẽ khiến cho người nghe không cảm thấy bị cứng nhắc, xúc phạm. Làm được như vậy, đối phương không những vui vẻ chấp nhận lời nhắc nhở của chúng ta mà còn tăng thêm thiện chí với chúng ta.
3. Việc không như ý, không nên than thở nhiều
Bất cứ ai khi bị tổn thương trong lòng đều sẽ muốn thổ lộ với người khác để vơi đi phần nào. Nhưng nếu như cứ gặp ai cũng đều nói, đều than thở thì sẽ khiến người nghe phải chịu một áp lực rất lớn. Từ đó, người nghe sẽ rất dễ xa lánh chúng ta. Đồng thời, chúng ta cũng để lại ấn tượng muốn trút đau khổ của mình lên người khác.
4. Việc chưa làm, đừng nói nhiều
Chúng ta không nên nói nhiều hay tùy ý hứa hẹn về một việc gì đó mà chúng ta không chắc có thể làm được. Bởi vì việc chưa làm mà nói nhiều sẽ khiến cho người nghe cảm thấy chúng ta là một người khoa trương, không đáng tin cậy. Ngay cả khi gặp những việc đã làm rồi, khi chia sẻ cũng nên dùng thái độ khiêm tốn, lời nào nên nói lời nào không cũng cần cân nhắc kỹ càng.
5. Việc chưa hiểu rõ, nói một cách cẩn thận
Đối với những việc mà chúng ta chưa nắm rõ, nếu chúng ta tùy tiện nói, người khác có thể cảm thấy chúng ta giả dối, còn nếu chúng ta diễn đạt một cách cẩn thận, người nghe sẽ cảm thấy chúng ta là người đáng tin cậy.
6. Việc chưa xảy ra, không nên nói tùy tiện
Người khiến mọi người không ưa thích nhất chính là người ăn nói hàm hồ. Thế sự vô thường, mọi việc đều có thể thay đổi, huống hồ là việc chưa xảy ra. Một người trưởng thành, có tu dưỡng sẽ không bao giờ tùy tiện phỏng đoán hoặc nói trước về những sự tình chưa xảy ra.
7. Việc làm tổn thương người khác, không nên nói
Cổ nhân giảng: “Nước đổ khó hốt”, ý tứ chính là lời nói ra tựa như bát nước đổ đi không thể lấy lại được. Cho nên, trước khi nói lời nào cần phải suy nghĩ, phải thận trọng, không thể tùy tiện, đặc biệt là những lời nói làm tổn thương đến người khác, đặc biệt là giữa những người thân.
Một người lỗ mãng, đố kỵ, không tôn trọng và không đủ bao dung người khác sẽ thường xuyên nói những lời làm tổn hại đến người khác. Nhưng họ không biết được rằng lời nói làm tổn hại người cuối cùng lại làm tổn hại chính mình. Một người vì tư lợi có thể dùng lời nói làm tổn hại người khác trong nhất thời nhưng nhân cách của người ấy đã bị người khác xem thường rồi.
8. Việc của người khác thì nên cẩn trọng
Giữa con người với con người cần phải có một khoảng cách an toàn, không nên bình luận hay nói ra những chuyện của người khác. Làm thế sẽ mang lại cảm giác an toàn cho những người mà chúng ta giao tiếp.
Con người sống trong thế gian, ai cũng có những điều riêng tư bí mật về chuyện gia đình, chuyện sự nghiệp, tình cảm… Những chuyện riêng tư như vậy thông thường người ta đều hy vọng không bị người khác biết. Cho nên, đối với những việc riêng tư của người khác, chúng ta không nên tùy tiện bình luận, đàm tiếu lung tung.
9. Việc của bản thân, nên lắng nghe người khác nói
Trong cuộc sống, vô luận là học tập, công tác, kết giao bạn bè, hay làm ăn kinh doanh thì “lắng nghe” là một điều vô cùng quan trọng. Xưa nay, lời thật thường khó nghe nhưng lại có lợi cho hành động. Vì vậy, nếu muốn việc của bản thân đạt được kết quả tốt, chúng ta nên nguyện ý lắng nghe người khác góp ý, chỉ dẫn.
Đối với những việc của bản thân, những việc mà bản thân đã làm được, người ta thường có xu hướng muốn nói nhiều, nói chi tiết nhưng kỳ thực nói như thế nào cần phải phù hợp với hoàn cảnh. Trước mặt những người đang thất ý, không nên nói nhiều đến những thành tựu của bản thân. Trước mặt những người đang gặp bất hạnh, không nên nói đến những hạnh phúc mình đang có. Đứng trước những hoàn cảnh ấy, chúng ta nên lắng nghe để chia sẻ thì sẽ tốt hơn và cũng phù hợp hơn.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa khiêm tốn trí tuệ Khoe khoang nghệ thuật nói chuyện