Sự xuất hiện của ChatGPT (Chat Generative Pre-trainingTransformer) vào thời điểm đầu năm 2023 đã thu hút được sự quan tâm chú ý của dư luận trên toàn thế giới. Những người quan tâm tới ChatGPT không chỉ giới hạn trong giới công nghệ hay giáo dục. Nhiều người khác, ở mọi độ tuổi và làm việc ở nhiều lĩnh vực khác như nghệ thuật, văn hóa cũng háo hức thử trò chuyện với ChatGPT. Họ đã kinh ngạc trước khả năng ứng biến trả lời linh hoạt, cung cấp thông tin đa chiều và thậm chí cả khả năng làm thơ trong nháy mắt của công cụ trí tuệ nhân tạo này.

Sự xuất hiện của các công cụ trí tuệ nhân tạo như ChatGPT và sự cải tiến không ngừng của chúng rồi đây sẽ tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội và đặc biệt là giáo dục. Nó đặt ra những thách thức lớn cho các nền giáo dục cũ kĩ, lạc hậu trên thế giới. Giáo dục trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo sẽ thế nào là một câu hỏi lớn.

Trước đó vào năm 2021, giữa thời điểm dịch covid 19 đang bùng nổ và đe dọa sự an toàn của toàn nhân loại, giáo sư Sato Manabu-một chuyên gia hàng đầu về giáo dục của Nhật Bản và thế giới đã xuất bản cuốn sách “Cách mạng công nghiệp 4.0 và tương lai giáo dục”. Cuốn sách này đã được tôi dịch ra tiếng Việt và sẽ được Công ty cổ phần giáo dục và chuyển giao công nghệ liên kết cùng NXB Dân Trí phát hành trong quý I năm 2023. Trong cuốn sách này, giáo sư Sato Manabu đã chỉ ra, phân tích những tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 tới giáo dục, đồng thời đưa ra dự đoán, phác thảo về tương lai của giáo dục trong thế kỉ 21.

Cách mạng 4.0 sẽ làm thay đổi bộ mặt kinh tế và giáo dục

Theo giáo sư Sato Manabu thì cụm từ “cách mạng công nghiệp 4.0” (The Fourth Industrial Revolution. Industry 4.0) được dùng lần đầu tiên trong Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2016 (Hội nghị Davos). Ông cho rằng cụm từ này có ý chỉ “cách mạng công nghiệp được tiến hành nhờ vào những phát minh như AI và Robot, Internet kết nối mọi thứ (IoT. Internet of Things) và dữ liệu lớn, công nghệ nano, công nghệ sinh học, năng lượng tái sinh”... Người ta gọi đây là “cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (4.0) vì trước đó trên thế giới đã diễn ra ba cuộc cách mạng công nghiệp. Cuộc cách mạng công nghiệp lần 1 bắt đầu ở Anh (cuối thể kỉ 18-thế kỉ 19) với sự xuất hiện và phổ cập của máy hơi nước thúc đẩy sự phát triển của ngành dệt may, sắt thép, tạo ra cuộc cách mạng về giao thông.

Cách mạng công nghiệp lần thứ hai diễn ra từ nửa sau thế kỉ 19 tới nửa sau thế kỉ 20 với hệ thống sản xuất lớn của các nhà máy khổng lồ dựa trên năng lượng điện. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 là cách mạng IT từ sau những năm 1980 gắn liền với số hóa và sự phổ cập của máy tính, năng lượng tái sinh.

Giáo sư Sato Manabu cho rằng trên thực tế, cách mạng công nghiệp 4.0 đã thực sự bắt đầu từ năm 2012 tại Đức. Giáo sư Sato Manabu viết: “Ở nhà máy thông minh của công ty Siemens, người ta đã dựa trên dữ liệu lớn để tiến hành giới thiệu và bán cho khách hàng trên internet các sản phẩm thích hợp nhất trong số 300 loại nước hoa và nhà máy sẽ tiến hành sản xuất nước hoa tự động dựa vào đơn đặt hàng của khách. Hiện tại, chúng được giao tới tận nhà và trong vài năm tới có lẽ chúng sẽ được giao bằng drone. Và như vậy thì đó sẽ là quy trình không cần trực tiếp tới lao động của con người từ quảng cáo, bán hàng, chế tạo tới phân phối”.

Theo giáo sư Sato manabu, cách mạng công ghiệp 4.0 sẽ tác động mạnh tới nền kinh tế-xã hội theo cả hai hướng.

Hướng thứ nhất là AI, Robot sẽ thay thế người lao động. Giáo sư dẫn ra một số dự đoán: “…đến năm 2035, 34% lao động tại Anh, 42% lao động tại Mỹ, 49% lao động tại Nhật Bản sẽ bị AI và Robot thay thế. Năm 2035, tức là sau 15 năm nữa, người ta cũng dự đoán rằng do lái xe tự động mà 98% lao động trong ngành vận tải (taxi, xe buýt, vận chuyển bằng xe tải) sẽ thất nghiệp, các cửa hàng sẽ dần không còn người phục vụ và số lượng người lao động trong lĩnh vực tài chính, bác sĩ, luật sư cũng giảm mạnh.”

Hướng thứ hai là cách mạng công nghiệp 4.0 với AI và Robot cũng sẽ tạo ra nhiều việc làm mới. Tuy nhiên, theo giáo sư Sato Manabu thì đây sẽ là những việc làm đòi hỏi nhân lực có năng lực trí tuệ cao. Ông cho rằng “Năm 2035 sẽ có trên 60% lao động làm các công việc mà hiện tại chưa có”.

Giáo sư Sato Manabu cũng chỉ rõ sự xuất hiện của cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi cán cân kinh tế và địa vị của các công ty hàng đầu thế giới đã thể hiện điều đó. Theo ông, thứ hạng của các doanh nghiệp trên thế giới được biểu thị bằng “Thị trường chứng khoán thế giới” (Work Stock Market). Theo đó, thứ tự trên bảng xếp hạng tháng 8 năm 2020 là Apple, Saudi Aramco, Microsoft, Alphabet, Facebook, Alibaba. Ông nhận định “Hầu hết 30 công ty đứng đầu đều là công ty IT. 30 công ty này phân theo quốc gia sẽ bao gồm 21 công ty Mỹ, 4 công ty Trung Quốc, 2 công ty Thụy Sĩ, 1 công ty Ả-rập Xê út, 1 công ty Hàn Quốc, 1 công ty Đài Loan. Trong số 30 công ty hàng đầu không có công ty nào của Nhật Bản, chỉ có Toyota lọt vào 50 công ty hàng đầu (đứng thứ 48)”. Trong khi bảng xếp hạng tương tự năm 1988 cho thấy “trong số 30 công ty hàng đầu thế giới có 21 công ty của Nhật Bản”. Ông rút ra kết luận: “Sự suy sụp của các công ty Nhật Bản là quá rõ ràng. Sự sụp đổ này là do chủng loại ngành nghề của doanh nghiệp dẫn đầu nền kinh tế đã thay đổi. Những doanh nghiệp đứng đầu bảng xếp hạng 32 năm trước đó là các doanh nghiệp tài chính và sản xuất ô tô nhưng hiện nay hầu hết đều là các doanh nghiệp IT”.

Giáo dục trong tương lai sẽ như thế nào?

Trước sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục thế giới hiện đang đứng trước thách thức lớn. Hệ thống trường học hiện nay vốn xuất hiện từ thời cận đại gắn liền với nhu cầu đào tạo hàng loạt nhân công phục vụ nền sản xuất lớn được cơ khí hóa sẽ thay đổi như thế nào để đáp ứng được yêu cầu mới?

Hậu quả của việc giáo dục chậm thay đổi sẽ rất lớn, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Giáo sư Sato phân tích: “Nếu như việc học tập của con người để ứng phó với sự biến đổi này không bắt kịp thì một số lượng lớn nhân sự sẽ bị loại bỏ khỏi xã hội và có nguy cơ trở thành “tầng lớp vô dụng” (useless class). Khi những người bị loại bỏ khỏi thị trường lao động ngày một đông lên thì tiền lương dành cho lao động giản đơn ngày càng thấp. Hơn nữa, thị trường lao động hiện đại đang vượt qua biên giới quốc gia. Những người bị mất việc sẽ bị tước mất cuộc sống với tiêu chuẩn tối thiểu trong tư cách là một con người hoặc là sẽ phải đi tới những nước vẫn còn tồn tại lao động giản đơn để làm việc và phiêu dạt khắp nơi trên thế giới”. Nhìn vào tình hình các nước đang phát triển, trong đó có nước ta, chúng ta sẽ thấy đây không thuần túy là một cảnh báo mà là một sự mô tả hiện thực.

Vậy thì đứng trước nguy cơ đó, giáo dục sẽ phải chuyển biến, cải cách theo hướng nào? Có phải cứ đem máy tính vào trường học, kết nối mạng, thay thế sách giáo khoa truyền thống bằng sách điện tử, máy tính bảng, tiến hành các bài giảng trên màn chiếu, máy tính… sử dụng đa phương tiện là đổi mới giáo dục không?

Không! Trong cuốn sách này, giáo sư Sato đã chỉ trích nghiêm khắc những sai lầm của Nhật Bản trong việc đưa máy tính vào trường học, kết nối mạng, sử dụng sách giáo khoa điện tử chỉ để lấy nó làm công cụ tăng “năng suất” truyền đạt và thay thế giáo viên nhằm giảm chi phí nhân sự. Thú vị hơn nữa là giáo sư Sato Manabu đã dẫn ra một nghiên cứu quốc tế chỉ rõ nếu không dùng đúng cách thì thời gian sử dụng máy tính càng dài, chất lượng học tập của học sinh càng sa sút. Cách sử dụng máy tính, mạng internet và các thiết bị công nghệ trong giáo dục đúng đắn là nó phải được dùng như một công cụ học tập để học sinh tìm kiếm thông tin, tư duy và biểu đạt thay vì dùng chúng như là một công cụ truyền đạt của người thầy.

Giáo sư Sato Manabu cho rằng cách mạng công nghiệp và sự phổ biến của AI, internet đã đặt ra yêu cầu “chúng ta cần phải thay đổi tư duy và cách làm việc từ gốc rễ”, “Các doanh nghiệp từ giờ về sau sẽ là “doanh nghiệp học tập”, người lao động từ giờ về sau là “người lao động tiếp tục học tập”, đại học từ giờ về sau không chỉ là nơi học tiếp của những học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông mà còn là “nơi học tập suốt đời”, và sau đại học từ giờ về sau cũng không chỉ là nơi đào tạo nhà nghiên cứu mà cần phải trở thành “nơi học tập chuyên môn cao” của những người đã trưởng thành”.

Theo ông, việc đổi mới học tập trong thế kỉ 21 do đó sẽ phải gắn chặt với ba từ khóa vô cùng quan trọng “sáng tạo” (creativity), “khám phá” (inquiry), “hợp tác” (collaboration). Đồng thời, với sự xâm nhập của các công ty giáo dục sử dụng công nghệ vào lĩnh vực giáo dục công nhằm “thương mại hóa” giáo dục, biến các học sinh thành khách hàng siêu lợi nhuận, việc đảm bảo “tính công cộng” của giáo dục công, đảm bảo công bằng trong giáo dục cũng là một vấn đề thiết yếu.

Nguyễn Quốc Vương
Bài đã in trong “Đọc sách thú vị hơn em tưởng”, NXB Lao Động, 2023

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Mời liên hệ đặt mua sách

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: