Xưa kia những người đỗ đạt, có công đối với làng hoặc đối với đất nước thì được phong làm Thành Hoàng của các làng, đây là nét văn hóa đẹp của người Việt, thể hiện sự kính trọng những bậc hiền tài có công với Giang Sơn Xã Tắc.

Một ví dụ khá điển hình cho việc lựa chọn thờ Thành Hoàng là ở Đình Lại, xã Vĩnh Hưng, Bình Giang (Hải Dương). Theo văn bia thì đình Lại được xây dựng từ trước năm Khánh Đức 4 (1652). Đình có thờ 3 vị Thành Hoàng của làng, trong đó có 1 người xuất thân trong làng là tiến sĩ Vũ Loan.

Vũ Loan đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ năm 1487, sau được phong là Đông các đại học sĩ. Do có công lao lớn đối với dân nên khi mất được thờ làm Thành Hoàng cùa làng. Đến thời vua Duy Tân nhà Nguyễn ông được sắc phong làm “Đoan túc dực bảo trung hưng Lê triều tiến sĩ hiệu thảo võ phủ quân Loan chi thần”, đến thời vua Khải Định được sắc phong là “Quang ý trung đẳng thần”.

Cũng có những nơi lựa chọn việc thờ cúng các bậc hiền sĩ của đất nước, dù họ không xuất sinh trong làng, ví như ở làng Nghiêm Xá. Làng Nghiêm Xá, xưa có tên nôm là Kẻ Ngườm thuộc tổng Triều Đông, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng (nay thuộc xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín – Hà Nội). Đây là ngôi làng cổ nằm gần sông Nhuệ, lại nằm giữa vùng chiêm trũng nên đời sống người dân khá vất vả. Nhưng làng có truyền thống hiếu học, các cụ khi xưa vẫn động viên con cháu chịu khó đèn sách để được hiển vinh, mang lại tiếng thơm cho làng.

Vài tìm hiểu về việc thờ các vị Thành Hoàng làng
Người dân Nghiêm Xá tổ chức lễ hội truyền thống tôn vinh các bậc tiên hiền, khoa bảng. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Người làng Nghiêm Xá hiếu học, có 7 người đỗ đại khoa, đứng đầu huyện Thường Tín về số lượng tiến sĩ Nho học. Để khuyến khích khoa bảng, dân làng cùng góp sức xây dựng Đình làng vào năm 1677 đời vua Lê Hy Tông, và xin rước hương linh Trạng nguyên Nguyễn Hiền – vị Trạng nguyên nhỏ tuổi nhất – để thờ cúng trong Đình làng.

Sau đó làng còn rước thêm 12 vị tiên hiền tiêu biểu từng đỗ đại khoa trong các kỳ thi khoa bảng, nhiều vị không phải người trong làng nhưng vẫn được xem trọng và thờ phụng, như Hàn lâm viện tham chính Nguyễn Lộc, Đệ nhị Hoàng giáp Ngô Ước, Nhập nội hành khiển Nguyễn tướng công, Hiến sát sứ Ngô Thống, Nhập nội hành khiển Dương tướng công, Đô ngự sử Ngô Hoán, Hàn lâm viện tham chính Nguyễn Hạp, Hiến sát sứ Nguyễn Hữu Tác, Công bộ tả thị lang Bùi Văn Huy, Hàn lâm tham chính Ngô Thầm, Hoàng giáp Nguyễn Trạng.

Đình làng Nghiêm Xá được các nhà khảo cứu chú ý bởi đây là ngôi Đình giữ được khá nguyên vẹn kiến trúc cũ.

Nói về việc lựa chọn Thành Hoàng, đại đa số là lựa chọn phái nam, nhưng không phải là không có phái nữ. Ví như Nghè Nguyệt Viên thuộc xã Từ Minh, tổng Từ Quang, huyện Hoằng Hóa, phủ Hà Trung (nay là làng Nguyệt Viên, xã Hoằng Quang, thành phố Thanh Hóa), thờ nữ Thành Hoàng hiếm hoi là công chúa Mai Hoa, ngoài ra còn có thờ 18 vị tiến sĩ của làng.

Theo chuyện kể, khi vua Lê Thế Tông lên ngôi mới chỉ 7 tuổi, công chúa Mai Hoa là chị gái giữ quyền nhiếp chính. Công chúa là người mộ đạo, lại đức độ có tấm lòng bác ái. Dù thời kỳ này chúa Trịnh nắm quyền, nhưng công chúa là người gần dân, luôn dùng mọi cách để giúp đỡ dân chúng nên rất được ca ngợi, khi mất được phong làm Thành Hoàng.

Nghè được xây dựng vào năm 1593 thời vua Lê Thế Tông, được trùng tu vào năm 1827 thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn, đến thời vua Thành Thái lại được tu sửa tiếp. Ngày nay dù đã được trùng tu, Nghè vẫn giữ được nét kiến trúc cổ xưa.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: Trí tuệ cổ nhân: Có 4 điều cần kính sợ trong đời