Gần đây, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã có bài phát biểu yêu cầu các nhà ngoại giao “điều chỉnh giọng điệu”, “khiêm tốn”, “xem lại chiến lược và nghệ thuật đấu tranh dư luận”, và “nâng cao tính thuyết phục trong diễn ngôn về Trung Quốc”. Có quan điểm cho rằng ông Tập nhận thấy cách tiếp cận đối ngoại hiện nay của ĐCSTQ không hiệu quả, không những không thể nâng cao vị thế của Trung Quốc mà trái lại còn gây bất mãn trên quốc tế. Để thoát khỏi cái mác “ngoại giao sói chiến” (hay còn gọi là “ngoại giao chiến lang“) thì cần thay đổi cách tiếp cận, và như thế tin rằng sẽ có “sói chiến” hung dữ nhất bị lôi ra làm “dê thế tội”.

3 nguoi phat ngon BNG TQ
Từ trái qua: Cảnh Sảng, Hoa Xuân Oánh và Triệu Lập Kiên. (Ảnh ghép)

Ngày 31/5, ông Tập Cận Bình triệu tập cuộc họp Bộ Chính trị ĐCSTQ, tại cuộc họp ông Tập nhấn mạnh phải hiểu sâu sắc tầm quan trọng và sự cần thiết của việc tăng cường và nâng cao công tác truyền thông quốc tế trong tình hình mới, tăng cường xây dựng năng lực quảng bá quốc tế, nâng cao hiệu quả xây dựng những câu chuyện hay về Trung Quốc. Để làm được như vậy cần chú ý nắm bắt giọng điệu “vừa cởi mở, tự tin, nhưng cũng vừa phải khiêm tốn”, làm sao xây dựng cho được hình ảnh Trung Quốc “đáng tin cậy, dễ mến và đáng trọng” để làm tốt hơn nhiệm vụ “kể câu chuyện Trung Quốc”. Nhà văn học cánh tả Trương Duy Vi (Zhang Weiwei) đã được mời trò chuyện tại Bộ Chính trị ĐCSTQ và đưa ra các đề xuất kiến nghị.

Đối tượng mà bài phát biểu của ông Tập nhắm đến là toàn bộ hệ thống tuyên truyền đối ngoại, giới truyền thông nhà nước, Viện Khổng Tử, Bộ Ngoại giao, các Đại sứ trú tại các nước… Đáng kể trong đó là vai trò của Bộ Ngoại giao và các Đại sứ trú tại các nước với những nhân vật đối ngoại chủ chốt như Vương Nghị, Hoa Xuân Oánh, Triệu Lập Kiên… Họ dường như không còn biết thế nào là “hùng biện ngoại giao” nữa.

Ngoại giao sói chiến có đáng sợ?

Những năm gần đây, ĐCSTQ đã làm nổi lên mô thức “ngoại giao sói chiến“, trong đó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh thường có những phát biểu kiểu “sói chiến” rất khiêu khích, làm dấy lên sự phẫn nộ rộng rãi trong cộng đồng quốc tế, thậm chí bà Hoa còn tuyên bố có gì phải ngại mà không “sói chiến”?

Dễ thấy, từ phản công về vấn đề của nước Úc, tranh chấp biên giới Trung-Ấn, hay phản ứng với biện pháp trừng phạt liên quan đến Tân Cương từ EU, phát ngôn của giới ngoại giao ĐCSTQ đều khiến cộng đồng quốc tế cảm thấy họ ngày càng lún sâu vào con đường “ngoại giao sói chiến“.

Ngoại trưởng đương nhiệm của ĐCSTQ Vương Nghị chính là tiêu biểu cho đường lối ngoại giao “sói chiến” của ông Tập. Tại một cuộc họp báo chung cùng Ngoại trưởng Canada vào tháng 6/2016, ông Vương Nghị với tư cách là khách mời nhưng đã không màng các nghi thức ngoại giao để “cướp lời” dành cho Ngoại trưởng Canada và chỉ trích phóng viên rằng “Cô không có tư cách lên tiếng về nhân quyền Trung Quốc, chỉ người Trung Quốc mới đủ thẩm quyền nhất để lên tiếng”. Kiểu phát ngôn không còn chú ý nghi thức ngoại giao của Vương Nghị đã gây kinh ngạc cho cộng đồng quốc tế.

unnamed1
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Ảnh: Cổng thông tin chính phủ TQ – china.org.cn)

Một điển hình khác là Triệu Lập Kiên, người trở thành phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ vào tháng 2/2020. Khi vừa nhậm chức được một tháng, quan chức này đã có tuyên bố về dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán trong tweet “gây kinh động” quốc tế khi nghi vấn rằng virus có thể đã được lính Mỹ đưa vào Vũ Hán – Trung Quốc, thậm chí còn cho biết Mỹ nợ Trung Quốc lời giải thích. Tháng 11 năm ngoái, ông Triệu cũng có tuyên bố đầy chất giang hồ khi cáo buộc “Liên minh Ngũ nhãn” (Five Eyes) đã làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc và phải cẩn thận không sẽ bị chọc mù. Reuters mô tả “ngoại giao diều hâu” kiểu mới như Triệu Lập Kiên đang phá vỡ mô hình ngoại giao xưa nay của ĐCSTQ.

W020210519666347693159
Triệu Lập Kiên (Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc)

Tại Alaska (Mỹ) ngày 17/3/2021, Trung Quốc và Mỹ đã tổ chức cuộc gặp trực tiếp ngoại giao cấp cao đầu tiên sau khi chính quyền Biden nhậm chức. Cuộc họp đó đã bố trí giới hạn thời gian đối với phát biểu, nhưng Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì của ĐCSTQ bất chấp tất cả, đã liên tục nói 15 – 16 phút bằng tiếng Trung công kích Mỹ, không để cho phiên dịch viên làm nhiệm vụ, còn tuyên bố “Đây chỉ là bài kiểm tra cho phiên dịch viên thôi!”

IMG BE219C4599EA 1
Ông Dương Khiết Trì tại cuộc đối thoại với phía Mỹ ngày 18/3/2021. (Ảnh cắt từ video).

Ngày 1/3/2021, quan chức của Đại sứ quán Trung Quốc Lu Shaye tại Pháp đã xúc phạm học giả Antoine Bondaz của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp là “linh cẩu điên cuồng” và “kẻ côn đồ” sau khi Trung Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ông Bondaz và những người khác. Sự việc đã làm xôn xao dư luận và giới chính trị Pháp. Họ chỉ trích quan chức ĐCSTQ đã phát ngôn thô thiển làm xấu hình ảnh của đất nước, họ bất chấp phẩm giá và nghi thức ngoại giao tối thiểu. Sự việc khiến Ngoại trưởng Pháp Le Drian đã phải đặc biệt triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Pháp. Đây cũng là một ví dụ tiêu biểu khác về “ngoại giao sói chiến” của ĐCSTQ.

Khi được triệu tập, ông Lu ban đầu đã lấy cớ là gặp “các vấn đề về lịch trình” để bao biện cho sự chậm trễ trong cuộc chất vấn.

Bộ trưởng châu Âu Clément Beaune nói với đài France Info: “Cả Pháp và châu Âu đều không phải là tấm thảm chùi chân. Khi các vị được triệu tập với tư cách đại sứ, các vị sẽ phải đến bộ ngoại giao.”

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian cũng nhấn mạnh: “Trong quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc, không có chỗ cho những lời lăng mạ và nỗ lực đe dọa các quan chức cũng như các nhà nghiên cứu của nước Cộng hòa [Pháp]. Chúng tôi ủng hộ những người thể hiện quyền tự do ngôn luận và dân chủ. Sẽ luôn luôn là vậy và ở bất cứ đâu.”

Ngày 21/3, Đại sứ ĐCSTQ tại Pháp cũng công bố bài viết đầy chất “sói chiến” biện hộ rằng nếu thực sự có “sói chiến” thì đó là bởi vì có quá nhiều “chó điên” hung dữ, trong đó có cả những “chó điên” mang mác học giả và nhà truyền thông “cắn cuồng” Trung Quốc, thậm chí tuyên bố “thời đại của ngoại giao cừu… đã không còn nữa”.

Ngày 28/3/2021, Tổng lãnh sự Lý Dương (Li Yang) của ĐCSTQ trú tại Rio de Janeiro (Brazil) đã đăng một bức ảnh của ông Trudeau (Thủ tướng Canada) trên Twitter, gọi ông là “chó của Mỹ”, “đứa con hoang đàng” (phá gia chi tử)…, dù bị cộng đồng mạng chỉ trích vì ngôn ngữ thô bỉ, nhưng quan chức này cũng đấu khẩu dữ dội với cư dân mạng.

“Ngoại giao sói chiến” bắt nguồn từ ý chí lãnh đạo cao nhất

Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông đã từ bỏ chiến lược ngoại giao của Đặng Tiểu Bình là “giấu mình chờ thời”, theo đó phong cách ngoại giao của ĐCSTQ dần chuyển sang cứng rắn.

Truyền thông Anh dẫn nguồn tin của người trong cuộc cho rằng các nhà ngoại giao ĐCSTQ đã cố tình trình diễn tư thế “sói chiến” vì trước đó ông Tập Cận Bình đã ra chỉ thị về chính sách đối ngoại yêu cầu các nhà ngoại giao phải có “tinh thần chiến đấu”. Theo đó đã có hơn 60 nhà ngoại giao và phái đoàn ngoại giao Trung Quốc đã lập tài khoản trên mạng xã hội để chống lại những chỉ trích từ bên ngoài đối với ĐCSTQ.

Trước thực trạng, nội bộ ĐCSTQ đã có hơn chục quan chức chính phủ đương nhiệm và cựu quan chức cùng học giả (giấu tên) chỉ ra rằng “ngoại giao chiến tranh sói” là hình ảnh thu nhỏ của nền chính trị Tập Cận Bình, chính thái độ ngoại giao đó đã gây những va chạm nguy hiểm giữa Trung Quốc với Mỹ và các cường quốc khác, làm trầm trọng thêm thế đối đầu giữa ĐCSTQ và cộng đồng quốc tế.

Ai sẽ thành “dê thế tội” đầu tiên?

Những câu thô tục của các nhà ngoại giao ĐCSTQ thường khiến cộng đồng quốc tế chết lặng, không những bị cộng đồng quốc tế khinh thường mà còn bị quy kết là trọc phú. Cứ như vậy dù Tập Cận Bình có quăng ra bao nhiêu tiền cũng không ích gì.

Việc quan chức ngoại giao ĐCSTQ thường xuyên dàn dựng kiểu trình diễn “sói chiến” được giới quan sát cho là vì tương lai chính trị của họ, mục đích gây chú ý đối với chính quyền trung ương, vì như vậy dễ được thăng chức và tán thưởng.

Nhưng qua bài phát biểu gần đây của ông Tập Cận Bình cho thấy có lẽ hệ thống đối ngoại của ĐCSTQ đã hăng hái thái quá.

Triệu Lập Kiên, người muốn chọc mù mắt Liên minh Ngũ nhãn, giờ đây cũng bắt đầu thay đổi. Trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ vào ngày 9/4 năm nay, ngôn ngữ của phát ngôn viên Triệu Lập Kiên đã nhẹ nhàng hơn trước đáng kể, dường như ông ta đã mất đi tư thế hung hãn “sói chiến” trong quá khứ. Ông Triệu cho biết Mỹ vì duy trì vị thế độc quyền và bá chủ công nghệ mà kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc, Trung Quốc không chấp nhận kiểu đàn áp doanh nghiệp công nghệ cao Trung Quốc. Ông Triệu cũng cho biết ĐCSTQ “sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết” để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Có thể thấy đó là phát biểu khá nghiêm túc, mềm mại. Loại từ ngữ và giọng điệu này không giống với phong cách “sói chiến” trước đây. Động thái đã làm dấy lên nghi ngờ từ thế giới bên ngoài: Có phải Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đã được chỉ thị phải thay đổi phong cách vì chính sách “ngoại giao sói chiến” không hiệu quả, khiến thế giới cảm thấy chán ghét Trung Quốc hơn?

Có phân tích cho rằng nếu ngoại giao “sói chiến” thay đổi thì ông Tập sẽ phải biến “sói” thành “cừu”. Trong kế hoạch này, nếu không kéo được “con sói chiến” hung dữ nhất ra để hy sinh thì thế cờ sẽ không thể lật ngược, nhưng câu hỏi mà ông Tập phải đối mặt là làm sao tìm được người giống như Lý Hồng Chương thời nhà Thanh để vừa gánh được nỗi nhục nhưng lại được cộng đồng quốc tế tôn trọng? Trong số những “ứng viên sói chiến” kia, ai sẽ là “vật tế thần” đầu tiên?

Tô Văn Dần, Vision Times
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả.)

Xem thêm: