Có tin được Kim Jong Un hay không?
- Mạnh Kim
- •
Sáng sớm thứ tư 16-5-2018, Bắc Triều Tiên lại bất ngờ tuyên bố Bình Nhưỡng có thể không gặp Donald Trump ngày 12-6 tại Singapore theo kế hoạch. Một lần nữa, Kim Jong-un lại giở quẻ. Với giới quan sát quốc tế, Bắc Triều Tiên luôn là một địa chỉ ngoại giao không đáng tin cậy. Lịch sử đối ngoại Bình Nhưỡng là lịch sử những cuộc trở mặt và bất tín, là lịch sử của những lần thả ra rồi bắt lại con chim hòa bình…
“Biên niên” những lời “hứa cuội”
Ngay sau cuộc gặp lịch sử giữa Kim Jong-un với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 27-4-2018 tại Bàn Môn Điếm, nhiều nhà bình luận đã bày tỏ nghi ngờ. “Có bao nhiêu tấm hình ông ấy (Kim Jong-un) đứng cạnh một cơ sở hạt nhân chứng kiến vụ thử hỏa tiễn với gương mặt mỉm cười mãn nguyện?” – phát biểu của Catherine Dill, trợ lý nghiên cứu cấp cao của Trung tâm James Martin chuyên về giải trừ vũ khí thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury. “Khả năng Bắc Triều Tiên giải giáp kho hỏa tiễn đạn đạo và hạt nhân vẫn mờ nhạt như trước giờ” – nhận xét thêm Miha Hribenik, phân tích gia châu Á của tổ chức nghiên cứu rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft. “Tôi nghĩ chúng ta cần lưu ý rằng đã có nhiều thỏa ước trong quá khứ mà đến nay vẫn chưa thực hiện thành công” – ý kiến của David Maxwell, cựu đại tá Lực lượng biệt kích Mỹ và là thành viên Viện nghiên cứu Hoa Kỳ-Triều Tiên. Sự hoài nghi không chỉ dành cho cá nhân Kim Jong-un nói riêng mà với Bình Nhưỡng nói chung.
Trong thực tế, Bình Nhưỡng từng đồng ý “kiến tạo hòa bình” và “từng bước tiến đến việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, không phải một lần! Tháng 1-1992, theo qui định Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), Bình Nhưỡng ký thỏa ước với Cơ quan nguyên tử năng quốc tế (IAEA), qua đó thanh sát viên IAEA được phép vào CHDCND Triều Tiên để kiểm tra hoạt động các nhà máy hạt nhân. Tuy nhiên, đầu năm 1993, Bắc Triều Tiên dọa rút khỏi NPT. Năm 1994, cựu Tổng thống Jimmy Carter, thay mặt Tổng thống Bill Clinton, đến Bình Nhưỡng. Kết quả, Kim Jong-il hứa ngưng tất cả chương trình sản xuất hạt nhân. Hiệp định khung được ký ngày 21-10-1994; theo đó, Bắc Triều Tiên ngưng sản xuất plutonium, đổi lại, họ được giảm sức ép cấm vận kinh tế cũng như được Mỹ giúp xây dựng hai nhà máy hạt nhân nước nhẹ để sản xuất điện sinh hoạt.
Tuy nhiên, vài năm sau, Bình Nhưỡng tái hoạt động chương trình làm giàu uranium với kỹ thuật ly tâm mua từ khoa học gia A. Q. Khan (Pakistan). Từ thời điểm này trở đi, cuộc khủng hoảng hạt nhân bán đảo Triều Tiên tăng dần. Năm 2002, chỉ hai năm sau chuyến kinh lý Bình Nhưỡng như một phần trong chính sách Ánh Dương giúp đem lại Nobel Hòa bình cho Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung, Bình Nhưỡng lại giở quẻ. Họ tháo dấu niêm phong IAEA tại Yongbyon; tắt tất cả máy quay giám sát trong Yongbyon đồng thời đuổi thanh sát viên IAEA ra khỏi nước. Ngày 10-1-2003, Bình Nhưỡng chính thức rút khỏi NPT và tái khởi động lò phản ứng 20 MWe tại Yongbyon.
“Hòa bình trong tầm tay”!
Thế rồi, năm 2007, “hòa bình” lại “trong tầm tay”, ở “cự ly” gần hơn bao giờ hết. Trở về sau chuyến công du Bình Nhưỡng, ngày 14-3-2007, Tổng giám đốc IAEA, Mohamed ElBaradei, cho biết CHDCND Triều Tiên đã “tái cam kết” đóng cửa lò phản ứng hạt nhân chính, với điều kiện Washington hứa hủy lệnh trừng phạt tài chính. Trước đó một tháng, trong cuộc đàm phán sáu bên tại Bắc Kinh ngày 13-2-2007, Bình Nhưỡng đã hứa đóng cửa lò phản ứng 5 megawatt tại khu phức hợp hạt nhân Yongbyon; đổi lại, Bình Nhưỡng sẽ được cung cấp thêm 950.000 tấn nguyên liệu nước nặng trong tổng cộng 1 triệu tấn (mức này chỉ bằng ½ yêu cầu Bình Nhưỡng).
Bình Nhưỡng cũng hứa mở cửa cho thanh tra IAEA trở lại nước mình. Và theo thỏa thuận đạt được ngày 13-2, các nhà đàm phán sẽ tiếp tục làm việc để bàn nhiều vấn đề trọng yếu, chẳng hạn bình thường hóa quan hệ với Mỹ và Nhật. Ngoài ra, Hàn Quốc sẽ chủ tọa một diễn đàn về nhu cầu năng lượng cho CHDCND Triều Tiên (trong đó có yêu cầu 2 triệu megawatt điện năng). Đó là chưa kể cuộc hội thảo quốc tế với nội dung liên quan một hiệp ước hòa bình vĩnh viễn, thay thế hiệp ước ký vào tháng 7-1953 tại Bàn Môn Điếm vào thời điểm kết thúc cuộc chiến huynh đệ tương tàn Nam-Bắc Triều Tiên. Trước “viễn cảnh sáng sủa” này, một số ý kiến đã nhận định lạc quan. “Điều họ (Bình Nhưỡng) muốn bây giờ là bình thường hóa quan hệ với Mỹ và khả năng phát triển một quan hệ chiến lược với Mỹ” – phát biểu của John Lewis (giáo sư Đại học Stanford), người tham dự cuộc họp mật với phái đoàn CHDCND Triều Tiên tại một khách sạn ở Saratoga (Nam San Francisco). Cuộc gặp trên, gồm 9 học giả Mỹ, diễn ra ngày 1-3-2007.
Tháng 8-2007, “hòa bình” không chỉ “trong tầm tay”. Nó có vẻ sắp được “hiện thực hóa”. Ngày 8-8-2007, thông tin chính thức từ Bình Nhưỡng lẫn Seoul xác nhận sẽ có cuộc họp thượng đỉnh giữa nguyên thủ hai nước CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc tại Bình Nhưỡng vào tháng 10-2007. Cuộc gặp “sẽ mang lại yếu tố cơ bản cho việc thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên” – cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Baek Jong-chun nói – “Mở ra một giai đoạn mới cho hòa bình, cùng hợp tác và thịnh vượng cũng như hòa hợp dân tộc”.
Đó là lần thứ hai trong 54 năm, Bình Nhưỡng và Seoul lại gặp nhau trong một cuộc đàm phán cấp nguyên thủ. Nền tảng cho cuộc gặp lần này được thiết kế mở rộng từ cuộc gặp lần thứ nhất từ ngày 13 đến 15-6-2000 giữa Kim Dae-jung và Kim Jong-il. Lần đó, hai bên đã “thống nhất” một số vấn đề: 1/ Hai miền Nam-Bắc Triều Tiên đồng ý giải quyết vấn đề hòa hợp dân tộc một cách độc lập và thông qua các hoạt động liên kết giữa công dân hai nước; 2/ Hai bên đồng ý giải quyết các vấn đề nhân đạo chẳng hạn những cuộc thăm viếng gia đình qua lại vào dịp Ngày giải phóng quốc gia 15-8; 3/ Hai bên tin cậy nhau bằng thể hiện ở hợp tác kinh tế và trao đổi nhiều mặt trong đó có thể thao, y tế, môi trường, văn hóa…
Ngày 14-11-2007, cuộc gặp cấp thủ tướng được tổ chức. Trước khi bắt đầu cuộc gặp người đồng nhiệm CHDCND Triều Tiên Kim Yong-il, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo cho biết loạt dự án hợp tác sẽ được thực hiện. “Hai miền Nam Bắc Triều Tiên sẽ phát triển thành một cộng đồng kinh tế với sự hợp tác kinh tế ngày càng được mở rộng” – Thủ tướng Han nói (đây là cuộc gặp cấp thủ tướng giữa hai nước lần đầu tiên sau 15 năm, kể từ 1992). Phần mình, Thủ tướng Kim Yong-il cho biết, hai bên nên xây dựng niềm tin sau những gì cam kết từ cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Kim Jong-il và Tổng thống Roh Moo-hyun vào tháng 10-2007. Nghị sự đàm phán lần này, kết thúc ngày 16-11-2007, còn tập trung vào vấn đề thiết lập khu vực khai thác biển quanh vùng biên giới phía Tây từng gây tranh cãi; và hình thành khu vực kinh tế chung tại bờ biển Tây Nam CHDCND Triều Tiên. Hai bên cũng chia sẻ ý tưởng cùng nhanh chóng thành lập tuyến dịch vụ đường sắt hàng hóa thường kỳ xuyên biên giới cũng như lập các xưởng đóng tàu liên kết tại CHDCND Triều Tiên. Về vấn đề nhân đạo, hai bên thảo luận việc mở rộng chương trình hòa hợp dân tộc…
Giới phân tích chính trị, một lần nữa, lại bị “hố”. Trước sự kiện hai nguyên thủ Roh Moo-hyun và Kim Jong-il gặp nhau ngày 3-10-2007, giáo sư Koh Yu-hwan thuộc Đại học Dongguk bình luận rằng đó là nền tảng để chấm dứt chiến tranh lạnh và thiết lập một thể chế hòa bình. “Họ bàn về sự trao đổi và hợp tác trong ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử, khoa học và kỹ thuật mà trước đây chưa bao giờ được nhắc đến” – Koh Yu-hwan nói. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, vào trước thời điểm Tổng thống George W. Bush rời Nhà trắng, vấn đề đàm phán hạt nhân với Bình Nhưỡng lại rơi vào ngõ cụt. Và vài tháng sau khi Barack Obama nhậm chức tổng thống, tháng 5-2009, Kim Jong-il đã phát đi một “điện tín chúc mừng” đến tổng thống tân cử Hoa Kỳ bằng vụ thử vũ khí hạt nhân lần hai (thành công hơn lần đầu – năm 2006). Tháng 11-2010, Bình Nhưỡng còn giải tỏa nỗi khúc mắc chưa tường của CIA về “sức mạnh hạt nhân” của họ bằng việc mời nhà khoa học Mỹ Siegfried Hecker (Đại học Stanford) đến thăm một nhà máy làm giàu uranium mà họ đã xây trong nhiều năm.
Trước khi Kim Jong-il chết (17-12-2011), gần như không ai còn thiết nhắc đến việc “nói chuyện phải quấy” với Bình Nhưỡng. Dù vậy, Mỹ vẫn nỗ lực kiềm tỏa Bình Nhưỡng bằng các “giải pháp mềm”, trong đó có đề nghị viện trợ 240.000 tấn thực phẩm (chủ yếu là bánh qui giàu protein và vitamin; chứ không phải gạo), đổi lại, Bình Nhưỡng phải ngưng chương trình làm giàu uranium và cho phép thanh sát viên quốc tế trở lại Yongbyon để giám sát hoạt động hạt nhân nước này. Lời đề nghị này là kết quả của vài cuộc gặp giữa đại diện Mỹ và Bắc Triều Tiên (tháng 7-2011, tại New York; và tháng 11-2011 tại Geneva). Tuy nhiên, kết quả là không… có kết quả cụ thể nào.
Kim Jong-un lại sẽ “phỉnh” thế giới?
Theo vài ý kiến, Kim Jong-un dường như bắt đầu mệt mỏi với những tham vọng hạt nhân. Ngày 21-4-2018, lần đầu tiên, Kim Jong-un nói đến việc từ bỏ chính sách “byungjin” (“phát triển song song” – vừa xây dựng kho hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ, vừa tái thiết kinh tế). Cần nhấn mạnh, “byungjin” là “lý thuyết” cốt lõi của chiến dịch tuyên truyền thời Kim Jong-un. Khác với chính sách “quân đội là trên hết” vào thời ông nội và cha mình, Kim Jong-un nhấn mạnh đến xây dựng kinh tế lẫn củng cố quốc phòng. Năm 2012, trong diễn văn đầu tiên với tư cách nguyên thủ, Kim Jong-un nói rằng mình sẽ “không để đồng bào thắt lưng buộc bụng nữa”. Năm 2013, đảng Công Nhân tung ra chính sách “byungjin”, mang nội dung rằng, phát triển kinh tế chỉ có thể có được khi quốc gia an toàn. Trong diễn văn tại Đại hội Đảng năm 2016, Kim Jong-un nói rằng “byungjin” không phải là bước đi tạm thời mà là chiến lược lâu dài. Điều đó có nghĩa việc xây dựng an ninh quốc phòng bằng vũ khí hạt nhân là chiến lược lâu dài.
Thế thì lý do gì Kim Jong-un từ bỏ “byungjin” để qua Bàn Môn Điếm ôm Moon Jae-in rồi có thể sẽ bắt tay Donald Trump? Dĩ nhiên người ta có thể hiểu rằng, để có những cái bắt tay trước ống kính, đã có những cái bắt tay bí mật trong hậu trường (trước khi gặp Moon Jae-in, Kim Jong-un qua Trung Quốc gặp Tập Cận Bình và đồng thời gặp giám đốc CIA Mike Pompeo – người hiện là ngoại trưởng). Ở các cuộc hội đàm “hòa bình trong tầm tay” trước, Bình Nhưỡng cũng đã có những cuộc gặp mật với Mỹ lẫn các đối tác liên quan. Rồi sau đó, họ vẫn sẵn sàng vất đi các cam kết thề thốt ngọt ngào!
Mạnh Kim/Triviet.news
Xem thêm:
Từ khóa Kim Jong Un hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều thượng đỉnh Trump-Kim