Số phận của 50.000 người lao động qua Bungari sẽ ra sao?
- Lưu Trọng Văn
- •
Khi đi thăm Bungari mới đây, gã đã chứng kiến các trung tâm công nghiệp của Bungari nơi xưa kia có cả chục ngàn người lao động Việt Nam làm việc, trở thành đống hoang phế thảm hại sau khi quốc gia này vào EU.
Lý do: công nghệ và mô hình sản xuất lạc hậu.
Nguyễn Hữu Thao – một người bám trụ tại Bungari 30 năm nay dẫn gã xem các thị trấn, làng quê không bóng người. Năm 1985, dân số Bungari là 9 triệu, hiện nay còn 7 triệu. Hai triệu người đa số là tinh hoa và tay nghề cao đã bỏ sang các nước EU tiên tiến kiếm sống.
Lý Khắc Cường – Thủ tướng Trung Quốc đã chớp cơ hội khi mới đây thăm Bungari 4 ngày sẽ cho Bungari vay 4 tỷ USD và các ông chủ Trung Quốc sẽ đổ bộ tới mắt xích EU này để đầu tư nhà máy, trang trại.
EU và cả những người yêu nước Bungari đã cảnh báo theo sau làn sóng đầu tư sẽ là làn sóng người lao động Trung Quốc nhập cư vì người Bungari sẽ không chấp nhận làm việc với đồng lương rẻ mạt.
Có lẽ trước cảnh báo này mới có khoảng trống nào đó về nhân lực cho người lao động Việt Nam mà ngài Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa ký kết đưa 50.000 lao động tới Bungari và ầm ĩ như một thành công lớn.
Nếu dự đoán này của gã là sự thật thì khả năng không ít trong 50.000 người lao động Việt Nam sẽ làm thuê cho các ông chủ Trung Quốc. Các nước châu Phi, Nam Mỹ đã quá biết xưa nay họ cư xử với người lao động như thế nào rồi.
Điều gì sẽ xảy ra? Liệu ngài Đào Ngọc Dung đã tính toán được hay đây sẽ là một cuộc “đem con bỏ chợ” mà gánh chịu hậu quả khi gia đình của 50.000 người lao động đa số là dân nghèo vay nợ để ra đi mong đổi đời?
Nguyễn Hữu Thao trên facebook của mình đã đưa ra một loạt vấn đề yêu cầu ngài Đào Ngọc Dung phải nhất thiết quan tâm:
– Tránh tình trạng ký kết hợp đồng quá rẻ mạt, trong khi các công ty môi giới dịch vụ lao động thu lệ phí quá cao.
– Buộc các Công ty phải ký kết với Bộ, phải chịu trách nhiệm trước luật pháp Việt Nam là họ phải chịu trách nhiệm với người lao động từ khi ký hợp đồng đi, đến khi hết hợp đồng về nước!
– Tránh tình trạng người lao động phải nhận mức lương quá thấp so với công sức mình bỏ ra, sẽ bỏ việc hoặc có những việc làm không tốt, gây ảnh hương xấu đến sự nghiệp hợp tác lao động mở lại giữa Bulgaria cũng như các nước EU.
Gã rất ủng hộ các đề nghị này của anh Thao. Và gã xin đưa ra các sự thật mà chính anh Thao đã điều tra để ngài Đào Ngọc Dung suy ngẫm rút ra bài học cho việc đưa ồ ạt 50.000 lao động qua Bungari.
“Trong mấy năm trở lại đây đã có một số công ty ở Việt Nam ký kết với các công ty Bungari đưa lao động sang mà tôi biết đã không thành công!
Đó là đội thợ hàn sang làm việc tại nhà máy đóng tàu thành phố Russe thực tế đã “đưa con bỏ chợ”. Hai cán bộ đưa công nhân sang giao cho nhà máy rồi về, từ đó công ty cắt mọi liên hệ không giúp đỡ, bỏ mặc người lao động với ông chủ nhà máy.
Nhà máy cắt giảm các khoản tiền này khác, chậm lương… người lao động không làm gì được, cuối cùng phải ra về, may mà họ còn cho vé máy bay về Việt Nam!
Rồi một đội lao động nữ sang làm cho công ty bò sữa ở Montana cũng vậy, ký sang làm việc hưởng lương 500 leva (250€ – 7 triệu tiền VN). Sau một thời gian ngắn, chị em không chịu được đã bỏ công ty, số thì về Việt Nam, số thì lấy chồng ở lại bên này…
Một nhóm công nhân 14 người sang làm việc tại nhà máy sản xuất đồ dân dụng “ELIMEX LTD” tại thành phố Troyan ngày 5/12/2018. May nhờ anh bạn sống gần thành phố nơi người lao động Việt Nam mới sang gọi điện nhờ mua giúp cho họ mấy cái nồi cơm điện, tôi đã liên hệ với anh em công nhân, thì biết được họ lại là người xứ Nghệ quê tôi.
Sau Noel tôi đã đến thăm họ, mới biết ngọn nguồn sự thật, tôi đã gần như bị sốc vì quá bất ngờ, không thể tin được khi biết số tiền họ phải đóng nộp bỏ ra để đi sang đây và sự thờ ơ vô trách nhiệm của công ty làm dịch vụ“.
Những người công nhân đã ký với “Công ty Cổ phần Xây dựng và Cung ứng lao động quốc tế – NIBELC” (Tầng 4, toà nhà Rainbow Lô B – CQ1, khu đô thị phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP Hà Nội). Tổng giám đốc là ông Phạm Thành Lâm.
Theo hợp đồng lao động, người lao động đi sang làm việc tại nhà máy “ELIMEX LTD” Troyan Bulgaria. Thời hạn hợp đồng 2 năm. Thu nhập 560 USD/tháng.
Chi phí người lao động đã trực tiếp đóng nộp cho công ty “NIBELC” gồm Phí dịch vụ đưa đi làm việc tại Bul: 5.000 USD; Phí đào tạo nghề: 130 USD (3 triệu đồng); Phí sân bay: 30 USD (700 ngàn đồng)
Thực tế sang Bungari, nhà máy chỉ ký hợp đồng lao động 1 năm. Mức lương thực tế 450 USD. Chi tiêu ăn ở một tháng tằn tiện hết 300 USD.
Nguyễn Hữu Thao trước tìm hiểu của mình đã lên án công ty NIBELC như sau:
“Các ông đã làm sai (tôi chưa nói là lừa) khi các ông bảo người lao động ký hợp đồng lao động 2 năm với các ông, sang Bungari chỉ được ký 1 năm!
Những ngày đầu người lao động đến Bungari các ông không cho ai người biết tiếng Việt – Bungari đến giúp đỡ họ.
Các ông nghĩ gì khi người lao động đã ký bản hợp đồng lao động với ông chủ nhà máy bên này?
Nhưng cái quan trọng nhất, các ông tính lại giúp đi, với số tiền (5.160 USD) họ đã đưa cho các ông, mà với mức lương các ông bắt họ ký ở Việt Nam và bên này (560 USD/tháng trừ 20% phí bảo hiểm còn 450 USD) họ sẽ sống, tích lũy đến khi nào đủ trang trải chi phí đã nộp? Chưa tính giá trị sức lao động bỏ ra, phải sống xa gia đình vợ con?“.
Gã đề nghị hai tờ báo Lao Động và Người Lao Động luôn đi đầu trong việc bảo vệ người lao động quan tâm tới những vấn đề mà Nguyễn Hữu Thao và gã đề cập để tránh cho 50.000 người lao động qua Bungari trong tương lai những thảm cảnh trên.
Theo Facebook Nhà thơ Lưu Trọng Văn
Xem thêm:
Từ khóa xuất khẩu lao động lao động nhập cư Việt Nam Bungari