Tủ lạnh giúp bảo quản thực phẩm tươi lâu hơn, nhưng không thể ngăn chặn hoàn toàn sự phát triển của vi khuẩn. Trên thực tế, bên trong tủ lạnh có thể ẩn chứa những “quả lựu đạn vô hình”, là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Vậy trong tủ lạnh thường có những loại vi khuẩn nào? 

thuc pham
Đừng bảo quản lâu ba loại thực phẩm này trong tủ lạnh vì chúng tiềm ẩn “bom vô hình”. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Những loại vi khuẩn nguy hiểm có thể tồn tại trong tủ lạnh

Vi khuẩn Listeria

Loại vi khuẩn này có thể tồn tại ở môi trường nhiệt độ thấp 5°C và phát triển chậm. Ngay cả khi bị đông lạnh ở -20°C, chúng vẫn có thể sống sót đến một năm, vì thế chúng được mệnh danh là “sát thủ trong tủ lạnh”. Listeria thường có trong thịt và sữa, khi nhiễm phải, người bệnh có thể bị tiêu chảy, viêm màng não, nhiễm trùng huyết hoặc các tổn thương có mủ nghiêm trọng.

Vi khuẩn Salmonella

Loại vi khuẩn này thường sinh sôi trong trứng gà và thịt, có thể sống sót trong môi trường nhiệt độ thấp của tủ lạnh từ 3 đến 4 tháng. Khi nhiễm phải, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như đau đầu, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy. Trong trường hợp nghiêm trọng, Salmonella có thể gây thương hàn hoặc nhiễm trùng huyết.

Vi khuẩn Shigella

Loại vi khuẩn này thường phát triển trên rau củ và trái cây. Chúng có khả năng chịu lạnh tốt và là một trong những tác nhân phổ biến gây nhiễm khuẩn đường ruột. Khi nhiễm phải, người bệnh có thể bị sốt, đau bụng, tiêu chảy, và trong trường hợp nghiêm trọng, có thể dẫn đến bệnh lỵ trực khuẩn.

Vi khuẩn Yersinia

Thường tồn tại trong thịt lợn sống và có khả năng sinh sôi mạnh ở môi trường nhiệt độ thấp. Khi nhiễm vi khuẩn này, người bệnh có thể bị viêm dạ dày ruột cấp tính, viêm ruột non, viêm ruột thừa, và trong trường hợp nặng, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, đe dọa tính mạng.

Trong sinh hoạt hằng ngày, để hạn chế tối đa sự sinh sôi của vi khuẩn, cần thường xuyên vệ sinh tủ lạnh và tránh bảo quản thực phẩm quá lâu. Khi bảo quản thực phẩm trong ngăn đông hoặc ngăn mát, nên phân loại riêng biệt, đặc biệt là thực phẩm sống và chín, đồng thời sử dụng túi hoặc hộp kín để tránh lây nhiễm chéo. Đối với rau củ và trái cây cần bảo quản lạnh, ngoài ra cần rửa sạch trước khi cho vào tủ.

Ba loại thực phẩm không nên bảo quản lâu trong tủ lạnh

Tủ lạnh giúp kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm, nhưng không phải thực phẩm nào cũng có thể để lâu mà vẫn giữ được chất lượng và an toàn. Một số loại thực phẩm khi bảo quản lâu trong tủ lạnh có thể sinh ra độc tố hoặc mất chất dinh dưỡng, thậm chí gây hại cho sức khỏe. Dưới đây là ba loại thực phẩm không nên để lâu trong tủ lạnh và lý do vì sao bạn cần chú ý đến chúng.

1. Thực phẩm giàu tinh bột (gạo, bắp, bánh ngọt, đậu phộng,…)

Các loại thực phẩm chứa nhiều tinh bột như cơm nguội, ngô, bánh mì, bánh ngọt, đậu phộng,… thường dễ bị ẩm mốc khi bảo quản lâu trong tủ lạnh, đặc biệt là trong môi trường có độ ẩm cao.

Nấm mốc phát triển có thể tạo ra aflatoxin, một loại độc tố nguy hiểm có khả năng gây ung thư gan. Ngoài ra, khi bảo quản trong tủ lạnh quá lâu, bánh mì, bánh ngọt có thể bị khô cứng hoặc trở thành nơi sinh sôi của vi khuẩn nếu không bọc kín.

Cách bảo quản đúng: 

– Chỉ nên bảo quản cơm hoặc thực phẩm chứa tinh bột trong tủ lạnh tối đa 1-2 ngày.

– Nên đựng trong hộp kín hoặc túi hút chân không để tránh nhiễm khuẩn và ẩm mốc.

– Đối với bánh mì và bánh ngọt, nếu không ăn hết trong vòng 2-3 ngày, hãy để ngăn đá thay vì ngăn mát.

thuc an trong tu lanh
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

2. Hạt và quả hạch (hạt điều, óc chó, hạnh nhân, hạt dẻ,…)

Các loại hạt và quả hạch chứa nhiều dầu thực vật, nếu bảo quản lâu trong tủ lạnh có thể bị oxy hóa, mất dinh dưỡng và sinh ra mùi hôi dầu khó chịu.

Khi dầu trong hạt bị oxy hóa, nó có thể sinh ra gốc tự do, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ung thư. Nếu để lâu trong tủ lạnh nhưng không được bảo quản kín, hạt có thể bị nhiễm mùi thực phẩm khác, làm mất đi hương vị đặc trưng.

Cách bảo quản đúng:

– Hạt và quả hạch nên được đựng trong hộp kín hoặc túi zip hút chân không.

– Để tránh oxy hóa, chỉ nên bảo quản trong tủ lạnh khoảng 1-2 tháng. Nếu muốn giữ lâu hơn, hãy bảo quản trong ngăn đá.

– Trước khi sử dụng, có thể rang lại để khử mùi hôi dầu.

3. Hải sản có vỏ (tôm, cua, sò, hến,…)

Hải sản như tôm, cua, hàu, sò, hến có hàm lượng protein cao, nhưng nếu bảo quản lâu trong tủ lạnh, chúng có thể bị phân hủy và sinh ra những chất độc hại.

Khi để lâu, hải sản có thể sinh ra amoniac, hydrogen sulfide và các hợp chất lưu huỳnh, gây ngộ độc thực phẩm khi ăn.

Hàm lượng histamine trong cá ngừ, cá thu có thể tăng cao khi bảo quản không đúng cách, gây ra các triệu chứng dị ứng như buồn nôn, chóng mặt, mẩn ngứa.

Cách bảo quản đúng:

– Nếu chưa sử dụng ngay, nên làm sạch, bọc kín bằng túi hút chân không và để ngăn đá.

– Khi bảo quản không nên che kín hoàn toàn các lỗ thông gió trong tủ lạnh, tránh làm giảm hiệu suất làm lạnh. Ngoài ra, cần duy trì nhiệt độ bảo quản thích hợp:

Ngăn mát: 0 – 7°C

Ngăn đông: Dưới -5°C

Điều này giúp làm chậm quá trình phát triển của vi khuẩn, đảm bảo thực phẩm được bảo quản an toàn hơn.

– Khi rã đông, nên sử dụng ngay và không cấp đông lại để tránh mất chất lượng.

Lưu ý quan trọng khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh

1. Không xếp quá chặt thực phẩm trong tủ lạnh, để luồng khí lạnh lưu thông tốt hơn.

2. Đặt thực phẩm đúng vị trí: Ngăn mát để thực phẩm ngắn hạn, ngăn đá để bảo quản dài hạn.

3. Định kỳ vệ sinh tủ lạnh ít nhất mỗi tháng một lần để loại bỏ vi khuẩn và nấm mốc.

4. Kiểm tra thực phẩm thường xuyên, loại bỏ những thực phẩm có dấu hiệu hư hỏng để tránh nhiễm khuẩn chéo.

4 vị trí trong tủ lạnh cần đặc biệt vệ sinh

Để đảm bảo tủ lạnh luôn sạch sẽ và an toàn, nên tiến hành vệ sinh toàn diện mỗi tháng một lần. Trước khi lau dọn, cần ngắt nguồn điện và lấy hết thực phẩm ra, sau đó làm sạch và khử trùng kỹ lưỡng.

Bốn vị trí cần chú ý đặc biệt gồm:

1. Gioăng cao su ở cửa tủ lạnh

2. Các kệ và ngăn chứa thực phẩm

3. Ngăn kéo đựng rau củ

4. Mặt trong của tủ lạnh (phía trên, dưới và hai bên)

Những khu vực này rất dễ bị bám bẩn do nước thực phẩm rò rỉ và vụn thức ăn dư thừa, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Nên dùng giẻ lau sạch kết hợp với dung dịch vệ sinh để lau chùi, sau đó lau khô bằng nước sạch và để tủ lạnh thông thoáng trước khi sử dụng lại.

Trúc Nhi t/h