5 bí quyết để hòa hợp với những người con đã trưởng thành
- Minh Nguyệt
- •
Thời gian trôi đi nhanh như một cái chớp mắt, mới ngày nào bạn còn thay tã cho con và mong muốn có được giây phút bình yên thoát khỏi con nhưng bây giờ bạn lại phải chuẩn bị phòng khách để con về thăm nhà.
Con của bạn sẽ luôn luôn là con của bạn dù cho khi con mới biết bò hay ngày đầu tiên đến trường hay khi còn mặc tã, nhưng khi con trưởng thành bạn sẽ không phải lo lắng về những quyết định của con hoặc bảo vệ con trong phạm vi của mình nữa. Tuy nhiên, không có nghĩa là bạn có thể ngừng lo lắng về chúng.
Cha mẹ sẽ luôn là cha mẹ và “cha mẹ” cũng chính là những đứa trẻ mà trưởng thành và trở thành người lớn. Khi con bạn trưởng thành, mối quan hệ của bạn với con cái cũng cần phải thay đổi.
Dưới dây là những lời khuyên giúp cho mối quan hệ giữa bạn với con cái trở nên tuyệt vời hơn.
1. Lắng nghe
Cuộc thăm dò năm 2014 về những người trẻ tuổi từ các nhà nghiên cứu tại Đại học Clark ở Massachusetts đã phát hiện ra rằng những người trẻ tuổi ngày nay vẫn tiếp xúc thường xuyên với cha mẹ của họ, có 37% những người từ 25-39 tuổi nói chuyện với bố mẹ ít nhất mỗi ngày một lần và 85% sẽ nói chuyện mỗi tuần một lần. Nghiên cứu của Tiến sĩ Jeffrey Jensen Arnett, giáo sư nghiên cứu tâm lý học và nghiên cứu tâm lý Clark cho biết: “Ngay cả sau khi con cái không còn lệ thuộc vào cha mẹ về tài chính nữa, thì bố mẹ vẫn là một trong những người quan trọng nhất trong cuộc sống tình cảm của những người trưởng thành.”
Khi con của bạn trở thành người lớn, những gì con cần từ bạn chính là hỗ trợ tinh thần. Vì vậy, hãy chuẩn bị lắng nghe và chia sẻ những trải nghiệm cuộc sống với các con.
2. Thể hiện sự tôn trọng
Mặc dù cha mẹ vẫn muốn là một phần trong cuộc sống của con cái, cha mẹ cũng cần phải biết cách hỗ trợ con cái để con cái thấy cha mẹ tin tưởng vào con của mình.
Khi con của bạn còn nhỏ, bạn có thể đã quen với việc bạn sẽ là người quyết định cuối cùng trong bất kỳ sự bất đồng quan điểm nào. Nhưng bây giờ khi con cái đã trưởng thành, điều quan trọng hơn bao giờ hết là phải cho con bạn thấy rằng bạn tôn trọng quan điểm của họ – ngay cả khi bạn không đồng ý.
3. Chấp nhận “một nửa” của con
Đây có thể là điều khó khăn nhất mà bạn phải làm. Con của bạn có thể tìm được “một nửa” để chia sẻ cuộc sống của mình và có thể người đó sẽ trở thành người giúp con bạn trong việc đưa ra các quyết định lớn, giải quyết xung đột hoặc chia sẻ những niềm vui. Khó có thể trở thành người dự bị khi bạn đã quen với việc mình là người chi phối đến cuộc sống của con cái trong nhiều năm.
Chắc hẳn bạn sẽ hy vọng “một nửa” của con bạn có một công việc tốt, dành ít thời gian hơn cho công việc hoặc là một người tốt tính, nhưng việc mà bạn có thể làm lúc này chính là giữ những ý kiến đó trong lòng thôi, hãy yêu thương và hỗ trợ con bạn khi bước vào giai đoạn này của cuộc đời.
Một ngoại lệ mà bạn có thể can thiệp, chính là khi bạn tin rằng con mình đang trong tình trạng nguy hiểm, ví dụ như liên quan đến vấn đề nghiện ngập hoặc bị bạn trai hay bạn gái lạm dụng. Khi đó, bạn cần phải đưa ra ý kiến và lời khuyên cho dù con bạn có thích hay không, bạn phải làm những gì bạn có thể làm được để bảo vệ con mình.
4. Giữ ý kiến của bản thân cho riêng mình
Trong những năm đầu của con, thì bạn là người quyết định cho bé mặc gì, ăn những thức ăn nào và những hoạt động gì con sẽ làm trong ngày, bạn không thể thoát khỏi vai trò đó. Nhưng có sự khác biệt lớn giữa việc nuôi con nhỏ và con đã trưởng thành, bạn không còn phải nói với con mình những điều cần làm hay đưa ra những gợi ý về những gì con nên làm và làm như thế nào.
Tuy nhiên, đứa con đã trưởng thành của bạn cũng vẫn muốn nghe từ cha mẹ của họ bất cứ điều gì khi họ gặp phải khó khăn trong cuộc sống, vì vậy bạn chỉ nên cho lời khuyên khi được con yêu cầu.
5. Tìm các cách để kết nối với con
Khi con của bạn còn nhỏ, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát các hoạt động trong gia đình. Nhưng bây giờ con của bạn đã lớn, bạn cần phải tìm hiểu để tìm ra cách để kết nối và giao tiếp khác với con. Bạn không phải giả vờ thích nhảy bungee, hoặc nấu những món mới lạ theo phong trào hoặc thích những ban nhạc yêu thích của con khi bạn không thực sự thích. Trên thực tế, những cách để kết nối có thể đơn giản như tổ chức các bữa tối thường xuyên tại một nhà hàng yêu thích của cả nhà.
Tuy nhiên, nếu bạn đã làm theo cách trên, vậy thì bây giờ bạn có thể thử những trải nghiệm khác nhau và tìm ra cách khác để kết nối với con cái nhiều hơn thông qua những việc con cái yêu thích.
Minh Nguyệt
Xem thêm:
Từ khóa Tình cảm gia đình Làm cha mẹ Giáo dục con cái