“Cuối cùng tôi đã biết được ‘bộ mặt thật’ sau 5 năm đến Mỹ”
Một phụ nữ người Hoa đến Mỹ đã hơn 5 năm, cô nhớ rất rõ ngày đầu tiên cùng con gái đến đây. Sau khi đi học ở Mỹ, con gái của cô đã trưởng thành và tự tin hơn rất nhiều khiến cô hết sức cảm động.
Ngoài ra, cô cũng chia sẻ suy nghĩ của mình về sự khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc. Chúng ta hãy cùng đọc bài báo được đăng trên trang Career Engine dưới đây:
Đến Mỹ nhờ mối duyên tình cờ
Vào khoảng 3 giờ chiều ngày 10/5/2013, tôi và con gái từ Bắc Kinh bay đến sân bay Kennedy, New York. Sau 13 tiếng ngồi trên máy bay, tôi cảm thấy như rau bị héo vậy, bị cuộn lại rồi ném sang bờ bên kia đại dương. Cô con gái 8 tuổi của tôi đọc sách và xem TV suốt chuyến bay vậy mà vẫn tỉnh táo khi xuống máy bay.
Chồng tôi đã đến sân bay đợi chúng tôi từ sớm, nhìn thấy con gái, ông ấy bế bổng lên xoay vài vòng rồi đưa cho con bé một con búp bê barbie. Con gái tỏ ra rất bất ngờ rồi ôm chặt búp bê trong lòng.
Đường từ New York đến New Jersey kẹt xe rất lâu, nhưng điều khiến tôi bất ngờ là mọi người đều kiên nhẫn lái xe đúng làn, hầu như không có ai lấn làn hay kêu gào gì cả, càng không có ai đi vào làn xe cấp cứu. Có trật tự và biết nhường nhịn là ấn tượng đầu tiên của tôi về nước Mỹ.
Khi đó con gái tôi có vẻ rất nhỏ bé khi đứng giữa các cháu bé nước ngoài cao lớn. Nhìn con đi theo sau lưng cô giáo, sau đó biến mất ở ngã rẽ hành lang, tôi đã rơi nước mắt. Tôi gửi gắm đứa trẻ Trung Quốc đáng yêu đơn thuần này cho nước Mỹ, liệu nước Mỹ sẽ cho cháu được những gì?
Khoảng 3 giờ chiều, tôi cùng chồng đi đón con. Khi cổng mở, các cháu ùa ra ngoài, con gái chạy về phía chúng tôi. Điều khiến tôi bất ngờ là con bé cười rất tươi, cả khuôn mặt đỏ hồng cứ như mới vừa nhặt vỏ sò ở biển về vậy.
Tôi vội vàng hỏi hàng loạt câu hỏi: “Trường học thế nào? Cô giáo có tốt không? Bạn bè có thân thiện không?”
Con gái liên tục gật đầu.
“Lớp học giống khu vui chơi lắm, rất vui ạ”.
“Con có nghe hiểu những gì cô giáo nói không?”
“Đương nhiên là không hiểu ạ, cô gọi một bạn người Trung Quốc giúp con, bạn ấy tên là Sophia Lee”.
Và như thế, con gái tôi dù chẳng biết một chữ tiếng Anh nào đã dần bắt đầu những ngày đi học ở Mỹ của mình.
Trước đây khi ở Bắc Kinh, nhìn thấy tình trạng giáo dục ở các trường công lập và sự điên cuồng của các ông bố bà mẹ “hổ” Trung Quốc, tôi đã có suy nghĩ sau này sẽ gửi con gái ra nước ngoài du học.
Năm 2013, chồng tôi được công ty cử đến chi nhánh công ty ở Mỹ làm việc trong vòng 7 năm. Tôi luôn cảm thấy việc gia đình đoàn tụ là điều quan trọng nhất, vì vậy tôi không hề do dự một chút nào, cứ thế từ bỏ công việc truyền thông hơn 10 năm của mình để đưa con gái vượt đại dương.
Những điều con gái có được sau khi đến Mỹ
Lên lớp hai, mỗi ngày cháu được học những môn như toán, lịch sử, đọc, khoa học, thể dục, vẽ và âm nhạc, môn nào cũng có bài tập về nhà. Điều khiến tôi cảm thấy thích thú là môn đọc của con nói về tình yêu thương, sự nỗ lực, dũng cảm, khoan dung, tốt bụng, nói chung là tràn đầy năng lượng tích cực. Sự chú trọng của giáo dục Mỹ trong việc xây dựng nhân cách, phẩm chất của trẻ vượt xa so với những gì tôi nghĩ.
Trong bản thông báo hoạt động mà con cầm về, tôi thấy đa số là yêu cầu quyên góp, có khi là quyên góp cho trung tâm ung thư nhi, lúc thì là cho trung tâm bảo vệ động vật, họ không yêu cầu nhiều tiền, một hai đô la thôi, nhưng quan trọng nhất là xây dựng trái tim biết yêu thương của trẻ ngay từ nhỏ. Nước Mỹ rất xem trọng việc bồi dưỡng ý thức công ích của trẻ, có thể nói là bắt đầu từ tuổi nhỏ để xây dựng nên cả cuộc đời.
Ông Kennedy (Cựu Tổng thống Hoa Kỳ) từng nói, đừng chỉ nghĩ quốc gia đã làm gì cho bạn, mà hãy nghĩ bạn có thể làm gì cho tổ quốc. Phục vụ người khác cũng chính là phục vụ cho xã hội, đây là tiêu chuẩn để Mỹ đánh giá một con người có phải là công dân tốt hay không.
Chính vì điều này nên người Mỹ rất thích làm công ích và giúp đỡ người khác. Ví dụ như mới đây khi tôi học tiếng Anh ở thư viện của thị trấn, cô giáo là một bà người Mỹ 64 tuổi đã về hưu, mỗi tuần bà dành ra hai ngày để dạy tiếng Anh miễn phí ở thư viện. Nụ cười của bà rất đẹp, trang điểm rất tinh tế khiến bà ấy trông rất trẻ.
Vì con gái tôi tốt bụng nên trên lớp các bạn rất quý con bé, giáng sinh năm nào con cũng nhận được rất nhiều thiệp, có tấm thiệp viết rằng: Cậu là người tốt nhất mà mình từng gặp! Mỗi lần họp phụ huynh, cô giáo cũng khen con không ngớt lời, nào là không chỉ học hành chăm chỉ, mà nhân phẩm rất tốt, rất biết giúp đỡ bạn bè.
Vào cuối năm lớp 3, con gái tôi được trường chọn đi tham gia “Buckle fille picnic” nhờ có “tinh thần trách nhiệm cao, công bằng, biết giúp đỡ và tôn trọng người khác”, con không chỉ được cắm trại bên ngoài, mà còn không cần phải làm bài tập về nhà ngày hôm đó. Cả lớp 22 bạn thì chỉ có 5 bạn được chọn, con tôi vui lắm, tôi cũng rất mừng.
Điều tôi vui nhất đó là sau khi đến Mỹ, con bé dần cười nhiều hơn, tính tình cũng cởi mở hơn trước. Lúc trước khi còn học ở Trung Quốc, chủ nhiệm của cháu là một cô giáo trẻ rất nghiêm khắc với học sinh. Tuy con tôi rất ngoan, nhưng sau khi thấy cô chủ nhiệm kịch liệt phê bình các bạn khác thì cháu rất sợ, thường xuyên lấy lý do đau bụng để không đi học, điều này khiến tôi rất đau lòng.
Một năm sau khi đến Mỹ, cuối cùng con đã nói thật với tôi: “Khi đó con nói đau bụng là giả, vì con không muốn đi học, cô giáo dữ quá ạ!”
Mùa hè năm 2016, con gái tôi tốt nghiệp tiểu học. Điều khiến tôi bất ngờ và hạnh phúc là con được thị trưởng đích thân trao tặng “Giải thưởng thành tựu xuất sắc”, cả lớp chỉ có 2 bạn được vinh dự này.
Sau khi lên lớp 6, từ một cô bé thích chơi búp bê bỗng con gái tôi như trở thành một cô gái nhỏ rất có chính kiến. Trước đây, trong nhóm trên Wechat của con có người kêu gọi đừng xem bộ phim điện ảnh “Sadako” của Nhật để phòng vé bằng không, nếu trong vòng hai tuần có hơn 2 triệu nhóm chia sẻ thông tin này thì người Nhật chính là rác rưởi.
Con gái tôi lập tức trả lời: “Không phải tất cả người Nhật đều là rác rưởi, huống hồ họ quay phim tốn rất nhiều thời gian và công sức. Tôi chỉ đang bày tỏ quan điểm của mình, không có nghĩa là tôi không yêu nước”.
Ngày nay khi mà làn sóng chống Hàn, chống Nhật của Trung Quốc đang vô cùng mạnh mẽ, con gái tôi lại bình tĩnh, khách quan, nghĩ thoáng như vậy, không hề theo phong trào, vẫn giữ khả năng suy nghĩ độc lập của mình khiến tôi cảm thấy rất yên tâm!
Ba năm qua, sự tiến bộ của con không chỉ thể hiện ở tiếng Anh, mà còn về mặt tư duy. Con bé đã nghĩ thoáng hơn rất nhiều, biết vượt qua giới hạn quốc gia, dân tộc, biết suy ngẫm những việc quanh mình từ tình cảm cơ bản nhất của con người.
Khắc phục sự khó khăn của thời đại từ chính bản thân mình
Các bạn trong nước thường hay hỏi tôi: Cô cảm thấy nước Mỹ có tốt không? Nói thật thì đây là một câu hỏi rất khó trả lời. Trong mắt một ngàn người có hàng ngàn nước Mỹ khác nhau.
Trước đây những gì tôi biết về nước Mỹ chỉ dừng lại ở mặt văn học, nghệ thuật, máy móc, tôi rất lý tưởng hóa nước Mỹ, sau khi đến đây, tôi nhận thấy nơi này phức tạp hơn những gì tôi nghĩ rất nhiều.
Nước Mỹ có một điều rất thu hút tôi đó là nhà vệ sinh công cộng luôn có giấy vệ sinh, trên tàu điện ngầm có rất nhiều chỗ dành cho người cần ngồi, vị trí xe của người khuyết tật được đặt ở nơi gần cửa nhất, đa phần người lạ đều rất có thiện chí… Nhìn thấy những điều “tốt” rất rõ ràng này khiến những người phải đấu đá giữa người với người ở Trung Quốc cảm thấy nơi đây đúng là thiên đường.
Thế nhưng ở đây lâu bạn sẽ phát hiện ra những khuyết điểm không dễ thấy được. Ví dụ như một người bạn sống ở Mỹ mười mấy năm cho biết: “Người Mỹ trông có vẻ rất văn minh, nhưng trong văn minh vẫn có sự lạnh lùng, cô lập bạn. Điều đó giống như không khí vậy, bạn không nhìn thấy, nhưng cảm nhận được”.
Tầng lớp thượng lưu tự cảm thấy mình rất tốt, nghĩ rằng xã hội nằm trong lòng bàn tay của họ, kết quả là đã tạo ra Donald Trump; tầng lớp thấp bất mãn với hiện thực, khao khát được thay đổi, mà Donald Trump thì không làm theo quy tắc thông thường, hầu như rất phù hợp với ý muốn của họ. Thế nên họ đã giúp ông ấy vào được Nhà Trắng.
Kể từ khi Donald Trump đắc cử tổng thống, ông đưa ra các lệnh cấm dành cho người dân nhập cư cũng như hủy bỏ kế hoạch an sinh xã hội của Obama. Người ủng hộ cho rằng Donald Trump là một người hành động theo lối nhanh gọn, mạnh hơn nhiều so với các chính trị gia chỉ biết nói suông, ông ấy có thể khiến nước Mỹ trở nên vĩ đại hơn. Những người phản đối thì nghĩ Donald Trump sẽ kéo nước Mỹ vào vũng bùn.
Tuy cá nhân tôi không thích ông ấy, nhưng không thể không thừa nhận rằng sự thành công của ông ấy cũng có phần nào đó hợp lý. Tương lai nước Mỹ sẽ đi về đâu, tuy tôi sống ở đây, nhưng lại không thể nào dự đoán được. Là một người nhập cư, sao tôi biết được biển sẽ chảy về đâu? Tôi chỉ có thể cố gắng giữ lấy lý tưởng và sự tự do nhỏ bé này giữa biển rộng lớn, như vậy dù sóng có đánh tôi vào bờ thì tôi cũng có thể tỏa sáng dưới ánh mặt trời.
Tôi lớn lên ở một huyện nhỏ, từng bước đến được Bắc Kinh, sống hơn 40 năm ở làng quê và thành thị của Trung Quốc, tôi thừa nhận rằng nơi đây có rất nhiều vấn đề, không khí ô nhiễm khói bụi khiến người ta không thể hít thở, máy đếm tiền bị hỏng vì phải đếm tiền tham ô của quan chức, trẻ em cơ nhỡ bị ông già trong làng xâm hại tình dục…
Các vấn đề của Trung Quốc nhiều đến mức khiến người ta hễ nghĩ đến là ăn không ngon ngủ không yên, vô số lần muốn dứt áo ra đi không quay đầu lại. Thế nhưng sau khi đi di cư thì đã đến thiên đường rồi ư?
Năm 2015, tôi dành hẳn 1 năm để phỏng vấn 15 người Hoa nhập cư nhiều năm ở Mỹ.
Họ kể cho tôi nghe bằng chính kinh nghiệm của mình, nước Mỹ vừa không phải là địa ngục “nước sôi lửa bỏng” như Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV vẫn đưa tin, cũng chẳng hề là “thiên đường trong mơ” theo lời của các công ty môi giới di cư, nước Mỹ giống như mảnh đất mà bạn đang sống, chỉ là “nhân gian bình thường” mà thôi.
Dù sống ở Trung Quốc hay tha phương xứ người, chúng ta đều sẽ gặp phải các vấn đề, sự khác nhau chỉ nằm ở mức độ chịu đựng các vấn đề ấy. Nếu yêu thích cái tốt của một quốc gia thì cũng phải chấp nhận cái không tốt của nó cũng như khắc phục những sự khó khăn của quốc gia ấy hoặc thậm chí là của cả thời đại này ngay từ chính bản thân mình. Nếu không thì ở đâu cũng là xứ người, dù bạn có đang ở nước mình.
Đối với tôi, do số mệnh đã đưa tôi đến Mỹ, tôi cũng chỉ có thể tùy duyên, điều chỉnh bản thân để thích nghi với cuộc sống và môi trường mới. Nhìn thấy con gái tôi ngày càng xa lạ với tiếng Trung, tôi luôn có cảm giác rất buồn. Chỉ từ khi con bé bắt đầu chơi đàn tranh, tập viết thư pháp, tôi mới cảm thấy con có mối dây liên kết với Trung Hoa, lòng tôi cũng dễ chịu hơn nhiều.
Ngọc Trúc
Xem thêm:
Từ khóa Người Trung Quốc nước Mỹ Văn hóa Mỹ Người Hoa