Nghiên cứu: Muốn hạnh phúc, hãy vận động chứ đừng mua sắm
- Hoàng Vũ
- •
Mỗi khi bạn cảm thấy buồn, bạn có từng phân vân giữa chọn lựa đi du lịch, học bơi hay mua sắm để khiến tâm trạng mình vui vẻ hơn? Theo nghiên cứu khoa học, thì câu trả lời nên là: Hãy vận động, chứ đừng mua sắm!
Hầu hết mọi người đều mong cầu hạnh phúc. Nhưng làm thế nào để cảm thấy hạnh phúc vẫn còn là một vấn đề nan giải. Có một số nhà kinh tế học cho rằng hạnh phúc là chỉ số tốt nhất để đo lường sức khỏe của một xã hội. Tiền có thể làm bạn hạnh phúc hơn; tuy nhiên, khi đạt đến một mức độ dư giả, giàu có, thì dù nhiều tiền hơn nữa cũng không làm bạn hạnh phúc hơn.
Vậy nên câu hỏi lớn nhất ở đây là phân bổ tiền bạc thế nào để chúng có thể mang lại hạnh phúc cho bạn, nhất là khi tiền bạc hạn chế.
Từng có một giả định nghe có vẻ rất hợp lý mà hầu hết mọi người đều đồng ý: đó là một đồ vật cụ thể sẽ tồn tại lâu hơn, nên sẽ làm chúng ta cảm thấy hạnh phúc trong một thời gian dài hơn là những trải nghiệm một lần, như một buổi hòa nhạc hay chuyến du lịch. Nhưng theo nghiên cứu gần đây, thì giả định này là hoàn toàn sai.
Tiến sĩ Thomas Gilovich, giáo sư tâm lý học tại Đại học Cornell, người đã nghiên cứu các vấn đề tiền bạc và hạnh phúc trong hơn hai thập niên cho biết:
“Một trong những kẻ thù của hạnh phúc chính là sự thích ứng”, “Chúng ta mua vật dụng để làm bản thân cảm thấy vui hơn, và đã thành công. Tuy nhiên, nó chỉ trong chốc lát. Những thứ mới lạ sẽ thú vị lúc ban đầu, nhưng sau đó chúng ta sẽ quen dần với chúng”.
Vì vậy, thay vì mua iPhone mới nhất hay một chiếc BMW, Gilovich cho rằng bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn nếu chi tiền vào những trải nghiệm mới như đến một cuộc triển lãm nghệ thuật, học một kỹ năng mới hay đi du lịch chẳng hạn.
Vậy sự thích ứng ảnh hưởng đến hạnh phúc như thế nào, ví dụ, một nghiên cứu yêu cầu mọi người nói về cảm giác hạnh phúc của họ khi mua những vật dụng thời thượng hay trải nghiệm mới. Ban đầu, hạnh phúc của những người mua hàng được xếp ngang nhau. Nhưng qua thời gian, sự hài lòng của người tham gia đối với món đồ họ mua giảm dần xuống, trong khi đó cảm giác hài lòng về những trải nghiệm khi mua hàng dần tăng lên.
Thật thú vị khi biết rằng một vật dụng hữu hình không đem lại hạnh phúc cho bạn trong một thời gian dài như một trải nghiệm.
Phát hiện của Gilovich là sự tổng hợp của các nghiên cứu tâm lý về nghịch lý Easterlin do ông và những người khác tiến hành. Nghịch lý này chỉ ra rằng tiền có thể mua được hạnh phúc nhưng chỉ mua được trong một khoảng thời gian nhất định.
“Trải nghiệm đối với chúng ta có giá trị to lớn hơn so với những đồ dùng vật chất”, Gilovich nói. “Bạn có thể rất thích những đồ dùng vật chất của mình. Thậm chí, bạn có thể nghĩ rằng một phần cá tính của bạn được thể hiện qua chúng, nhưng dù sao chúng vẫn tách biệt với bạn. Ngược lại, trải nghiệm gắn liền với bản thân bạn. Chúng ta là tập hợp những trải nghiệm của chính mình”.
>>Nghiên cứu hàng ngàn trải nghiệm cận tử: Tinh thần con người độc lập với bộ não
Một nghiên cứu được tiến hành bởi Gilovich còn cho biết rằng: nếu người ta có một trải nghiệm tiêu cực làm ảnh hưởng đến cảm giác hạnh phúc của họ, một khi họ có cơ hội chia sẻ về điều đó, thì trải nghiệm này sẽ dần chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Gilovich nói rằng trên thực tế những chuyện căng thẳng và đáng sợ trong quá khứ thường trở thành một câu chuyện vui để kể lại tại một bữa tiệc, hay được hồi tưởng lại với mục đích rút ra những kinh nghiệm vô giá.
Một lý do khác là việc chia sẻ những trải nghiệm có thể giúp chúng ta kết nối được với nhiều người hơn so với việc bỏ tiền vào tiêu dùng. Bạn sẽ quen biết thêm vài người bạn mới trong kỳ nghỉ ở Bogotá hơn là trong khi đi mua một chiếc TV 4K.
“Chúng ta có những trải nghiệm trực tiếp với những người khác”, Gilovich nói. “Và sau khi rời đi, họ đã trở thành một phần trong câu chuyện mà chúng ta kể với người khác nữa”.
Và thậm chí, nếu như ai đó không ở cùng bạn khi bạn đang có những trải nghiệm cụ thể, thì bạn cũng vẫn thích thú với việc chinh phục cung đường leo núi Appalachian hay xem một chương trình liên quan, hơn là sở hữu một chiếc đồng hồ hiệu Fibbits.
Bạn cũng ít phàn nàn, so sánh những trải nghiệm của mình với người khác hơn là so sánh việc mua sắm những đồ dùng vật chất. Một nghiên cứu được tiến hành bởi hai nhà nghiên cứu Ryan Howell và Graham Hill phát hiện ra rằng: so sánh đồ dùng vật chất dễ hơn so với việc so sánh trải nghiệm (Ví như nhẫn của bạn bao nhiêu cara? CPU laptop của bạn nhanh thế nào?). Và vì nó dễ so sánh hơn, nên ai ai cũng làm điều ấy.
“Xu hướng chạy theo những mốt thời thượng thường rõ rệt trong sở hữu đồ dùng vật chất hơn là tìm kiếm những trải nghiệm”, Gilovich nói. “Chúng ta hẳn sẽ thấy chút phiền lòng khi đang đi nghỉ dưỡng và thấy người khác ở trong một khách sạn tốt hơn, hay ngồi khoang máy bay hạng nhất. Nhưng nó không khó chịu như khi chúng ta bị người khác vượt mặt về sự sở hữu đồ dùng vật chất.”
Nghiên cứu của Gilovich đã cung cấp những thông tin tham khảo đáng giá cho những ai muốn đầu tư tài chính để cảm thấy hạnh phúc hơn, cho những nhà tuyển dụng muốn có lực lượng nhân viên hạnh phúc hơn, và cho cả những nhà hoạch định chính sách – những người muốn công dân nước mình được hạnh phúc.
“Bằng cách thay đổi các nguồn lực đầu tư xã hội và các chính sách họ theo đuổi, họ có thể thúc đẩy phần lớn dân số theo đuổi các trải nghiệm thúc đẩy cảm giác hạnh phúc hơn”, Gilovich và đồng tác giả, Amit Kumar đã viết trong bài đăng gần đây trên tạp chí Thực nghiệm Tâm lý học Xã hội.
Nếu xã hội chúng ta quan tâm đến những nghiên cứu này, thì sự thay đổi không chỉ diễn ra trên phương diện cá nhân, trên cách người đó chi tiêu thu nhập của họ, mà còn thay đổi cả chính sách kỳ nghỉ dành cho lao động và chính sách chăm sóc sức khỏe của chính phủ.
Gilovich nói: “Chúng ta là một xã hội, chẳng phải chúng ta nên hành động để người dân có thể tiếp cận những trải nghiệm mới dễ dàng hơn?”
Theo Fastcoexist
Hoàng Vũ
Xem thêm:
Từ khóa tiêu dùng thông minh Tâm lý học tiền bạc Bí quyết hạnh phúc