Người cao tuổi “vật lộn” với cô đơn trong nhà dưỡng lão thời Covid-19
- Hoài Anh
- •
John Ross, 89 tuổi, đã vô cùng xúc động khi cuối cùng được nắm tay người vợ yêu dấu của mình và các con sau một năm xa cách do hạn chế phong tỏa vì virus corona.
Tháng trước, cụ ông 89 tuổi này từng gây ấn tượng khi những bức ảnh chụp trong nhà dưỡng lão được đăng tải cho thấy ông đã hao mòn đi nhanh chóng như thế nào sau một năm không liên lạc với gia đình, theo Mirror.
Nắm tay vợ, ông John Ross không khỏi xúc động. Là một bệnh nhân mắc chứng sa sút trí tuệ mạch máu, sự xa cách và nỗi cô đơn đã hầu như xóa hết trong tâm trí ông ký ức về gia đình cũng như khuôn mặt người vợ Marlene.
Con gái ông Penny Ogden, 59 tuổi, đến từ Liverpool, nói: “Quãng thời gian vừa qua với bố tôi thực sự vô cùng khó khăn. Thật tuyệt vời khi gặp lại bố, bố cũng rất vui khi gặp chúng tôi, giờ đây bố có thể dần dần ghi nhớ lại.”
Nhà dưỡng lão nơi ông John sinh sống là một trong số ít những cơ sở được phép đón tiếp người nhà đến thăm thân do những hạn chế trong thời kỳ dịch bệnh. Tại nhiều nơi khác, các chuyến thăm như vậy hiện vẫn chưa được phép mặc dù các quy định đã được nới lỏng.
Tại một nhà dưỡng lão ở Plymouth, qua màn hình Skype cô Karen Rogers thấy mẹ cũng ở hoàn cảnh tương tự. Bà Marion, 75 tuổi, mắc chứng mất trí nhớ tiến triển đã phải chịu đựng sự cô đơn trong suốt 1 năm qua. Sắc diện và sức khỏe của bà đã xuống nhanh chóng trong suốt 1 năm qua vì không thể gặp gỡ gia đình.
Karen nói: “Mẹ tôi bây giờ phải cho ăn thức ăn xay nhuyễn, không thể đi lại, phải có người giúp để ra khỏi giường và không tự chủ được nữa.”
Nhưng mong muốn vào chăm sóc mẹ thường xuyên hay đưa bà về nhà đều bị khước từ. Theo quy định, chỉ một người duy nhất được chỉ định có thể vào thăm thường xuyên, một người chăm sóc thiết yếu cho những cư dân có nhu cầu chăm sóc cao nhất, còn lại đều không phù hợp, và trường hợp của bà Marion chưa đến mức như vậy.
Diane và người đồng hành của cô, Jenny Morrison, đang điều hành một chiến dịch mạnh mẽ với mục đích chiến đấu hết mình để giúp các gia đình đoàn tụ với những người thân yêu của họ thay vì chỉ được nhìn nhau qua màn hình Skype. Họ đang khuyên các gia đình đọc hướng dẫn để biết rõ quyền của họ là gì.
Trước tình hình này bộ trưởng Bộ Chăm sóc Helen Whately cho biết: “Việc đến thăm các nhà dưỡng lão là rất quan trọng trong việc hỗ trợ sức khỏe và hạnh phúc của người cao tuổi, và sẽ yêu cầu các nhà dưỡng lão cho phép mỗi người cao tuổi có một người thăm nom thường xuyên, còn lại đều chỉ được quan tâm qua Skype hoặc cửa sổ kính.”
Tại các quốc gia nổi tiếng với hệ thống phúc lợi xã hội cao ở Châu Âu. Tỷ lệ người già sống cùng con cái rất thấp. Đa số thường tới sống trong các nhà dưỡng lão và được chăm sóc bởi các nhân viên phúc lợi. Với nhiều trường hợp, điều này là bắt buộc. Con cái sẽ chỉ qua thăm vào cuối tuần hoặc lâu hơn. Cơ chế này được kỳ vọng giúp người cao tuổi có thể an tâm dưỡng già, không phải phiền hà con cái nhưng đang bộc lộ những yếu điểm trong thời kỳ dịch bệnh.
Hồi tháng 12/2020, cơ quan Thanh tra chăm sóc xã hội và y tế của Thụy Điển (IVO) đã phát hiện ra những thiếu sót nghiêm trọng trong việc chăm sóc người cao tuổi. Theo báo cáo, chỉ có 6% trường hợp mắc COVID-19 được bác sĩ khám sức khỏe. Ngoài ra, 20% không nhận được đánh giá cá nhân bởi bác sĩ. Dù phải thừa nhận những khó khăn của việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong thời kỳ đại dịch, tuy nhiên, tiêu chuẩn chăm sóc như vậy vẫn là quá thấp và không một khu vực nào đáp ứng đủ trách nhiệm trong giai đoạn này.
Hoài Anh
Xem thêm:
Từ khóa Tình cảm gia đình cô đơn người cao tuổi cô đơn tuổi già nhà dưỡng lão