Tạp chí The Economist đưa tin, những người thuộc thế hệ X (sinh từ 1965 – 1980) được xem là thế hệ “bi thảm” nhất: Vừa bỏ lỡ cơ hội tăng giá tài sản lớn, lại vừa phải đối mặt với áp lực “kẹp giữa”. Theo nghiên cứu của Ipsos tại 30 quốc gia, tỷ lệ không hạnh phúc ở thế hệ X lên tới 31%, cao nhất trong tất cả các nhóm tuổi.

Gen X Y Z
Thế hệ X đang chịu áp lực từ 3 thế hệ cùng một lúc, phải đối mặt với khủng hoảng tuổi trung niên, các vấn đề sức khỏe và mức tăng trưởng thu nhập chậm nhất. (Ảnh minh hoạ: Shutterstock)

So với thế hệ Z (sinh từ 1997–2012) hay than phiền về mạng xã hội, thế hệ Y (Millennials, sinh từ 1981–1996) than thở chuyện không mua nổi nhà, và thế hệ Baby Boomers (sinh từ 1946–1964) lo lắng chuyện nghỉ hưu, thì thế hệ X lại gánh vác áp lực từ cả 3 thế hệ kèm theo các vấn đề thực tế.

Họ phải đối mặt với khủng hoảng tuổi trung niên và lo ngại về sức khỏe, trong khi tăng trưởng thu nhập lại là chậm nhất trong các thế hệ.

The Economist chỉ ra rằng trung bình 5% chi tiêu hộ gia đình của thế hệ X dành cho việc chăm sóc 2 thế hệ (con cái và cha mẹ), cao hơn nhiều so với 2% ở thế hệ Baby Boomers. Tại châu Âu, như ở Ý và Tây Ban Nha, tỷ lệ thanh niên sống cùng cha mẹ ngày càng tăng – mà cha mẹ của họ phần lớn là thế hệ X – khiến gánh nặng tài chính càng lớn.

Về sự nghiệp và tích lũy tài sản, thế hệ X cũng gặp nhiều bất lợi. Dù thu nhập thực tế của họ cao hơn thế hệ trước một chút, nhưng theo Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ và Cục Dự trữ Liên bang (Fed), mức tăng thu nhập của họ chỉ là 16%, thấp nhất trong các thế hệ.

Khi thế hệ X bước vào thị trường lao động, họ gặp phải khủng hoảng tài chính năm 2008, thị trường việc làm ảm đạm, lương tăng chậm, khiến thu nhập trì trệ và sự nghiệp bị cản trở. Nhìn chung, họ gặp khó khăn hơn các thế hệ khác.

Báo cáo cho biết thế hệ X đã bỏ lỡ hai giai đoạn vàng để tăng tài sản, một là làn sóng tăng vọt của thị trường chứng khoán trong những năm 1980, hai là làn sóng sinh lời mạnh mẽ gần đây mà thế hệ Y hưởng lợi.

Trái lại, họ phải đối mặt với bong bóng dot-com (giai đoạn bùng nổ và suy giảm nhanh chóng của thị trường chứng khoán) và khủng hoảng tài chính, lợi nhuận đầu tư thấp, giá nhà cao và khó vay vốn. Nhiều người không mua được nhà, thậm chí bị tịch biên và phải quay lại thị trường thuê nhà.

Dù thế hệ Y thường được gọi là “thế hệ thuê nhà”, nhưng theo số liệu từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis, tỷ lệ sở hữu nhà ở độ tuổi 30–40 của thế hệ X tương đương với thế hệ Y hiện nay, cho thấy họ cũng gặp nhiều trở ngại trong việc mua nhà.

Bài viết cũng đề cập, thế hệ X từng là lực lượng chủ chốt trong nền kinh tế sáng tạo, tận hưởng những năm tháng vàng son của thập niên 1990.

Tuy nhiên, với sự trỗi dậy của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI), nhiều kỹ năng họ thành thạo đã nhanh chóng bị thay thế, khiến họ đối mặt với khủng hoảng nghề nghiệp. Theo dữ liệu từ nền tảng tuyển dụng Indeed, mức độ hài lòng trong công việc của thế hệ X là thấp nhất.

Một khảo sát năm 2022 của Hiệp hội Người nghỉ hưu Hoa Kỳ cho thấy khoảng 80% người thuộc thế hệ X cảm thấy bị phân biệt đối xử do tuổi tác. Hiện nay, họ đang chật vật trong kỷ nguyên số, không thể chuẩn bị đầy đủ cho thị trường lao động thay đổi nhanh chóng và triển vọng nghỉ hưu không rõ ràng.