Thiện niệm khiến mảnh đất dẫu bạc màu cũng tìm được hạt giống phù hợp
- Lê Minh
- •
Trong cuộc sống, khi ở vào nghịch cảnh không thể thay đổi thì chỉ còn cách thay đổi cảm nhận của bản thân về sự việc đó. Cảm nhận của mỗi người về người khác thế nào, cũng phản ánh nội tâm thiện – ác của chính bản thân họ. Tương tự như vậy, một việc là tốt hay xấu, có khi chưa hẳn đã như mình nghĩ. Nếu có thể làm được dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào vẫn lạc quan, dùng dung nhẫn và thiện niệm để đối đãi, thì có thể hóa giải được nghịch cảnh. Xét cho cùng, mảnh đất nào dẫu bạc màu cũng tìm được hạt giống phù hợp.
Khích lệ
Lần đầu tiên tham gia buổi họp phụ huynh, cô giáo mầm non nói với người mẹ: “Con trai chị mắc bệnh tăng động, không thể ngồi yên trên ghế dẫu chỉ ba giây.”
Trên đường về nhà, con trai hỏi mẹ cô giáo đã nói những gì. Bà nói với con trai: “Cô giáo nói là bảo bối của mẹ bình thường không thể ngồi yên trên ghế một giây, giờ đã có thể ngồi được 3 giây rồi. Bảo bối của mẹ đã tiến bộ rồi.”
Tối hôm đó, con trai bà ăn liền hai bát cơm mà không cần bón.
Chẳng bao lâu sau, cậu con trai lên tiểu học.
Sau buổi họp phụ huynh, thầy giáo tiểu học lặng lẽ nói với bà: “Cả lớp có 50 học sinh, trong đợt kiểm tra toán lần này, con trai chị xếp thứ 48, trí lực của cháu có chút trở ngại.”
Khi bà về nhà, bà nói với con trai mình rằng: “Thầy giáo nói con chỉ cần cẩn thận thêm một chút, thì vị trí sẽ vượt quá số 48.”
Nghe thấy lời này, thần sắc cậu bé tràn ngập ánh hào quang, khuôn mặt ủ dột đã giãn ra. Hôm sau, cậu đi học còn sớm hơn mọi ngày.
Cậu bé lên cấp hai, lại chẳng thể tránh được buổi họp phụ huynh. Trước khi rời đi, cô giáo cấp 2 nói với bà: “Với thành tích của con chị hiện nay mà nói, việc thi vào trường cấp 3 e rằng có đôi chút e ngại.”
Trên đường về nhà, bà nắm lấy vai con trai nói: “Cô giáo nói là, chỉ cần con nỗ lực, con sẽ rất có hy vọng thi đỗ cấp 3.”
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, khi nhận được thông báo trúng tuyển đại học, cậu bé chạy một mạch từ trường về nhà, đưa cho mẹ một bao giấy rất đẹp chứa thông báo trúng tuyển của một trường đại học danh tiếng. Cậu rớt nước mắt nói với mẹ: “Mẹ, con không phải là một đứa trẻ thông minh, nhưng mẹ vẫn luôn khích lệ con, bao dung con.”
Lúc này, người mẹ ôm con vào lòng, những giọt nước mắt mừng mừng tủi tủi trào ra…
“Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng.” Những lời an ủi, khích lệ khiến con người được thụ ích. Một lời động viên với thiện niệm có thể thay đổi quan niệm và hành vi của một người, cũng có thể ảnh hưởng tới số mệnh cả đời họ.
Niềm tin
Một chàng trai mới tốt nghiệp cấp ba, chưa thi đỗ đại học đã sớm kết hôn. Sau khi kết hôn cậu dạy trong một trường tiểu học. Vì không có kinh nghiệm, nên chưa đầy một tuần cậu đã bị sa thải vì thất trách.
Về đến nhà, người vợ lau nước mắt cho cậu, an ủi nói: “Trong lòng có biết bao nhiêu chuyện, có người có thể bộc bạch ra được, có người không. Anh đừng quá đau lòng vì chuyện này, có lẽ sẽ có việc phù hợp hơn đang đợi anh.”
Sau này, chàng trai ra ngoài đi làm, vì chậm chạp nên lại bị ông chủ cho nghỉ việc. Lúc này vợ cậu lại nói: “Có người nhanh thì cũng có người chậm, người khác đã làm bao nhiêu năm rồi, còn anh chỉ biết học hành, sao có thể nhanh như họ được.”
Chàng trai lại làm rất nhiều công việc khác, nhưng đều giữa đường đứt gánh. Nhưng mỗi lần cậu rầu rĩ trở về nhà, vợ cậu lại an ủi, không một lời oán thán.
Đến khi hơn 30 tuổi, nhờ vào chút thiên phú về ngôn ngữ, cậu làm phụ đạo viên tại một trường câm điếc. Sau này, cậu lại mở một trường dành cho trẻ khuyết tật. Sau đó, cậu mở một chuỗi cửa hàng dành cho những người khuyết tật. Cuối cùng chàng trai đã trở thành một ông chủ có số tài sản hàng tỷ đồng.
Một hôm, khi đã công thành danh toại, chàng trai hỏi vợ vì sao mỗi khi cậu cảm thấy tiền đồ mờ mịt, lý do gì đã khiến cô vẫn tràn đầy lòng tin với cậu?
Câu trả lời của người vợ vừa đơn giản lại mộc mạc. Cô nói:
“Một mảnh đất không thích hợp để trồng lúa, thì có thể thử trồng đậu, nếu đậu cũng không sinh trưởng tốt thì có thể trồng dưa. Nếu dưa cũng không ra quả thì có thể trồng lúa mạch, chắc chắn sẽ đơm bông. Bởi lẽ mỗi một mảnh đất chắc chắn sẽ có một loại hạt giống thích hợp với nó. Cuối cùng ắt sẽ có một vụ mùa bội thu thuộc về mình.”
Nghe được những lời này của vợ, chàng trai rớt nước mắt.
Niềm tin, tình yêu, thiện niệm thường hằng mà người vợ dành cho chồng mình như một hạt giống kiên cường. Sự thành công của chàng trai chính là kỳ tích được nảy mầm, sinh trưởng từ hạt giống kiên cường ấy.
Lê Minh
Xem thêm:
Từ khóa Thiện niệm triết lý nhân sinh nhân sinh cảm ngộ Nghịch cảnh Thiện lương