Vì sao Tử Cấm Thành có hàng ngàn phòng nhưng không có nhà vệ sinh?
Tử Cấm Thành (hay còn gọi là Cố Cung) ở Bắc Kinh, Trung Quốc vô cùng rộng lớn, tuy nhiên lại không có nhà vệ sinh. Vì sao vậy?
Cố Cung là cung điện hoàng gia thuộc hai triều đại Minh – Thanh, trước đây được gọi là Tử Cấm Thành, là một trong trong những kiến trúc cổ được xây dựng bằng gỗ có quy mô lớn nhất thế giới còn tồn tại đến ngày nay.
Cố Cung có tổng diện tích 720.000 m2, diện tích kiến trúc là 150.000 m2, bao gồm hơn 70 cung điện lớn nhỏ và gần 10.000 phòng, có thể nói là thứ gì cũng có, phòng bếp, phòng thay quần áo, thậm chí có cả phòng để đá lạnh, nhưng duy chỉ không có nhà vệ sinh. Vì sao Cố Cung to lớn như vậy mà lại không có nhà vệ sinh?
Chẳng lẽ người ở đó không dùng nhà vệ sinh sao? Đương nhiên là không phải thế, Cố Cung không có nhà vệ sinh là có nguyên nhân. Về việc các hoàng đế ngày xưa nghĩ gì thì chúng ta không biết, nhưng theo như suy đoán của người đời sau thì lý do được mọi người chấp nhận là hoàng đế không cho phép những thứ ô uế như vậy tồn tại trong Cố Cung.
Thật ra nguyên nhân này cũng có thể hiểu được, các Hoàng đế cổ đại “Cửu Ngũ Chi Tôn” (bậc hoàng quyền chí cao vô thượng, tôn quý tứ phương), còn Cố Cung là cung điện hoàng gia, là nơi vô cùng trang nghiêm. Một hoàng cung trang nghiêm như vậy cũng phải có hàng trăm nghìn người sống ở đó, nếu thật sự phải xây nhà vệ sinh vậy thì ít nhất cũng phải xây đến vài chục, thậm chí vài trăm cái, nếu ngày nào đó bị tắc thì cả hoàng cung đều sẽ đầy mùi hôi hám khó chịu, làm sao các hoàng đế có thể cho phép việc này xảy ra được? Vì vậy chỉ có 1 nguyên nhân cho việc Cố Cung không có nhà vệ sinh – đó là sợ mùi hôi thối!
Vậy thì Hoàng đế, Thái hậu, Phi tần và các thái giám, cung nữ trong cung điện giải quyết vấn đề đi vệ sinh này như thế nào? Nhắc đến việc này, người xưa rất thông minh, vào thời Minh – Thanh đã có “nhà vệ sinh di động” rồi, có thể nói là rất cao cấp. Bên trong Cố Cung có sử dụng nhà vệ sinh di động, ở mỗi góc ít ai chú ý nhất trong các cung điện đều sẽ có một phòng gọi là “phòng vệ sinh”, ở đó có để dụng cụ dùng để đi vệ sinh, như là một cái thùng.
Nếu Hoàng đế, Thái hậu hoặc các Phi tần muốn đi vệ sinh thì không phải đi đến “phòng vệ sinh”, chỉ cần nói một tiếng, các thái giám sẽ mang dụng cụ vào phòng để họ sử dụng. Theo tài liệu lịch sử ghi chép, ở mỗi cung điện không chỉ có một “phòng vệ sinh”, điều này có nghĩa là thái giám và cung nữ sẽ dùng phòng vệ sinh riêng.
Tuy không có nhà vệ sinh, nhưng chất thải cũng rất có mùi, để mùi hôi không tiêu tán ra ngoài, các thái giám sẽ phủ tro thơm vào bên trong thùng, như vậy chất thải sẽ bị tro thơm phủ lên và cũng không còn mùi hôi nữa, thậm chí còn có mùi thuốc Đông y thoang thoảng, cũng chứng minh cho câu nói xưa rằng “những người trong cung, ngay cả những thứ thải ra cũng có mùi thơm”.
Theo ghi chép, đối với những thứ ô uế trong thùng, các thái giám đều sẽ mang ra khỏi cung đi đổ, như vậy thì trong cung cũng sẽ không còn bất cứ thứ ô uế nào nữa.
Ngọc Trúc
Xem thêm:
Từ khóa nhà vệ sinh Tử Cấm Thành Cố Cung