3 dự đoán không mấy tươi sáng của Stephen Hawking về tương lai nhân loại
- thanh sơn
- •
Stephen Hawking là 1 nhà khoa học, nhà vật lý học nổi tiếng và giám đốc nghiên cứu tại Đại Học Cambridge, Anh Quốc. Ông đã khơi gợi trí tò mò, truyền cảm hứng và chia sẻ những kiến thức về vũ trụ cho nhân loại.
Ông qua đời vào buổi sáng thứ tư 14/3 ở tuổi 76, sau 52 năm sống với căn bệnh xơ cứng teo cơ một bên (amyotrophic lateral sclerosis, ALS – bệnh Lou Gehrig). Các nghiên cứu của ông về lỗ đen (black hole), cơ học lượng tử (quantum mechanics), và nguồn gốc của vũ trụ… đã tiếp nối các công trình khoa học của Albert Einstein và Werner Heisenberg.
“Mục tiêu của tôi rất đơn giản. Đó là sự thấu hiểu hoàn toàn về vũ trụ, cách nó vận hành và vì sao nó tồn tại.” Trích trong quyển “Những câu nói của Stephen Hawking”.
Ông ra đi, để lại cho chúng ta 1 di sản đồ sộ về kiến thức vật lý, vũ trụ và thiên văn. Ngoài ra, còn có những trăn trở của ông về tương lai của nhân loại, đặc biệt vào những năm cuối đời.
Sau đây là một vài dự đoán của ông về tương lai:
1. Sự gia tăng dân số toàn cầu
Tại hội nghị Tencent, Bắc Kinh vào tháng 11/2017, ông phát biểu: “Đến năm 2600, mật độ dân số sẽ gia tăng đến mức độ báo động, và mức tiêu thụ điện năng sẽ khiến Trái Đất nóng lên như 1 quả cầu lửa.” “Trái đất có thể bị đẩy đến bờ vực, trở thành 1 hành tinh như sao Kim, với nhiệt độ lên đến 250 độ C, và mưa axít lưu huỳnh.”
2. Sự thống trị của trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence – AI)
“Vị thần đèn đã thoát khỏi sự giam cầm. Một mặt, chúng ta cần tiến hành phát triển AI, nhưng đồng thời, cũng phải cảnh giác trước các mối nguy hiểm của chúng,” Ông trả lời trong buổi phỏng vấn với tạp chí WIRED. “Tôi e rằng AI sẽ hoàn toàn thay thế con người. Nếu ai đó thiết kế ra 1 loại vi rút máy tính, hoặc lập trình để AI tự nhân bản chính mình. Chúng có thể trở thành 1 chủng sinh vật mới ưu việt hơn so với nhân loại.”
Stephen Hawking cũng đã nhiều lần nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của AI đối với xã hội con người.
“Tôi tin rằng không có sự khác biệt quá lớn giữa thành tựu được tạo ra bởi 1 bộ não sinh học và bởi 1 cỗ máy. Về lý thuyết, 1 chiếc máy tính có thể mô phỏng trí tuệ của con người, và thậm chí, vượt qua chúng. Trí tuệ nhân tạo đang phát triển vượt bậc. Những thành tựu gần đây như xe hơi tự vận hành, hay chiến thắng ở môn cờ vây chỉ là những dấu hiệu khởi đầu.”
“Những khoản đầu tư khổng lồ sẽ đổ vào công nghệ này. Vài thành tựu trước mắt sẽ chẳng là gì so với những hệ quả mà hàng thập kỷ sau sẽ mang đến.” Ông tiếp tục: “Lợi nhuận tiềm tàng của trí tuệ nhân tạo là quá lớn. Chúng ta sẽ không bao giờ lường trước mình sẽ tạo ra những gì, khi chính bộ não chúng ta được phóng đại bởi AI.”
Ông cảnh báo: “Mọi khía cạnh cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi. Nói ngắn gọn, thành tựu của AI có thể là sự kiện nổi bật nhất trong lịch sử văn minh nhân loại. […] Nó có thể là điều tốt nhất, hoặc tệ nhất có thể xảy ra đến với chúng ta.”
Hiện nay, khi AI tràn ngập mọi phương diện cuộc sống, Stephen Hawking không phải là người duy nhất lo sợ điều này – sự thôn tính toàn diện của AI.
>> Stephen Hawking: Trí tuệ nhân tạo có thể là dấu chấm hết cho loài người
Tuy nhiên, còn có các rủi ro khác.
3. Chúng ta đang tự hủy diệt chính mình
Trả lời đài BBC vào dịp sinh nhật thứ 75 của mình, ông nói: “Tôi lo rằng lòng tham và tính hung bạo đã ăn sâu vào gen của con người.” “Không có 1 dấu hiệu nào cho thấy mâu thuẫn sẽ thuyên giảm, và sự phát triển của công nghệ quân sự cũng như vũ khí hủy diệt hàng loạt có thể tạo nên những thảm kịch cho nhân loại.”
“Trái đất dần trở nên nhỏ hơn cho con người, dân số thế giới đang gia tăng với tốc độ chóng mặt và chúng ta đang cận kề bên bờ hủy diệt… Tôi không thể lạc quan về viễn cảnh lâu dài cho chủng loài chúng ta.”
Stephen Hawking đã nói điều này tại 1 buổi họp mặt ở Đại Học Cambridge năm 2016, cho thấy sự lo ngại của ông về tình trạng biến đổi khí hậu và hủy hoại môi trường. Ông lo rằng, đến 1 ngày nào đó, không còn 1 sinh vật nào có thể sống được trên địa cầu. Trong 1 phim tài liệu năm 2017, ông nói rằng nhân loại chỉ còn 100 năm để tồn tại trên Trái Đất, so với dự đoán 1000 năm của ông 1 năm trước đó.
“Chúng ta đang cận kề thời điểm mà hiện tượng trái đất nóng lên không thể phục hồi. Sự biến đổi khí hậu chính là 1 trong những mối nguy hiểm to lớn nhất mà nhân loại đang phải đối diện, và vấn đề này có thể tránh được chỉ khi chúng ta hành động ngay từ bây giờ.”
>> Chúng ta đã rẽ lối sai ở đâu, để giờ đây “Trái Đất đang ở giới hạn chịu đựng cuối cùng”?
Tuy nhiên, ông cũng đưa ra giải pháp.
Chương trình di cư tới các hành tinh mới
“Nếu nhân loại có thể tiếp tục sinh tồn đến vài triệu năm nữa, tương lai chúng ta sẽ đi đến những nơi chưa từng ai đặt chân đến,” Stephen Hawking phát biểu trong 1 hội nghị tại Norway năm ngoái.
“Chúng ta đang mất dần không gian sinh tồn và cách duy nhất chính là đến những nơi khác. Đã đến lúc, chúng ta phải khám phá những hệ mặt trời mới […] Việc tản ra để khám phá có lẽ là cách duy nhất để chúng ta tự cứu chính mình. Tôi tin chắc rằng nhân loại sẽ rời khỏi Trái Đất.”
“Tôi mong rằng điều này sẽ khiến nhiều quốc gia đối nghịch với nhau cùng hướng về 1 mục tiêu, đối diện với thử thách chung của cả nhân loại… 1 chương trình thám hiểm không gian mới sẽ khơi nguồn cảm hứng cho các thế hệ trẻ, và kích thích sự nghiên cứu ở các lĩnh vực khác, như vật lý thiên thể và vũ trụ học.”
Ông còn đưa ra hàng loạt các cột mốc trong tương lai gần: các quốc gia sẽ phóng phi hành gia lên Mặt Trăng năm 2020, thiết lập các căn cứ trên đó trong 30 năm tới. Con người có thể đặt chân lên sao Hỏa năm 2025.
Thanh Sơn tổng hợp
Từ khóa thảm họa toàn cầu văn minh nhân loại trí tuệ nhân tạo Stephen Hawking