Sự hòa quyện giữa tôn giáo và khoa học
- Quốc Hùng
- •
Chúng ta đang sống trong một thời đại không may mắn vì thường bị buộc phải chọn ủng hộ khoa học hoặc tôn giáo, chứ không thể chọn cả hai.
Thái độ đối đãi một mất một còn như vậy đang ngày một trở nên phổ biến hơn trong xã hội hiện nay, ít nhất là trong giới trí thức tinh hoa. Nhưng liệu nó có đúng đắn và hợp lý không?
Lịch sử đã ghi nhận không ít các nhà khoa học tìm ra những phát kiến lớn lao trong khi vẫn kiên trí đức tin vào một Đấng Sáng Thế. Có thể kể ra Isaac Newton, Nicolaus Copernicus và Gregor Mendel và nhiều nhà khoa học khác – họ đã có được những thành tựu đột phá trong khi tin rằng các phát kiến khoa học là một phần không thể thiếu trên con đường hoàn thành sứ mệnh thần thánh của con người, chứ không phải để phủ nhận sự tồn tại của sứ mệnh ấy.
Năm 1915, Albert Einstein đề xuất thuyết tương đối rộng, lập ra mối quan hệ giữa không gian, thời gian và trọng lực, và đưa ra các phương trình để mô tả mối quan hệ phức tạp đó. Ông đã đạt đến mức độ chi tiết mà người ta không cách nào hình dung ra trước đó.
12 năm sau, Georges Lemaitre, một giám mục Dòng Tên giảng bài tại Trường Đại học Thiên Chúa Giáo Leuven bằng tiếng Bỉ, đã xuất bản một nghiên cứu chấn động có tên “Biên niên sử Xã hội Khoa học ở Brussels.” Lemaitre, người từng học tập và nghiên cứu tại Cambridge, Harvard và MIT, cũng là một tên tuổi nặng ký.
Những gì ông đề xuất trong bài báo năm 1927 ấy là cấp tiến và ngoạn mục.
Sự bắt đầu của thời gian
Những hiểu biết thông thường của giới khoa học về thời gian cho rằng vũ trụ là vô hạn, tồn tại vĩnh viễn và không thay đổi. Nó đã từng và sẽ luôn luôn tồn tại, và nó không có biên giới. Đó là điều Einstein và hầu hết các nhà khoa học có uy tín đều tin tưởng. Sau đó, vị tu sĩ người Bỉ xuất hiện, từ các lý thuyết và phương trình của Einstein mà lập luận rằng những hiểu biết thông thường kia là sai.
Lemaitre cho rằng vũ trụ không phải là vô hạn, nó không tồn tại vĩnh viễn, và nó liên tục thay đổi. Trên thực tế, nó đang nở ra và sẽ tiếp tục nở ra.
Lemaitre không thể dự đoán liệu sự giãn nở ra này cuối cùng có chậm lại rồi dừng hẳn và co lại hay không (các nhà vật lý học hiện đại tin rằng sự nở ra của vũ trụ sẽ tăng tốc và nó sẽ không co lại), nhưng ông ấy chắc chắn rằng sự nở ra đã và đang diễn ra.
Và đây là lúc mọi chuyện trở nên thú vị.
Nếu vụ trụ hiện đang và luôn luôn nở ra, thì có thể kết luận một cách logic rằng, quay ngược lại mà nhìn thời gian, người ta sẽ thấy vũ trụ càng ngày càng nhỏ hơn cho tới khi toàn bộ vũ trụ chỉ còn là một điểm cực kỳ đậm đặc, cực kỳ nhỏ nhưng lại có thể sinh ra toàn bộ vật chất và năng lượng đang tồn tại hiện nay.
Thời khắc mà đơn điểm này sinh ra vũ trụ mà chúng ta biết hiện nay được gọi là Vụ Nổ Lớn – Big Bang (thuật ngữ được nhà thiên văn học Fred Hoyle giới thiệu nhằm chế giễu ý tưởng của Lemaitre). Tác giả Mark Midbon, trong một bài báo xuất bản trên Tạp chí Thịnh vượng chung (Commonweal) năm 2000, đã hùng hồn nhắc lại sự kiện này với cái tên “cái ngày mà không có ngày hôm qua,” một thuật ngữ mà hẳn Lemaitre sẽ ưng ý.
Từ thuyết Big Bang có thể kết luận một cách logic rằng có một thời điểm mà lúc đó thời gian bắt đầu và không gian xuất hiện. Điều diễn ra và tồn tại “trước” thời điểm đó thì người trần mắt thịt chúng ta không thể biết được (dùng từ “trước” trong ngoặc kép là bởi thời gian không thực sự có bất kỳ ý nghĩa gì cho đến khi Big Bang xảy ra).
Có một sự tương hợp rõ ràng giữa thuyết Big Bang và những dòng mở đầu trong cuốn Genesis – Chúa sáng tạo thế giới:
“Ban đầu Chúa tạo ra các thiên đường và trái đất. Lúc đó trái đất không có hình dạng và trống rỗng, bóng tối phủ khắp mọi bề, và Tinh thần của Chúa bay trên mặt nước. Và Chúa nói, ‘Phải có ánh sáng.’ và ánh sáng xuất hiện. Chúa thấy ánh sáng thật tốt, và Ngài phân tách ánh sáng khỏi bóng tối.”
Có rất ít những tín đồ Cơ đốc giáo hôm nay, bao gồm cả tôi, tin vào nghĩa đen của Kinh thánh, và đặc biệt là Kinh Cựu ước cũng vậy. Hầu hết các con chiên Cơ đốc hôm nay, bao gồm cả tôi, tin rằng cả Kinh Cựu ước và Kinh Tân ước chứa đựng những thông điệp được tạo cảm hứng một cách thần thánh thông qua ngòi bút của những sứ giả người trần mắt thịt, và ý nghĩa của chúng sẽ dần sáng tỏ khi con người – một sinh vật có tri giác – tiếp tục trưởng thành hơn.
Dưới góc nhìn ấy, thì câu chuyện trong Chúa sáng tạo thế giới dường như là tương hợp với lý thuyết của Big Bang.
Chủ nghĩa hoài nghi và bằng chứng
Einstein ban đầu lãnh đạm với công trình của Lemaitre. Theo lời vị tu sĩ này, Einsein nói với ông ấy rằng “Vos calculs sont corrects, mais votre physique est abominable” (tạm dịch: “Những tính toán của ông là chính xác, nhưng [hiểu biết] vật lý của ông thì rất tệ”) sau khi vị tu sĩ cho xuất bản tác phẩm của mình. Mô hình một vũ-trụ-ổn-định đại diện cho những hiểu biết thông thường và phổ biến của thời đại lúc bấy giờ, và Eistein – giống như bất kỳ các khoa học gia hợp cách nào khác vào lúc đó – hoài nghi những lý thuyết khác.
Hãy chú ý tới việc sử dụng từ “hoài nghi” hơn là từ “lãnh đạm” hoặc từ “phủ nhận.” Những khoa học gia hợp cách luôn sẵn lòng lắng nghe các lý thuyết khác và sẵn sàng thay đổi ý kiến của họ nếu có đủ chứng cứ. Đối lập với những gì mà những người nhiệt thành với biến đổi khí hậu muốn chúng ta tin tưởng, khoa học không bao giờ là ổn đinh.
Einstein cũng hiểu điều đó như bất kỳ ai khác. Khi đề xuất thuyết tương đối rộng, ông đề cử ba thí nghiệm khả thi để kiểm chứng hoặc phủ nhận lý thuyết của mình. Một trong số đó là thí nghiệm liên quan tới những sự nhiễu loạn nhỏ trong quỹ đạo của Sao Thủy và Einstein có thể tự mình kiểm chứng bằng các thiết bị thời đó. Những sự nhiễu loạn quan sát được tuân theo những gì thuyết tương đối rộng dự đoán, là điều mà mô hình thiếu chính xác hơn của Newton không thể làm được.
Hai thí nghiệm khác mà Einstein đề xuất không thể thực hiện được tới mức độ chính xác trong thời đại của ông. Tuy nhiên, các nhà khoa học tài ba đã có thể làm được cả hai thí nghiệm bằng các công nghệ mới sau khi Einstein ra đi.
Liệu sự đúng đắn của thuyết tương đối rộng và thuyết tương đối hẹp có đồng nghĩa với việc Newton đã sai không? Liệu câu chuyện đáng ngờ về quả táo rơi trúng đầu ông ấy là vô nghĩa? Không. Đó không phải là cách mà khoa học phát triển. Einstein không hề thay thế công trình của Newton – ông ấy chỉ cải thiện nó mà thôi.
>> Các nhà khoa học cảnh báo sự nguy hiểm khi quá tin vào… khoa học
Thú vị là, Einstein không phải là người duy nhất gặp vấn đề với lý thuyết của Lemaitre. Vào thời điểm đó, Arthur Eddington, giám đốc của đài quan sát thiên văn tại Trường Đại học Cambridge nơi Lemaitre đã học toán và khoa học, đã viết rằng ông thấy “thật sai lầm” về ý tưởng không gian và thời gian được tạo ra vào cái ngày mà Midbon gọi là cái ngày không có ngày hôm qua ấy.
Thời gian đã mỉm cười với Lemaitre. Edwin Hubble đã chứng tỏ tiền đề cơ bản của vị tu sĩ là đúng đắn: vũ trụ đang nở ra, và vì vậy, nó chắc chắn phải xuất phát từ một đơn điểm.
Năm 1998, nghiên cứu của các nhà khoa học Adam Riess, Saul Perlmutter và Brian Schmidt, những người giành giải Nobel năm 2011 về Vật lý học cho công trình của họ, đã chứng minh rằng tốc độ của sự giãn nở là tăng tăng đều, có nghĩa rằng Big Bang – và sự sáng tạo ra không gian và thời gian – là sự kiện chỉ diễn ra một lần.
Đối với tôi, những gì diễn ra chỉ một lần trong vĩnh hằng dường như vượt quá tầm hiểu biết của con người và, vì vậy, một cách tất yếu, là bằng chứng cho sự tồn tại của một quyền năng cao cấp hơn. Nói chung, Lemaitre, Hubble, Riess, Perlmutter và Schmidt đã cùng biểu đạt rằng khoa học và tôn giáo là hoà quyện vào nhau. Và chúng ta sẽ trở thành những cá nhân tốt đẹp hơn rất nhiều nếu hiểu được sự thật cơ bản đó.
Tác giả: Richard Trzupek là một nhà hóa học và nhà tư vấn về môi trường, kiêm nhà phân tích tại Viện Hearland. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “Các nhà quản lý nổi loạn: EPA đang phá hủy nền công nghiệp Mỹ như thế nào.”
Từ khóa vụ nổ big bang đạo đức trong khoa học Albert Einstein Thuyết sáng thế Georges Lemaitre