Người lao động Nhật ngủ quá ít, khiến quốc gia thiệt hại 138 tỷ USD/năm
- Quốc Hùng
- •
Người Nhật từ lâu đã nổi tiếng là những người lao động chăm chỉ nhất thế giới. Nhưng nó cũng có mặt trái, đó là họ thiếu ngủ trầm trọng, và điều này cũng gây tác động xấu tới năng suất làm việc của quốc gia.
Thế giới hiện nay không thiếu những “con cú đêm” và người cầu toàn tham vọng. Nhưng trong số họ, người Nhật hẳn chiếm một tỷ lệ lớn.
Dựa trên các số liệu thu thập được từ thiết bị đeo tay theo dõi sức khỏe trên 28 quốc gia, chi nhánh công ty Polar Electro tại Nhật Bản cho biết người Nhật là đối tượng ngủ ít nhất thế giới.
Trung bình nam nữ giới Nhật Bản chỉ ngủ 6 tiếng 35 phút mỗi đêm, ít hơn 45 phút so với số liệu trung bình của quốc tế, và ít hơn gần 1 tiếng so với Phần Lan – nơi có giờ ngủ nhiều nhất.
Ở Nhật tồn tại một thuật ngữ phổ biến – inemuri – chỉ sự ngủ gật khi đang tham gia các cuộc họp hay buổi thuyết trình, thậm chí ngay cả khi họ đang đứng.
Phần lớn các công ty không trách phạt người lao động về chuyện này, trái lại, họ coi đó là biểu hiện của lòng trung thành và cống hiến, miễn là nhân viên vẫn ngồi đó và đừng tỏ ra thoải mái quá trớn. Một cuộc khảo sát khác của nhà sản xuất thiết bị chăm sóc sức khỏe Fuji Ryoki cho biết 92,6% người Nhật trên 20 tuổi nói họ không ngủ đủ.
Việc thiếu ngủ trường kỳ như vậy hiển nhiên là không thể tốt cho sức khỏe của người lao động, cũng như năng suất làm việc của họ. Một nghiên cứu của RAND Europe cho biết, thiếu ngủ khiến Nhật Bản mất 2,92% GDP, tương đương 138 tỷ đôla mỗi năm.
>> Video: 7 cách xua tan mệt mỏi, phục hồi tinh lực khi bạn phải thức khuya
Tổn thất quá lớn về năng suất lao động đặt ra vấn đề cho các công ty Nhật phải thay đổi cách suy nghĩ và khuyến khích người làm nghỉ ngơi nhiều hơn để cải thiện khả năng làm việc của họ.
Nextbeat là một công ty chuyên cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin có trụ sở ở Tokyo. Hãng này đã xây dựng 2 phòng ngủ, một cho nhân viên nam, và một cho nhân viên nữ để họ nghỉ ngơi. Hai căn phòng thơm tho dễ chịu được cách ly với những tiếng động từ bên ngoài cũng như các thiết bị điện tử như máy tính xách tay, điện thoại và máy tính bảng, giúp các nhân viên của hãng có thể yên tâm nghỉ ngơi mà không phải quan tâm tới công việc.
Emiko Sumikawa, một thành viên trong Ban giám đốc công ty cho rằng ngủ ngắn có thể cải thiện hiệu suất cũng nhiều như ăn uống lành mạnh và vận động thể dục thể thao. Hãng cũng yêu cầu các nhân viên rời khỏi văn phòng trước 9h tối và hạn chế làm thêm giờ quá nhiều.
Một công ty khác sử dụng chính sách tài chính để khuyến khích nhân viên đi ngủ. Crazy, công ty chuyên lên kế hoạch cho đám cưới đã xây dựng một ứng dụng giám sát giấc ngủ của nhân viên và thưởng cho họ khoản tiền 64.000 yên, tương đương 13 triệu VNĐ mỗi năm cho những ai ngủ trên 6 tiếng một đêm.
Chính phủ Nhật cũng rất quan tâm tới vấn đề này, khi mới đây Bộ y tế Nhật đã khuyên người lao động trong mọi lứa tuổi nên ngủ khoảng 30 phút vào buổi trưa, việc này cũng nhanh chóng nhận được hưởng ứng từ một số chính trị gia Nhật Bản.
Tuy vậy, những biện pháp trên đây xem ra chưa thể giải quyết được nguyên nhân căn bản của vấn đề. Khi mà xã hội Nhật vẫn đặt sự chăm chỉ và cống hiến của người lao động lên vị trí hàng đầu, áp lực công việc cộng với sự cạnh tranh khắc nghiệt của thị trường lao động, thì thật khó để các nhân viên ‘dám’ thoải mái ngủ ngon.
Điều độ là một việc không hề dễ dàng, nhưng nó rất đáng giá.
Từ khóa người lao động Văn hóa Nhật Bản thức khuya thiếu ngủ