Thị trường smartphone: Lần đầu tiên Samsung để Huawei “vượt mặt”
Samsung và Apple đã thay nhau thống trị thị trường smartphone trên toàn thế giới trong khoảng 10 năm qua. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi, ít nhất là trong quý II/2020.
Cụ thể, theo báo cáo từ công ty phân tích thị trường độc lập Canalys, Huawei đã vượt mặt Samsung để trở thành hãng sản xuất smartphone số 2 thế giới trong quý II/2020. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử gần 10 năm qua, có một tập đoàn công nghệ không phải là Samsung hay Apple chiếm vị trí thứ hai về doanh thu tính trong một quý.
Canalys cho biết trong khoảng từ tháng 4/2020 đến tháng 6/2020, Huawei đã bán được 55,8 triệu chiếc smartphone (giảm 5% so với cùng kỳ năm 2019), còn Samsung bán được 53,7 triệu chiếc (giảm 30% doanh số trong cùng thời gian). Điều này xuất phát từ việc đại dịch COVID-19 bùng phát dẫn đến sự sụt giảm về doanh thu tại các thị trường truyền thống của Samsung như Mỹ, châu Âu, Brazil, Ấn Độ.
Trong khi đó, Huawei chủ yếu chỉ tập trung vào thị trường nội địa và người dân Trung Quốc ưu tiên lựa chọn những sản phẩm của Huawei một phần nhờ tâm lý “bảo vệ gà nhà” trước các lệnh cấm của Mỹ. Trong khi đó, thị phần của Samsung tại đại lục chưa tới 1%.
>> Huawei hết được cập nhật Android, tin xấu cho người dùng
Tuy nhiên, các nhà phân tích tại Canalys cho biết Huawei khó lòng duy trì vị trí này trong những quý tới. Nguyên nhân là do phần lớn lượng smartphone tiêu thụ của Huawei đến từ Trung Quốc nhưng hãng này đang chịu sức ép rất lớn trên thị trường quốc tế bởi lệnh trừng phạt của Chính phủ Mỹ. Cụ thể, có 70% số smartphone của Huawei được bán tại thị trường Trung Quốc, còn lượng smartphone mà hãng bán ra trên thị trường quốc tế giảm 27% so với cùng kỳ năm 2019.
Con đường hẹp cho smartphone Huawei
Còn nhớ, vào tháng 5/2019, Huawei bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen khiến hãng này không thể tiếp cận công nghệ Mỹ khi chưa được phép của Chính phủ. Lệnh cấm khiến Huawei không cài đặt được hệ điều hành Android của Google cho các thiết bị mới. Điều đó khiến cho những smartphone của Huawei suy giảm khả năng cạnh tranh so với các đối thủ, nhất là tại châu Âu, thị trường chủ chốt của Huawei.
Để bù đắp vào khoảng trống mà lệnh cấm tạo tạo ra, Huawei đã ra mắt hệ điều hành riêng có tên HarmonyOS trong năm 2019. Tuy nhiên, thiếu vắng nhiều dịch vụ của Google, smartphone của Huawei mất điểm mạnh trong mắt người dùng. Đồng thời, giới phân tích cũng nghi ngờ về khả năng thành công của hệ điều hành non trẻ này.
Chưa dừng lại ở đó, trong lúc Huawei đang tìm cách lấp khoảng trống trên, thì hãng lại phải chịu thêm đòn trừng phạt nữa từ Chính phủ Mỹ. Trong tháng 5/2020, Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu các công ty nước ngoài sử dụng công nghệ Mỹ phải xin phép Chính phủ nước này trước khi bán hàng cho Huawei.
>> Tổng thống Trump: Huawei là “kênh gián điệp” của ĐCSTQ
Ngoài ra, phía Mỹ tiếp tục cấm Huawei hợp tác với TSMC (Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan), đối tác sản xuất chip quan trọng nhất của hãng sau ngày 14/09 tới đây. Vậy nên, Huawei hiện đang phải gấp rút tích trữ các chip di động 5G, chip wifi, chip tần số radio cũng như chip điều khiển màn hình hiển thị cùng hàng loạt linh kiện khác từ các nhà phát triển chip như MediaTek, RealTek, Novatek.
Để chạy đua với thời gian mà Chính phủ Mỹ đưa ra, một số nhà cung cấp chip thậm chí còn chấp nhận xuất xưởng cho Huawei cả các sản phẩm chưa hoàn thiện lẫn chip chưa được kiểm tra.
Có thể thấy, các động thái trên là những đòn chí mạng đánh trực tiếp vào nguồn cung ứng vi xử lý của Huawei.
Phan Anh (tổng hợp)
Từ khóa samsung Điện thoại Samsung Huawei Điện thoại Huawei điện thoại smartphone