Trồng rau xanh giữa hoang mạc nhờ… nệm cao su cũ
- Lan Anh
- •
Những người tị nạn Syria tại Jordan đang hợp tác với một nhóm chuyên gia về thủy canh từ Đại học Sheffield để tạo ra những “khu vườn sa mạc” có thể trồng các loại rau xanh và thảo mộc chỉ với nước và tấm bọt xốp từ nệm cao su cũ bị vứt bỏ.
Theo nhóm nghiên cứu, tại các trại tị nạn, các nhân viên cứu trợ thường vứt bỏ hàng ngàn tấm nệm xốp đã qua sử dụng, vì thế, nhóm nghiên cứu mà đứng đầu là giáo sư Tony Ryan đã bắt đầu nghiên cứu các tấm bọt cao su trong phòng thí nghiệm, với hy vọng có thể tái chế chúng và sử dụng trong các hệ thống trồng trọt.
“Khi đứng trước một núi các tấm nệm cao su cũ bị vứt bỏ ở trại tị nạn Zaatari, Jordan, chúng tôi rất phấn khởi vì biết rằng mình có thể làm gì với chúng. Chúng tôi có thể trồng mọi thứ trên đó và biến các tấm thảm thành các luống rau xanh”. Giáo sư Tony Ryan nói.
Tại trại tị nạn Zaatari, nhóm nghiên cứu đã làm việc với cư dân để cùng nhau trồng ớt, cà chua, cà tím và bạc hà từ các tấm bọt xốp cũ. Dự án sử dụng các thùng nhựa cũ, đổ đầy nước và các chất dinh dưỡng cần thiết, cây con sau đó được trồng thẳng vào tấm bọt cao su, giúp cố định rễ trong khi cây phát triển.
Nhóm chuyên gia cũng cung cấp cho mọi người các công cụ và kỹ thuật cần thiết để tự trồng thực phẩm cũng như tăng cường sức khỏe tinh thần và phủ xanh không gian trong trại, và giúp họ có thể kiếm việc làm trong tương lai.
Ngoài ra, mọi thứ khác trong hệ thống đều là những vật liệu tái chế: cây được trồng trong các tách cà phê cũ, thùng nhựa cũ, nước được luân chuyển trong các ống nhựa cũ…
Phương pháp này đã giúp giải quyết 2 vấn đề cùng một lúc: vừa có thể tái sử dụng các tấm nệm cũ chất đống trong trại tị nạn, đồng thời có thể trồng thực phẩm lành mạnh tại nơi đất đai cằn cỗi và nước bị nhiễm mặn, không thích hợp cho nông nghiệp.
Sau khi ý tưởng được đưa ra, những người tị nạn được đào tạo các nguyên tắc cơ bản để tự trồng trọt.
Cư dân tại đây đã tự áp dụng kinh nghiệm trồng trọt nhiều năm của mình vào các nguyên tắc thủy canh. Đổi lại, các nhà khoa học cho biết họ cũng đã học được từ những người tị nạn cách phát triển loại vật liệu này trong điều kiện thực tế như sa mạc và ở những nơi có đất bị thoái hóa.
Abu Wessam, người đang sống trong trại, cho biết “phương pháp trồng trọt này đã dạy chúng tôi rất nhiều. Nó không sử dụng thuốc trừ sâu và chất điều hòa sinh trưởng, đồng thời còn sử dụng nước ít hơn 70-80% so với cách trồng trọt thông thường.”
“Sẽ thật tốt nếu tất cả mọi người trong trại học phương pháp này, dự án hiện tại chỉ là dự án thí điểm, tuy nhiên chúng tôi muốn làm cho nó hiệu quả hơn và lớn hơn.”
Bà Maya el-Anani thuộc Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc nói: “Có thể trồng trọt lương thực là cách giúp đỡ mọi người tìm lại một phần cuộc sống đã mất của họ, 80% những người ở đây đều có kinh nghiệm về trồng trọt”
Tính đến hiện nay, đã có gần 1.000 người tị nạn được chia sẻ phương pháp trồng trọt này, các nhà nghiên cứu của Sheffield hy vọng sẽ có thêm nguồn tài trợ để cung cấp hạt giống, chất dinh dưỡng và đào tạo thêm cho 3.000 người tị nạn khác.
Trại Zaatari được mở cửa vào năm 2012 lẽ ra là một nơi sinh sống tạm thời cho những người trốn chạy khỏi Syria bởi các cuộc bạo động và nội chiến. Thế nhưng giờ đây nơi này đã trở thành một thành phố, với hơn 80 ngàn người.
Tiến sĩ Moaed Al Meselmani, Giám đốc Dự án cho biết: “Dự án này kết nối mọi người với nơi cư trú và mang lại cho họ hy vọng cho tương lai”.
“Nếu dự án “khu vườn sa mạc” có thể phát triển bền vững ở Jordan, chúng ta cũng có thể nhân rộng dự án trên khắp thế giới và giúp hàng triệu người tị nạn cùng phát triển.” Giáo sư Tony Ryan cho biết.
Theo DailyMail,
Lan Anh
Từ khóa sa mạc tái thiết Syria Trồng rau sạch bảo vệ môi trường trồng rau