Trung Quốc: 2 con khỉ đầu tiên trên thế giới ra đời nhờ sinh sản vô tính
- Thành Đô
- •
2 con khỉ con đã ra đời ở Trung Quốc bằng phương pháp nhân bản vô tính, tương tự như kỹ thuật đã cho ra đời cừu Dolly hơn 20 năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều phải xem xét về thí nghiệm gây tranh cãi này trên loài linh trưởng.
Các nhà khoa học Trung Quốc đã dùng một kỹ thuật tên là Chuyển thể nhân tế bào sinh dưỡng để tạo ra 2 con khỉ đuôi dài. Được biết, hai con khỉ cái 6 tuần tuổi và 8 tuần tuổi này đều khỏe mạnh và đang sống trong lồng chăm sóc tại Học viện Khoa học Thần kinh Trung Quốc ở Thượng Hải.
Ông Qiang Sun, giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Linh trưởng của Học viện kể trên nói: “Chúng tôi thử vài phương án, nhưng chỉ có 1 cái làm được. Chúng tôi đã thất bại rất nhiều trước khi nhân bản khỉ thành công.”
Quá trình nhân bản này diễn ra như sau: loại bỏ nhân tế bào từ trứng khỏe mạnh và cấy vào đó nhân từ một tế bào khác. Bản sao sẽ giống hệt như con vật cho nhân. Đến nay về lý thuyết kĩ thuật này có thể tạo ra số lượng bản sao không giới hạn từ một cá thể gốc, nhưng thực tế cho thấy đây là một kỹ thuật đặc biệt khó khăn.
Theo ông Muming Poo – đồng tác giả của nghiên cứu, “về lý thuyết, chúng ta có thể áp dụng cho người.” Ngoài ra kĩ thuật này cũng mở ra khả năng tạo một số lượng khỉ với gen đồng nhất để phục vụ cho nghiên cứu.
Liệu tiếp theo có nhân bản người?
Ông Jose Cibelli, một chuyên gia về nhân bản ở Đại học Michigan State của Mỹ cho biết, về mặt kỹ thuật, chỉ trong vài năm nữa là có thể nhân bản người. Sau những cột mốc quan trọng về công nghệ, các nhà khoa học đang kêu gọi mở một hội nghị quốc tế về vấn đề này.
Tuy vậy nhiều nhà khoa học không đồng tình với việc nhân bản người vì cách thức hiện tại là “rất kém hiệu quả và nguy hiểm”. Nhà khoa học Anh – Robin Lovell-Badge – trưởng nhóm ở một trung tâm nghiên cứu sinh học tại London nói: “Áp dụng cách này rõ ràng là hết sức ngốc nghếch, quá kém hiệu quả, quá không an toàn và không để làm gì cả.”
Ông Darren Griffin, giáo sư nghiên cứu gen tại đại học Kent nói với hãng tin AFP: “Báo cáo về việc nhân bản giống linh trưởng đầu tiên không phải người chắc chắn sẽ dấy lên mối lo về mặt đạo đức, với luận điểm rằng nó có thể tạo đà và tiến một bước gần hơn tới nhân bản vô tính người.”
>> Phía sau y thuật ma quỷ “phẫu thuật thay đầu” ở Trung Quốc
Nhân bản động vật có vi phạm đạo đức?
Các nhà bảo vệ động vật cũng lên tiếng chỉ trích các thí nghiệm loại này. Tổ chức bảo vệ động vật PETA đã nhanh chóng chỉ trích thí nghiệm nhân bản khỉ:
“Nhân bản vô tính là một việc kinh dị: lãng phí các sinh mạng, tiền và thời gian, những thí nghiệm ấy đã gây ra những đau khổ [cho động vật] không thể tưởng tượng được,” bà Kathy Guillermo, phó chủ tịch PETA nói.
Tiến sĩ Julia Baines, cố vấn chính sách khoa học cho chi nhánh tại Anh, đã gọi các thí nghiệm trên của Trung Quốc là “tàn ác”. Bà nói với tờ The Sun: “Vì nhân bản vô tính có tỉ lệ thất bại là 90%, nên để có được 2 con khỉ này, có rất nhiều con khác phải chết và trải qua đau đớn.”
Tuy vậy các nhà nghiên cứu tiến hành thí nghiệm này lại cho rằng việc nhân bản linh trưởng có thể có tác dụng tốt trong việc bảo vệ động vật. Bởi vì khỉ thường được dùng trong các nghiên cứu y học về não như bệnh Parkinson, ung thư, rối loạn miễn dịch và rối loạn tiêu hóa, nên nếu dùng động vật nhân bản vô tính thì chúng ta không cần phải dùng động vật hoang dã nữa.
Ông Muming Poo nói: “Riêng ở Mỹ, các công ty dược nhập khẩu từ 30.000 đến 40.000 con khỉ mỗi năm, gen của chúng đa dạng và không giống hệt nhau nên bạn cần số lượng khỉ rất lớn. Vì lý do đạo đức, tôi nghĩ nhân bản vô tính khỉ sẽ giúp giảm số khỉ dùng trong các thí nghiệm về thuốc.”
Tuy nhiên, nếu suy xét kĩ về nhận định này, động vật hoang dã là sinh mệnh; động vật nhân bản vô tính có được xem là sinh mệnh hay không? Chúng có biết đau đớn không?
“Thí nghiệm này và tất cả các thí nghiệm khác trên động vật cần phải chấm dứt ngay,” bà Kathy Guillermo nói.
Theo AFP,
Thành Đô
Từ khóa đạo đức trong khoa học Bảo vệ động vật nhân bản vô tính sinh sản vô tính