Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã tuyên bố tại cuộc họp Next của Reuters vào thứ Năm (2/12) rằng biến thể Omicron của COVID-19 có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề của chuỗi cung ứng và kìm hãm nhu cầu, dẫn đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.

Janet Yellen scaled
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. (Ảnh: flickr/Federal Reserve)

Virus biến thể Nam Phi

Hôm thứ Năm bà Yellen đã đề cập đến thực tế là biến thể Delta của COVID-19 xuất hiện vào đầu năm nay đã làm nền kinh tế Mỹ suy thoái nghiêm trọng, còn biến thể Nam Phi vừa xuất hiện là một chủng biến thể có khả năng lây nhiễm cao và khó lường về tầm ảnh hưởng.

Bà Yellen nói: “Hy vọng rằng nó không phải là thứ sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế một cách đáng kể. Có rất nhiều điều không chắc chắn nhưng nó có thể gây ra những vấn đề lớn. Chúng ta vẫn đang đánh giá về chuyện này”.

Bà cho rằng chủng COVID-19 mới có thể làm vấn đề chuỗi cung ứng trầm trọng thêm và thúc đẩy lạm phát, nhưng cũng có thể kìm hãm nhu cầu và khiến tăng trưởng chậm lại, điều này có thể làm giảm bớt một số áp lực lạm phát.

Biến thể Omicron lây lan đã làm chao đảo thị trường tài chính và khiến các chính phủ trên thế giới thắt chặt các hạn chế đi lại và nơi làm việc. Hôm thứ Năm, Mỹ báo cáo đã phát hiện trường hợp đầu tiên của biến thể mới Omicron lây lan trong cộng đồng.

Bà Yellen cho biết tại hội nghị toàn cầu ảo rằng bà chuẩn bị bỏ thuật ngữ “tính quá độ”. Fed đã sử dụng thuật ngữ này để mô tả lạm phát hiện đang cản trở nước Mỹ phục hồi sau đại dịch COVID-19, và Chủ tịch Jerome Powell của Fed đã đưa ra một tuyên bố liên quan trong bình luận công khai vào đầu tuần này. 

“Tôi đã sẵn sàng để từ ‘tính quá độ’ này nghỉ ngơi. Tôi đồng ý rằng đây không phải là một mô tả thích hợp về vấn đề mà chúng tôi đang giải quyết”, bà Yellen nói.

Nền kinh tế mạnh mẽ

Bà Yellen nhấn mạnh rằng kích thích chi tiêu của chính quyền Biden vào đầu năm nay không phải là động lực chính thúc đẩy giá tiêu dùng tăng, lý do chủ yếu là do các vấn đề về chuỗi cung ứng và tình trạng chênh nhau nhiều giữa cung và cầu. Vào tháng 10 giá tiêu dùng của Mỹ đạt mức cao nhất trong 31 năm qua và tăng gấp đôi mục tiêu lạm phát 2% của Fed.

Bà Yellen nói rằng kế hoạch giải cứu trị giá 1,9 nghìn tỷ USD được Quốc hội thông qua vào đầu năm nay đã giúp những người Mỹ dễ bị tổn thương vượt qua thời kỳ tồi tệ nhất của đại dịch và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ.

Mặc dù “ở một mức độ nhất định” động thái có thể đã góp phần vào lạm phát, nhưng bà cho rằng lạm phát chủ yếu là do đại dịch và sự chuyển hướng tiêu dùng trên quy mô lớn sang hàng hóa hơn là dịch vụ.

Bà cho rằng Fed cần hết sức lưu ý đến việc tăng lương để tránh “vòng xoáy giá – lương” từng xuất hiện trong những năm 1970 mang tính hủy diệt và kéo dài.

Bà Yellen, người lãnh đạo Fed từ năm 2014 – 2018, nói rằng ngân hàng trung ương Mỹ nên quyết định cách xử lý lãi suất, nhưng nền kinh tế Mỹ mạnh có thể thúc đẩy Fed tăng lãi suất, đây thường là điều tốt cho phần còn lại của thế giới.

Bà cho biết chính phủ của Tổng thống Biden đang hợp tác chặt chẽ với khu vực tư nhân để hạn chế tăng giá, và trích dẫn những nỗ lực để tăng tốc độ xếp dỡ container tại cảng và khuyến khích sản xuất chất bán dẫn trong nước.

Quan hệ Mỹ-Trung

Bà nói rằng việc giảm thuế quan từ thời ông Trump đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc thông qua việc khôi phục quy trình loại trừ có thể giúp giảm bớt một số áp lực lạm phát, nhưng điều đó sẽ không giúp Mỹ trở thành “kẻ thay đổi cuộc chơi”.

Mặc dù bà “cởi mở” đến thăm Trung Quốc và gặp gỡ các quan chức Chính phủ Trung Quốc, nhưng Yellen nói rằng hiện tại không có chuyến đi nào như vậy trong chương trình nghị sự của bà.

Bà cho biết sẽ tiếp tục tham gia với người đồng cấp Trung Quốc là Phó Thủ tướng Lưu Hạc về các thông lệ kỹ thuật, thị trường chứng khoán và thực tiễn tỷ giá hối đoái, đồng thời cố gắng tái cân bằng nền kinh tế Trung Quốc theo hướng chi tiêu của người tiêu dùng.

Bà Yellen cũng cho thính giả của Reuters Next biết rằng bà vẫn chưa quyết định liệu Fed có nên tạo ra đồng đô la kỹ thuật số hay không, cũng như vấn đề theo chân Trung Quốc một số nước khác để phát triển tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương.  Bà nói rằng ưu và nhược điểm của động thái này cần được cân nhắc, bao gồm cả tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với hệ thống ngân hàng và cần có sự đồng thuận giữa Cục Dự trữ Liên bang cùng chính quyền Biden và Quốc hội thì mới có thể quyết định được.

Lý Nguyên, Epoch Times

Xem thêm: