Thị trường chứng khoán Việt Nam kết thúc năm 2022 với xu hướng lấp lửng trong sắc đỏ. Chỉ số đại diện VN-Index đã giảm hơn 500 điểm trong cả năm so với mức đỉnh thiết lập ở mức 1.525 điểm, tương đương giảm tới 34%, đảo lộn mọi dự báo của giới đầu cơ chứng khoán.

chung khoan 2022
Chỉ số VN-Index chốt phiên cuối năm với xu hướng lấp lửng, quanh mốc 1.000 điểm. (Ảnh: Đồ thị kỹ thuật/CafeF.vn)

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/12, chỉ số đại diện thị trường chứng khoán VN-Index giảm 2,2 điểm xuống 1.007 điểm; còn chỉ số HNX-Index giảm 1,23 điểm xuống 205,3 điểm; Upcom-Index giảm nhẹ xuống 70,8 điểm. Thanh khoản giảm mạnh xuống chỉ còn 7.700 tỷ đồng trên 3 sàn, trong đó có hơn 6.730 tỷ đồng trên HoSE.

Mặc dù hầu hết thời gian trong phiên giao dịch 30/12, chỉ số chứng khoán VN-Index vẫn neo được trên sắc xanh tăng điểm, nhưng ngay vào thời điểm gần khép phiên, chỉ số này lại đảo chiều lao dốc xuống sắc đỏ giảm điểm (-2,2 điểm), lùi về quanh ngưỡng 1.000 điểm.

Theo nhận định chung, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một năm thăng trầm, nhiều biến động. Tính chung cả năm 2022, chỉ số VN-Index giảm 34%, từ mức đỉnh 1.525 điểm ghi nhận trong phiên đầu năm.

Trước đó, thị trường tăng bùng nổ trong năm 2021 và tiếp tục đứng quanh mức cao kỷ lục trong quý 1/2022. Tuy vậy, đà tăng không kéo dài được lâu và đảo ngược mọi dự báo, cũng như kỳ vọng của giới đầu cơ chứng khoán.

Cụ thể, giới đầu tư và đầu cơ chứng khoán trong nước bất ngờ trước hàng loạt vụ bắt giữ và phanh phui hành vi thao túng giá chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các lãnh đạo tập đoàn lớn như: ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tân Hoàng Minh), ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch FLC), bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Vạn Thịnh Phát), v.v…

Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản bị bán giải chấp khối lượng lớn cổ phiếu, khiến giá lao dốc, nhiều mã mất tới 80 – 90% giá trị. Chỉ số VN-Index tụt về đáy 873,8 điểm trong buổi sáng ngày 16/11.

Những thông tin tiêu cực và lan nhanh đã khiến kỳ vọng phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 như nhận nhiều “gáo nước lạnh”.

Xét yếu tố bên ngoài, thị trường áp lực bởi thông tin từ cuộc chiến Nga – Ukraine, Trung Quốc áp dụng chính sách “Zero-COVID” khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) thực hiện chính sách “diều hâu” khi liên tục tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát…

Điểm sáng trong cả năm nay, chính là việc khối ngoại mua ròng hơn 29.800 tỷ đồng, trái ngược với cảnh bán ròng ở năm liền trước (-60.600 tỷ đồng), góp phần kìm hãm đà giảm của thị trường, nâng đỡ tâm lý nhà đầu tư trong nước.

Tính chung 11 tháng đầu năm 2022, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới hơn 2,48 triệu tài khoản, gấp 2,6 lần so với cuối năm trước. Tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt gần 6,8 triệu tài khoản, tăng gần 58% so với cuối năm 2021.

Trong đó bao gồm 6,75 triệu tài khoản nhà đầu tư trong nước (+58%) và 42.458 tài khoản nhà đầu tư nước ngoài (+7,4%).

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến ngày 23/12/2022, giá trị vốn hóa 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM ước đạt hơn 5,2 triệu tỷ đồng, giảm 32% so với cuối năm 2021, tương đương 62,2% GDP Việt Nam.

Đức Minh