Giá vàng trong nước luôn cao hơn thế giới – Thất bại chính sách và hệ lụy
- Phương Nga - Nguyên Hương
- •
Giá vàng trong nước thường xuyên cao hơn vàng thế giới từ 3-4 triệu đồng/ lượng. Dưới góc nhìn kinh tế, ở đâu có chênh lệch giá (có thể sinh lời) ở đó sẽ hấp dẫn dòng vốn (dưới bất kể hình thức nào). Một nguồn lực kinh tế lớn không chảy vào sản xuất mà bị hấp dẫn bởi khe hở chính sách, nơi không tạo giá trị gia tăng. Hơn nữa, ổn định tỷ giá mãi chênh vênh khi tài khoản “Lỗi và sai sót” của Cán cân thanh toán quốc tế luôn rất lớn, có thể một phần do buôn lậu vàng.
Trong phiên giao ngày 10/3, giá vàng miếng JSC được mua vào 36,46 triệu đồng/lượng và bán ra 36,51 triệu đồng/lượng. Trên thị trường thế giới, tính tới đầu giờ chiều 10/3, giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.197 USD/ounce. Quy đổi theo giá USD niêm yết, giá vàng thế giới hiện đang thấp hơn giá vàng trong nước gần 3,59 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước luôn cao hơn thế giới và hệ lụy đối với nền kinh tế
Thực tế, thị trường vàng trong nước và quốc tế là không liên thông. Đây cũng là thất bại lớn nhất của chính sách vàng trong nhiều thập kỷ qua. Khi có chênh lệch giá, dòng tiền (dù chính thống hay phi chính thống) đều có xu hướng “đầu cơ” vào nơi có chênh lệch, dưới bất kể hình thức nào.
Theo nguyên tắc thị trường, khi chênh lệch giá xuất hiện, sẽ luôn tồn tại các phương thức kinh doanh (ngay cả khi không hợp pháp) hấp dẫn các dòng vốn của nền kinh tế. Các phi vụ buôn lậu vàng được phát hiện dưới nhiều hình thức (nhập lậu dưới dạng trang sức, vàng miếng…) vẫn luôn tồn tại trong nhiều năm qua. Một con số khác cũng phần nào cho thấy việc buôn lậu vàng dường như luôn âm thầm diễn ra trong nhiều thập kỷ và chưa có dấu hiệu dừng lại, đó là khoản mục lỗi và sai sót của cán cân thanh toán quốc tế luôn rất cao, đặc biệt tăng cao trong những năm khủng hoảng, khi nguồn vốn trú ngụ vào tài sản rủi ro thấp như vàng. Giai đoạn 2012 – 2013, tài khoản lỗi và sai sót của Cán cân thanh toán quốc tế lên tới hơn 12 tỷ USD. Tình trạng này không cải thiện đáng kể trong những năm gần đây khi rất nhiều giao dịch thương mại quốc tế không được ghi nhận theo con đường chính thống, trong đó có vàng.
Từ góc độ quản lý nhà nước, chính sách đã tạo thêm một “lỗ hổng” thị trường hấp dẫn dòng vốn nhãn rỗi kiếm lời qua chênh lệch giá thay vì chảy vào khu vực sản xuất, kinh doanh tạo giá trị gia tăng hữu hiệu hơn cho nền kinh tế. Hơn nữa, việc tài khoản lỗi và sai sót luôn âm với số lượng ngoại tệ lớn sẽ tác động xấu tới khả năng Ngân hàng Nhà nước (SBV) ổn định thị trường tiền tệ theo đúng chức năng của mình.
Chính sách quản lý vàng không thể hoàn thành sứ mệnh lớn nhất của nó – xóa bỏ vùng chênh lệch giá với quốc tế
Hiện nay SBV là cơ quan quản lý và kinh doanh vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ – CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng thị trường (gọi tắt là Nghị định 24). Kể từ khi áp dụng Nghị định mới, SBV đã nhiều lần khẳng định trước Quốc hội rằng vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường vàng đã được nâng cao. Toàn bộ quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng đã chuyển hoàn toàn sang quan hệ mua, bán vàng; tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế đã từng bước được ngăn chặn. Đặc biệt, tình trạng sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán về cơ bản đã được chấm dứt.
Tuy nhiên, diễn biến thực tế đã hoàn toàn đi ngược lại với mong muốn chính sách, càng không mang lại hiệu quả như SBV báo cáo trước Quốc hội. Về cơ bản, Nghị định 24 có một số điểm chính như sau:
- SBV là cơ quan quản lý thống nhất các hoạt động kinh doanh vàng (trừ hoạt động khai thác và tinh luyện vàng của các doanh nghiệp khai thác vàng).
- SBV độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng; quyết định số lượng theo cung – cầu thị trường
- Hoạt động kinh doanh vàng miếng; sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được SBV cấp giấy phép.
Như vậy, vấn đề lớn nhất ở đây là nếu SBV có thể thực hiện (một cách khoa học và công tâm) về việc đảm bảo cung đáp ứng cầu, mua bán nguyên liệu làm vàng miếng chuyên nghiệp như những doanh nghiệp/nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm thị trường để có mức giá nhập khẩu tốt nhất, chi phí quản lý, tài chính thấp nhất thì cũng có thể góp phần làm giá vàng trong nước liên thông tốt hơn với giá vàng thế giới. Ngoài ra, việc SBV quản lý thị trường vàng hiện nay cũng tương đồng như việc SBV kinh doanh vàng miếng; SBV sẽ phải gánh cả rủi ro thị trường khi giá vàng thế giới biến động. Điều này có thể tác động xấu tới sự ổn định của nguồn ngoại hối dự trữ, khiến SBV khó lòng đảm trách vai trò quản lý chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô.
Đáng lưu ý là, giai đoạn từ khi áp dụng Nghị định 24 cho đến nay, giá vàng cũng như hoạt động đầu cơ vàng của thế giới không có biến động lớn như giai đoạn trước đó và cũng là có thể là tương lai sau này. Đây cũng là điểm thuận lợi nhất đối với Nghị định 24 kể từ khi triển khai.
Phương Nga – Nguyên Hương
Xem thêm:
Từ khóa giá vàng kinh doanh