Liệu Alipay của Alibaba sẽ là ‘Grab, Uber’ mới trong ngành thanh toán di động Việt Nam?
- Chân Hồ
- •
Trong bối cảnh NHNN Việt Nam đang thúc đẩy việc hạn chế sử dụng tiền mặt, mà mới đây trong Dự thảo sửa đổi bổ sung về hoạt động thẻ ngân hàng đã hạn chế việc rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng, thì sự góp mặt của Alipay vào thị trường thanh toán trực tuyến Việt Nam được dự báo sẽ có tác động mạnh, mở đường cho vó ngựa chinh phạt của Alibaba tiến đến thâu tóm nhiều lĩnh vực quan trọng.
Những bước đi dọn đường tại thị trường Việt Nam
Ngày 10/11/2017, Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và Công ty ví điện tử Alipay thuộc sở hữu của Tập đoàn Alibaba chính thức thiết lập quan hệ hợp tác thông qua việc ký kết thỏa thuận chiến lược giữa hai bên.
Theo đó, NAPAS và Alipay sẽ bắt tay nhau trong việc thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Còn có nguồn tin cho hay, Alipay cũng đang tìm cách mua cổ phần của một công ty dịch vụ công nghệ tài chính về lĩnh vực thanh toán lớn tại Việt Nam (Fintech Payment).
Trước đó vào tháng 4/2016, Alibaba của Jack Ma đã tuyên bố chiếm quyền kiểm soát trang thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam là Lazada, với khoản đầu tư 1 tỷ USD. Sau đó, Alibaba tiếp tục mua lại mảng thanh toán online HelloPay của Lazada đang hoạt động tại Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore.
Tại Trung Quốc, Alibaba không chỉ thâu tóm thị phần lớn về thương mại điện tử với Alipay, mà còn cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng về cả huy động và cho vay, bằng quỹ thị trường tiền tệ ảo Yu’E Bao (lớn thứ 4 thế giới) và ngân hàng trực tuyến MyBank của nó.
Với tiềm lực tài chính mạnh và chiến lược mở rộng thị trường khắp Đông Nam Á, có thể dự đoán được sự can thiệp của tập đoàn công nghệ Trung Quốc này đối với ngành thương mại điện tử Việt Nam nói chung và thanh toán trực tuyến nói riêng, qua đó kiểm soát sâu rộng vào ngành tài chính và các lĩnh vực thiết yếu, khiến Việt Nam có nguy cơ ngày càng bị lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc nhiều hơn nữa.
Vào ngày 12/11 vừa qua, sau khi tham dự Hội nghị diễn đàn kinh tế châu Á – Thái Bình Dương APEC tại Đà Nẵng, ông Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp nhà nước với Việt Nam. Tại Hà Nội, hai bên đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác và trao đổi thông tin thanh tra, giám sát ngân hàng giữa NHNN Việt Nam và Ủy ban quản lý giám sát ngân hàng Trung Quốc.
Trong dịp này, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc cũng đã được cấp phép mở chi nhánh chính thức tại Việt Nam.
Đề nghị tại Hội đàm, ông Tập Cận Bình cho rằng hai bên cần hợp tác chặt chẽ về thương mại, cơ sở hạ tầng, tài chính tiền tệ. Gắn liền với chiến lược “Một vành đai, một con đường”.
Ngoài ra, trong cuộc gặp mặt với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 6/11 trước đó, chủ tịch Alibaba đã được đề nghị hỗ trợ xây dựng gian hàng Việt Nam trên ứng dụng thương mại điện tử của Alibaba; hỗ trợ tập huấn, đào tạo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ về ứng dụng các mô hình thương mại điện tử. Thủ tướng cũng cho rằng việc Alibaba có mặt ở Việt Nam là tín hiệu đáng mừng đối với sự phát triển thương mại điện tử của Việt Nam.
Từ sự “mở đường” này, có thể thấy một tương lai không xa doanh nghiệp này sẽ có được những ưu đãi và chính sách tốt về pháp lý, thể chế để chiếm lĩnh thị trường bán lẻ và hệ sinh thái trực tuyến Việt Nam.
>> Thu giữ 14.000 chai rượu Penfolds giả được bán trên mạng của Alibaba
Liệu Alipay của Alibaba sẽ là “Grab, Uber” mới trong ngành thanh toán di động Việt Nam?
Trước Alipay, đã có 25 ứng dụng ví điện tử được nhà nước cấp phép, trong đó có Google Pay, Samsung Pay, Android Pay… NAPAS cùng với Samsung và 6 ngân hàng thương mại đã cung cấp ra thị trường sản phẩm Samsung Pay – ứng dụng ví điện tử trên điện thoại di động Samsung.
Tuy nhiên, cho đến nay, các ví điện tử này phát triển khá èo uột, chưa phổ biến. Lý do chủ yếu là không có mối liên kết chặt chẽ với khách hàng đầu (các cửa hàng, người bán…) – cuối (người tiêu dùng), không nằm trong một hệ sinh thái hoàn chỉnh.
Nhưng với Alipay sẽ là một câu chuyện khác. Tại Trung Quốc, Alipay có công lớn giúp Taobao đánh bật được eBay ra khỏi thị trường. Thành viên Taobao thanh toán qua Alipay luôn nhận được rất nhiều ưu đãi.
Chưa hết, vào năm ngoái, Uber cũng đã bị “thổi bay” khỏi Trung Quốc theo cái cách không ai ngờ tới. Didi là đối thủ cạnh tranh chính của Uber trong lĩnh vực taxi công nghệ tại quốc gia đông dân nhất thế giới này, tuy nhiên, sự thất bại của Uber không phải vì công nghệ hay dịch vụ của Uber kém hơn so với đối thủ Didi, mà một nguyên nhân nổi trội hơn cả đến từ sự kết hợp của Didi với các kênh thanh toán nội địa trong đó có Alipay. Khách hàng sử dụng ứng dụng gọi xe của Didi sẽ được giảm giá lên đến 50-60% khi họ chấp nhận thanh toán bằng Alipay.
Đây là một điểm rất quan trọng. Đối với Alibaba, việc đổ tiền vào các chương trình ưu đãi khủng như thế không phải là vấn đề quá lớn đối với họ, đổi lại, giáo dục khách hàng có thói quen chi trả các hóa đơn bằng Alipay mới là mục tiêu lớn.
Tại Việt Nam, công thức đó sẽ được áp dụng. Việc Alibaba mua Lazada không chỉ để mở rộng thị phần mảng thương mại điện tử, mà còn để dọn đường cho đế chế tài chính trực tuyến Ant Financial (công ty mẹ của Alipay) càn quét thị trường. Nếu Alibaba mua thêm một website mua sắm trực tuyến nữa ở Việt Nam, đồng thời lập thêm cả công ty giao nhận như đã làm ở một số nước, hệ sinh thái của Alipay sẽ được hoàn chỉnh (từ bán hàng online, vận chuyển đến thanh toán), và sự bùng nổ của Alipay là điều được dự báo trước.
Thật sự, nếu Alipay phối hợp với Lazada thực hiện các chương trình khuyến mãi lớn dành cho khách hàng thanh toán bằng Alipay, cuộc chơi sẽ thật sự bùng nổ tương tự như Grab, Uber trong ngành vận tải.
Trong những cuộc cạnh tranh dựa vào “khuyến mãi khủng” này, người chiến thắng là người kiên trì và có đủ tài chính để đi đến cùng. Alipay của Jack Ma có thừa khả năng đó.
NAPAS là gì? tiền thân là Công ty cổ phần Chuyển mạch tài chính quốc gia Việt Nam, là đơn vị trung gian thanh toán được ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử tại Việt Nam. NAPAS hiện đang quản trị và vận hành hệ thống chuyển mạch kết nối liên thông hơn 17.300 máy ATM, 270.600 máy POS phục vụ hơn 100 triệu chủ thẻ của 43 ngân hàng thương mại trong nước và quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam. NAPAS là đơn vị đứng sau những kết nối liên ngân hàng giúp các giao dịch chuyển khoản giữa các ngân hàng được tiến hành thuận tiện, mau chóng. Vào ngày 13/09/2017, NAPAS cùng với Samsung và 06 ngân hàng thương mại đã cung cấp ra thị trường ứng dụng thanh toán di động Samsung Pay trên nền tảng hạ tầng chuyển mạch tài chính và hạ tầng số hóa thanh toán của NAPAS cho sản phẩm thẻ ATM nội địa của các ngân hàng tại Việt Nam. |
Chân Hồ (t/h)
Từ khóa thương mại điện tử Alibaba Jack Ma Thị trường thương mại điện tử Alipay