Lỗ hổng thanh toán tại Việt Nam, tiền chảy sang Trung Quốc
- Chân Hồ
- •
Nhiều lo ngại xung quanh việc Alipay và Wechat Pay được sử dụng rộng rãi sẽ khiến dòng tiền chảy lọt ra nước ngoài, chính phủ thất thu thuế, các ngân hàng Việt Nam bị chiếm thị phần gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.
Hình thức thanh toán bằng mã QR bùng nổ trong thời gian gần đây khiến tình trạng chuyển ngân lậu dự báo sẽ gia tăng và trở nên khó kiểm soát.
Trong đó, hai ví điện tử được sử dụng phổ biến trong tình huống này là ứng dụng Alipay của Alibaba và ứng dụng Wechat Pay của Tencent (Trung Quốc).
Theo báo Thanh Niên, tại chợ Hàn (Đà Nẵng) ngày 3/7 đã xuất hiện một quầy hàng treo bảng chấp nhận thanh toán bằng Alipay. Chỉ cần chủ cửa hàng gửi mã và người mua thanh toán thì giao dịch hoàn tất. Hình thức thanh toán này đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các nơi tập trung nhiều du khách Trung Quốc như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Nha Trang…
Đáng lo ngại, hình thức thanh toán qua Alipay hay Wechat Pay cho phép các giao dịch được thực hiện bằng đồng tiền Nhân dân tệ chuyển thẳng sang các ví điện tử đặt tại Trung Quốc mà không phải qua bất cứ một ngân hàng nào tại Việt Nam. Đây chính là hình thức chuyển ngân lậu ra nước ngoài.
Trước đó, vào cuối tháng 4, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh phát hiện 3 máy POS lạ được sử dụng tại một hiệu thuốc nổi tiếng ở TP. Hạ Long. Điều đáng nói, những máy POS này không kết nối qua ngân hàng và công ty thanh toán Việt Nam mà chuyển thẳng tiền thanh toán ra nước ngoài, kèm theo đó là những hóa đơn sử dụng bằng ngôn ngữ Trung Quốc có giá trị thanh toán lên đến hàng mấy trăm triệu đồng.
Với việc dòng tiền chảy lọt ra khỏi Việt Nam sẽ khiến Nhà nước thất thu thuế, các ngân hàng và công ty thanh toán trong nước bị chiếm thị phần. Thậm chí, nếu các ứng dụng thanh toán này bắt tay với các nhà bán lẻ lớn thì có nguy cơ ngành dịch vụ thương mại, thanh toán điện tử của Việt Nam đều rơi vào tay nước ngoài.
Trên thực tế, Alibaba đã mua lại website thương mại điện tử có doanh số đứng đầu Việt Nam là Lazada, cùng với việc ứng dụng Alipay của Tập đoàn này ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt với Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) vào cuối năm 2017, có thể thấy những bước đi chiến lược của Alibaba đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho xu thế thanh toán bằng mã QR đang nở rộ.
Trong khi đó, một trang thương mại điện tử lớn khác của Việt Nam là Tiki cũng bị Tập đoàn thương mại điện tử JD.com của Trung Quốc mua lại phần lớn cổ phần.
Một khi các dòng tiền thanh toán hàng hóa và dịch vụ tại Việt Nam đều thông qua ứng dụng thanh toán của các tập đoàn công nghệ Trung Quốc, nguy cơ không những lĩnh vực tài chính trong nước bị thâu tóm, mà còn liên quan đến an ninh tiền tệ, hành vi và thói quen tiêu dùng của người Việt hoàn toàn có thể bị nắm bắt và khai thác.
Bởi đứng sau Alipay và Wechat Pay là các Tập đoàn Alibaba và Tencent – dưới sự hậu thuẫn mạnh mẽ của chính quyền đảng cộng sản Trung Quốc – đều đang đẩy mạnh cung cấp cho người dùng “hệ sinh thái” trực tuyến bao gồm thương mại điện tử, thanh toán di động, dịch vụ tài chính thông minh (fintech) và cả mạng xã hội không chỉ ở Trung Quốc mà còn lan rộng sang cả các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
“Nếu không bịt các lỗ hổng này sẽ khiến nguy cơ chảy ngân lậu gia tăng. Không chỉ nhà nước thất thu thuế từ các giao dịch chi tiêu trong nội địa mà chính sách tiền tệ cũng bị ảnh hưởng nặng”, TS. Nguyễn Văn Thuận từ Trường ĐH Tài chính – Marketing TP.HCM cho hay.
Chân Hồ
Xem thêm:
Từ khóa Alibaba Alipay thanh toán bằng mã QR lazada thương mại điện tử