Dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng ở Việt Nam và có thể làm ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn, tạo áp lực lên lạm phát, theo Chỉ thị 21 của Thủ tướng Chính phủ.

quang tri duoc ho tro 10 000 lit hoa chat chong dich ta lon chau phi
Giới chức Y tế huyện Triệu Phong kiểm tra dịch bệnh tả lợn Châu Phi. (Ảnh: Truyền hình Quảng Trị/Facebook)

Tả lợn châu Phi đã từng gây gián đoạn đối với thị trường thịt lợn trị giá 250 tỷ USD toàn cầu. Đợt dịch nặng nề nhất là vào năm 2018 và 2019, khoảng một nửa số lợn nuôi đã bị chết ở Trung Quốc – nước sản xuất nhiều thịt lợn nhất thế giới, gây ra tổn thất ước tính khoảng hơn 100 tỷ USD.

Theo Chỉ thị 21 của Thủ tướng Chính phủ, mối nguy về sự lan rộng của bệnh dịch là rất cao và có thể gây sức ép lên giá tiêu dùng và môi trường.

Việt Nam đã tiêu huỷ 42.400 lợn bị nhiễm bệnh trong năm nay, con số này cao gấp năm lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Việt Nam đã phát hiện 660 điểm bùng phát dịch trong năm nay, cao hơn nhiều so với con số 208 của năm ngoái.

Hồi tháng 7 năm ngoái, Việt Nam đã phê duyệt việc dùng vắc xin tả lợn châu Phi sản xuất trong nước. Đây là vắc xin phòng ngừa bệnh tả lợn châu Phi đầu tiên trên thế giới.

Tuy nhiên, vào tháng 12 năm ngoái, Tổ chức Y tế Thế giới đã lên tiếng cảnh báo và đề nghị có thêm xét nghiệm đối với loại vắc xin này.

Số lợn được tiêm vắc xin phòng tả lợn châu Phi còn ít

Theo Cục Thú y, thực tế 100% ổ dịch đều chưa tiêm vắc xin tả lợn châu Phi.

Vắc xin này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo sử dụng đại trà từ cách đây một năm nhưng tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dịch này trên cả nước lại đang ở mức rất thấp. Hiện trạng này cũng xảy ra cả ở địa phương duy nhất trên cả nước triển khai tiêm đại trà vắc xin tả lợn châu Phi là tỉnh Cao Bằng.

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát và lây lan mạnh nhất là tại các tỉnh phía Bắc với 2 tỉnh có số lợn bị tiêu hủy nhiều nhất là Lạng Sơn và Bắc Kạn. Tuy giáp ranh với cả 2 tỉnh này, nhưng hiện tại, tỉnh Cao Bằng nhìn chung vẫn kiểm soát tốt dịch tả lợn châu Phi, dịch bệnh đến thời điểm này chỉ xuất hiện rải rác ở những hộ chưa tiêm phòng cho đàn lợn. Những đàn lợn đã được tiêm phòng chưa ghi nhận trường hợp nào mắc dịch.

Vắc xin khi đưa vào tiêm thử nghiệm cho đàn lợn thịt tại Trại giống cây trồng vật nuôi thuỷ sản của tỉnh đã bảo vệ hiệu quả cho 2 lứa lợn trong trại.

Trên cả nước, đến nay mới tiêm được 6 triệu liều vắc xin. Chưa thấm vào đâu so với tổng đàn lợn thịt luôn duy trì khoảng 28 triệu con.

Bảo Khánh