Nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc tăng tới 74% trong 8 tháng, đạt 473 triệu USD
- Đức Minh
- •
Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết trong 8 tháng đầu năm, nhập khẩu rau quả từ thị trường Trung Quốc tăng đến 74% so với cùng kỳ, đạt gần 473 triệu USD. Trong khi xuất khẩu sang thị trường này giảm còn 967 triệu USD, giảm 32%.
Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, ước tính tháng 9 xuất khẩu rau quả đạt 204,4 triệu USD, giảm 26% so với tháng trước và giảm 12% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng giá trị xuất khẩu 9 tháng đạt gần 2,4 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2021, báo Thanh Niên đưa tin.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu rau quả tháng 9 đạt 204 triệu USD, tăng 10 % so với tháng trước và tăng 63,2 % so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng, nhập khẩu rau quả của Việt Nam ước đạt 1,46 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ.
Số liệu từ Hải Quan Việt Nam đến tháng 8 cho biết nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc đạt 473 triệu USD, tăng 74% so với cùng kỳ, tương đương tăng 200 triệu USD. Thị phần rau quả của Trung Quốc cũng tăng từ 29% của năm trước lên tới 37,6% trong năm nay.
Thị trường Mỹ đứng thứ hai với 201 triệu USD, tăng 6% so với năm trước và thị phần giảm từ 21% của năm trước xuống còn 17% trong năm nay. Úc đứng thứ 3 với giá trị 105 triệu USD. Những nước còn lại đều có giá trị dưới 100 triệu USD.
Ngược lại, xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào Trung Quốc giảm trong 8 tháng qua, đạt 967 triệu USD, giảm đến 32% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2021, thị trường Trung Quốc chiếm thị phần đến 57% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thì năm nay chỉ còn 44%.
Trong khi đó, xuất khẩu sang Mỹ tăng từ 151 triệu USD của năm trước lên 180 triệu USD, tương đương 19%. Tiếp theo là Hàn Quốc 125 triệu USD, Nhật Bản 115 triệu và Thái Lan 189 triệu.
Từ cuối năm 2021 đến nay, Trung Quốc vẫn duy trì chính sách Zero-COVID gây tranh cãi và liên tục đóng – mở biên giới khi phát hiện COVID-19 trên người hoặc hàng hóa. Do đó, việc xuất khẩu theo đường tiểu ngạch của thương nhân Việt Nam gặp nhiều khó khăn, rau quả hư hỏng khi chờ đợi thông quan dẫn đến nhiều doanh nghiệp thua lỗ.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cho biết Trung Quốc khuyến khích Việt Nam tăng xuất khẩu theo dạng chính ngạch nên đề ra nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng như: tiêu chuẩn hàng hóa, bao bì đóng gói, giao dịch và ký kết hợp đồng, điều kiện giao hàng, phương thức thanh toán, truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch thực vật, v.v…
Sầu riêng Việt Nam vừa cho xuất lô hàng 21 công (khoảng 25 tấn/công) đầu tiên chính ngạch vào thị trường Trung Quốc vào hôm 17/9 tại Đắk Lắk.
Số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, năm 2020 giá trị giá nhập khẩu sầu riêng của quốc gia này mới chỉ dừng ở 2,3 tỷ USD, thì năm 2021 đã vọt lên 4,5 tỷ USD – mức cao nhất trong lịch sử. Giá trung bình của sầu riêng tươi tăng từ 4 USD/kg vào năm 2020 lên mức 5,11 USD/kg năm 2021.
Hiện tại, Thái Lan đứng đầu danh sách các nhà cung cấp sầu riêng vào thị trường Trung Quốc, chiếm 40% thị phần. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt 2,51 tỷ USD. Đến năm 2021, Thái Lan thu về khoảng hơn 3 tỷ USD từ xuất khẩu sầu riêng vào thị trường đông dân này.
Từ khóa xuất khẩu rau quả nhập khẩu rau quả Tổng cục Hải quan Việt Nam